Biệt điện Trần Lệ Xuân - nơi lưu giữ mộc bản quý hiếm khẳng định chủ quyền Biển Đông
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV còn được biết đến với tên gọi Biệt điện Trần Lệ Xuân, nằm ở địa chỉ số 2 đường Yết Kiêu, phường 5, TP Đà Lạt. Đây không những là địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ sở ngàn hoa mà còn là nơi lưu giữ khối mộc bản triều Nguyễn quý hiếm. Trong đó có nhiều tư liệu quan trọng, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Toàn cảnh biệt điện của bà Trần Lệ Xuân. Bà Xuân (1924 - 2011) là vợ của cố vấn cao cấp Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống Ngô Đình Diệm. (Ảnh: VNE) |
Khu biệt điện xây dựng năm 1958 trên khuôn viên rộng 13.000 m2. Quần thể kiến trúc gồm ba công trình chính là ba ngôi biệt thự mang tên Lam Ngọc, Bạch Ngọc và Hồng Ngọc. |
Biệt điện Trần Lệ Xuân là quần thể dinh thự, vườn tược xa hoa, được dùng làm nơi nghỉ dưỡng của gia đình bà Trần Lệ Xuân và các lãnh đạo, tướng lĩnh chính quyền Sài Gòn. |
Sau năm 1975, chính quyền mới đã tiếp quản và gìn giữ nơi này như một phần tài sản quốc gia. Đến năm 2007, khu biệt điện chính thức trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, đồng thời mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách. |
Trung tâm là nơi lưu giữ, bảo quản nhiều tư liệu lịch sử quý của đất nước, nổi bật phải kể đến 34.618 tấm mộc bản triều Nguyễn gốc cùng 55.318 tờ bản dập. Giới nghiên cứu đánh giá đây là tài liệu có giá trị cao, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại. |
Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV |
Mộc bản những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, những điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử…, triều đình đã cho biên soạn và khắc in nhiều bộ chính văn, chính sử để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản. |
Nội dung mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, được coi là nguồn sử liệu đồ sộ, phong phú để nghiên cứu xã hội, đặc biệt là nghiên cứu thiết chế chính trị, bộ máy nhà nước, chính sách đối nội, đối ngoại, các mặt đời sống xã hội dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, nhiều mộc bản lưu lại các tư liệu quan trọng liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, trở thành căn cứ xác thực chủ quyền lịch sử của Việt Nam ở Biển Đông. |
Mộc bản "Hoàng Việt luật lệ". (Ảnh: Quốc Dũng/ VNE) |
Vào ngày 30/7/2009, hệ thống mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Ngoài giá trị đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam, tài liệu mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị tìm hiểu lịch sử văn hóa các nước khác như Lào, Cambuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ , Bồ Đào Nha… Đặc biệt, trong khối tài liệu quý giá này có những nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. |