Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam qua ký ức hào hùng của một vị tướng
Tàu Hộ vệ tên lửa 016 Hải quân Việt Nam cập cảng Vladivostok, Nga Bộ 3 tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam Việt Nam dự Triển lãm Hải quân quốc tế tại Nga |
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công, nguyên Tư lệnh Hải quân hồi tưởng lại ngày đánh máy bay Mỹ trên cửa sông Gianh – Quảng Bình. Ảnh: QUANG HUY |
Người chiến sĩ hải quân ưu tú trực tiếp chiến đấu trên con tàu T-161 tại sông Gianh - Quảng Bình cách đây 55 năm (5-8-1964 – 5-8-2019) giờ đây đã trở thành “vị tướng già”, nhưng ký ức về trận đấu vang dội thì như mới hôm qua. Ông là Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công, nguyên Tư lệnh Hải quân, hiện đang sống tại TPHCM.
Một thời quyết tử
Tôi đến gặp Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công tại nhà riêng của ông ở TPHCM vào một ngày cuối tháng 7-2019. Ở tuổi 76, vị Tư lệnh của Hải quân Việt Nam giai đoạn 2000-2004 vẫn còn rất khỏe khoắn, minh mẫn.
Được hỏi về trận đánh lịch sử ngày 5-8-1964 của Hải quân Việt Nam, trong phút giây xúc động, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công kể: hồi đó ông là Binh nhất, Tiểu Đội trưởng hàng hải (lái chính) của con tàu Tuần tiễu T-161, thuộc Phân đội 5, Khu tuần phòng 2 Hải quân đang có mặt tại cảng Gianh - Quảng Bình làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ ven bờ, tiếp tế vận tải cho đảo Cồn Cỏ, chống biệt kích xâm nhập, đánh đuổi tàu nước ngoài xâm nhập trái phép…
Đầu năm 1964, nhận định đế quốc Mỹ có thể mở rộng chiến tranh, leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo mọi đơn vị chuyển sang trạng thái thời chiến. Từ ngày 6-7-1964, lực lượng hải quân cũng chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công nhớ lại: Sáng 5-8-1964, tàu T-161 đang neo đậu tại cảng sông Gianh để tiếp nhận nhiên liệu, đạn dược và lương thực thực phẩm. Khoảng 12 giờ 15 phút, bỗng tiếng kẻng báo động vang lên. Các tàu đồng loạt kéo còi báo động phòng không làm rung động cả một dòng sông. Ông Công đang vác quả bom chìm nặng khoảng 30kg, chạy vội về tàu đặt vào giá cố định thì vừa đúng lúc nghe tiếng hô đanh gọn của Thuyền trưởng Nguyễn Duy Khiêm:
- Rời bến khẩn cấp.
Vội nhảy vọt lên đài chỉ huy, Binh nhất Đỗ Xuân Công cùng anh em chặt đứt neo xích nhanh chóng lái tàu rời cảng theo lệnh của thuyền trưởng.
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công hồi tưởng: “Vì trực tiếp lái tàu trên đài chỉ huy, nên tôi có tầm nhìn rất tốt. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy máy bay Mỹ nhiều và gần đến thế. Trong suốt hơn 20 phút của đợt tấn công đầu tiên, liên tục các tốp máy bay tiêm kích, cường kích của Mỹ thay nhau chúi đầu cắt bom, bắn pháo vào các tàu và các mục tiêu trong cảng. Những làn đạn 20 ly của máy bay địch cày tung mặt nước, những quả bom nổ dưới nước làm nước bắn lên tới cả chục mét. Có quả bom địch ném nổ chỉ cách tàu T-161 khoảng 40-50m làm nước văng rơi rào rào trùm lên bong và đài chỉ huy của tàu”.
Chiến sĩ hàng hải Đỗ Xuân Công, chiến đấu trên con tàu T-161 thuộc Phân đội 5, Lữ đoàn 171 ngày 5-8-1964. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Trong vùng cảng sông Gianh, các tàu hải quân thuộc Phân đội 5, 6, 7 của Khu tuần phòng 2 di chuyển cách xa nhau khoảng 400-500m, vừa né tránh sự tấn công của máy bay địch vừa bắn trả bằng các vũ khí được trang bị. Sau khoảng 25 phút giao tranh, tàu T-161 và các tàu hải quân khác đã phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt công kích của máy bay địch; bắn cháy 1 máy bay rơi xuống biển phía Đông Nam cửa sông Gianh và bắn bị thương 1 chiếc khác.
