Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn nêu những bức xúc trong dư luận
Sáng nay 21/9, tại phiên họp thứ 3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng... để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 2 sẽ diễn ra vào tháng 10.
Ảnh minh họa
Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong 4 năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước. Theo đánh giá của Ban chấp hành trung ương Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng” .
Theo bà Nga, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tình hình tham nhũng theo các tiêu chí cụ thể như về mức độ phổ biến, mức độ thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng theo quy định. Cụ thể, chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.
Về công tác phòng chống tham nhũng, bà Nga cho hay, dư luận và báo chí phản ánh việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, thiếu trung thực. Đặc biệt là công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ, đại biểu QH, dư luận cử tri đều phản ánh và rất bức xúc việc bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, thậm chí bổ nhiệm người không đủ phẩm chất, người thân trong gia đình, người làm thua lỗ, thất thoát tài sản lớn của nhà nước.
Trước vấn đề này, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội kiến nghị: Chính phủ xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu QH và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh.
Minh Duy