Đến khoảng hơn 4 giờ chiều cùng ngày, địch tiếp tục không kích lần hai bằng một nhóm máy bay, nhưng lúc này yếu tố bất ngờ của địch không còn nữa và các lực lượng hải quân, phòng không mặt đất đã có thêm kinh nghiệm nên đồng loạt nổ súng bắn rơi 1 máy bay địch ngay trong loạt đạn đầu. Đợt tấn công thứ hai kết thúc nhanh hơn đợt một, địch phải tháo chạy ra phía biển sau khi bị rơi thêm chiếc máy bay thứ hai.
55 năm đã trôi qua, nhưng ký ức cuộc chiến đấu hào hùng ngày đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí vị tướng già. Hướng ánh mắt nhìn lên tấm ảnh chụp thời khoác áo chiến sĩ, giọng nguyên Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công đầy vẻ tự hào: “Tấm ảnh này chụp lúc tôi mang quân hàm Hạ sĩ lái tàu T-161. Đó là những hình ảnh đẹp đẽ nhất của đời lính biển. Thời hoa lửa qua rồi, nhưng khí thế chiến đấu thì vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua”.
Dấu son trong lịch sử chiến tranh cách mạng
55 năm trước, vào 13 giờ 10 ngày 2-8, tàu khu trục Maddox mang số hiệu 731 thuộc Biên đội xung kích 77, Hạm đội 7 của Mỹ đã xâm phạm vùng biển giữa Hòn Mê, Lạch Trường (Thanh Hóa), cách Đông Nam Hòn Nẹ 10 hải lý nhưng bị tàu Hải quân Việt Nam quyết liệt đánh trả, khiến tàu Maddox 731 bị trúng đạn 14,5 mm vào mạn, một số thiết bị trên boong hư hỏng.
Ngay sau khi tàu Maddox bị đánh đuổi khỏi vùng biển nước ta, đêm 4-8-1964 Mỹ dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, lấy cớ để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên”...
Từ giữa trưa đến chiều 5-8-1964, Mỹ huy động gần 100 lượt máy bay, tiến công làm 3 đợt, mỗi đợt đánh phá 2 địa điểm gần như cùng một lúc, với ý định tiêu diệt lực lượng tàu thuyền chiến đấu của Hải quân ta.
Hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của Hải quân nhân dân Việt Nam bị máy bay Mỹ đánh phá. Với tinh thần cảnh giác cao và quyết tâm chiến đấu anh dũng, cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng quân dân các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh đã đánh bại cuộc tiến công của không quân Mỹ, bắn rơi 8 máy bay phản lực và cánh quạt, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt 1 giặc lái.
Nhận định về chiến thắng trận đầu đã mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của bộ đội Hải quân, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công cho rằng có nhiều yếu tố, quan trọng nhất là sức mạnh chính trị tinh thần của bộ đội Hải quân mà đỉnh cao là tư tưởng, ý chí của một dân tộc không chịu khuất phục sự áp đặt, xâm lược của kẻ thù.
Từ đó nguyên Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công nhấn mạnh, trận đối đầu lịch sử ngày 2 và 5-8-1964 của bộ đội Hải quân với lực lượng không quân, hải quân Mỹ sẽ mãi được ghi nhớ như một dấu son trong lịch sử chiến tranh cách mạng.
Ông tin tưởng lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân hôm nay tiếp tục kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang, tư tưởng của thế hệ cha anh “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù trong mọi tình huống”.
Đồng thời luôn nêu cao vai trò nòng cốt cùng với các lực lượng khác ngăn chặn có hiệu quả những âm mưu, hành động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Nguyên Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công tin tưởng lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân hôm nay tiếp tục kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang, tư tưởng của thế hệ cha anh “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù trong mọi tình huống”. Ảnh: QUANG HUY |
Với chiến công vẻ vang ngày 2 và 5-8-1964, bộ đội Hải quân đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 5 Huân chương Quân công hạng Ba, 142 Huân chương Chiến công các hạng cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc. Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tặng tuổi trẻ Hải quân 20 lá cờ “Chiến công oanh liệt - Truyền thống vẻ vang”. Ngày 5-8 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là ngày đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc. |
Bộ 3 tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam Lực lượng tàu chiến bảo vệ chủ quyền của Việt Nam bao gồm nhiều loại tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tra, ... |
Ấn tượng từ một chuyến đi của những người lính tình nguyện Việt Nam Cái bắt tay hồ hởi khi được gặp lại những người bạn thuở nào đã làm họ như trở về những ngày xưa bom đạn ... |
Tọa đàm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc Để có được thành công trong cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ, ủng hộ quốc tế vô ... |
Điện Biên - nơi lưu giữ di tích lịch sử của trận đánh hào hùng Đến với Điện Biên là đến với thiên nhiên, trở về thăm lại một miền lịch sử, hào hùng với những chiến công vang dội. ... |