Chiến sĩ quân hàm xanh kéo nước về cho đồng bào biên giới
Tộc người Đan Lai sinh sống tập trung tại huyện Con Cuông với 785 hộ, 3.525 nhân khẩu, sinh sống tại 2 bản: Bản Búng và Cò Phạt thuộc xã biên giới Môn Sơn, cách trung tâm huyện 40km.
Họ chủ yếu sống dựa vào rừng, săn bắt, hái lượm, phát rừng làm rẫy nên thiếu đói quanh năm. Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Đan Lai, Chính phủ đã có Quyết định số 280/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiếu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An" (gọi tắt Đề án 280).
Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn thi công hệ thống dẫn nước phục vụ sinh hoạt cho bà con dân bản. Ảnh: Hải Thượng |
Thực hiện Đề án 280, hiện người Đan Lai, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã có cuộc sống sung túc, ấm no trong những ngôi nhà tái định cư được Nhà nước xây dựng, nước sinh hoạt cộng đồng cũng đã về tới các bản vùng biên.
Tại bản Cửa Rào đã có hai điểm lấy nước sạch phục vụ bà con sinh hoạt, nguồn nước do Đồn Biên phòng Môn Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) và các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Từ ngày có bể nước về ngay trước bản, chị La Thị Liên và bà con trong bản Cửa Rào không phải lo lắng việc đi lấy nước sinh hoạt hằng ngày như trước. Nhớ lại những ngày đi xách từng can nước về phục vụ sinh hoạt, chị La Thị Liên cho biết: “Hằng năm, cứ đến tầm tháng 5, nhiều khi nước uống còn không có, rửa bát, chén phải tiết kiệm từng chút một. Gia đình nào có xe thì còn đỡ vất vả khi đi chở nước, những nhà không có xe thì phải đi bộ xách từng can nước về dùng. Bây giờ có bể nước ngay trước bản, chúng tôi cảm ơn Nhà nước, bộ đội biên phòng và các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ”.
Để giúp người dân bản Cửa Rào giảm bớt khó khăn về nước sinh hoạt, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã vận động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí cùng với sự hỗ trợ ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và bà con trong bản triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng đường nước phục vụ sinh hoạt cho đồng bào. Công trình gồm 1 tháp nước cao 15m, đường ống dẫn nước dài 700m và 2 điểm lấy nước sinh hoạt tại bản với tổng trị giá công trình hơn 65 triệu đồng.
Là người trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ và bà con trong bản triển khai công trình, Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: “Để tiết kiệm kinh phí, trong quá trình thi công, chúng tôi tận dụng tối đa các vật liệu có thể khai thác tại chỗ, còn việc thi công, xây dựng, đào đất, lắp đặt đường ống dẫn nước... đều do bộ đội và bà con trong bản thực hiện. Thi công do điều kiện nắng hạn, quá trình vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, chỉ trong 15 ngày, công trình đã hoàn thành, đưa nước về cho bà con sử dụng, nguồn nước bảo đảm chất lượng vệ sinh”.
Việc hoàn thành công trình dẫn nước sạch về bản của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn đã đáp ứng được sự mong mỏi nhiều năm nay của bà con Đan Lai ở bản Cửa Rào, giúp người dân giảm bớt khó khăn trong mùa nắng hạn, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no nơi bản tái định cư.
Để có nguồn nước đưa về bể chứa hiện nay, ngoài xây dựng tháp, đường ống và bể chứa, lực lượng bộ đội biên phòng đã dùng máy bơm để đưa nước lên bồn chứa dẫn về các bể nước phục vụ bà con.
Cờ Tổ quốc đỏ rực tại con đường ở xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông (Ảnh: TTXVN). |
Thiếu tá Nguyễn Xuân Quang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Môn Sơn chia sẻ: Đơn vị đứng chân trên địa bàn vùng sâu, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào Đan Lai. Do đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn phấn đấu bằng những việc làm cụ thể để mang lại lợi ích thiết thực cho bà con. Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn xác định, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ biên giới, việc giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Ngân Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết, cấp uỷ chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các đơn vị tuyên truyền vận động nhân dân, tận dụng các diện tích sẵn có để vừa sản xuất nâng cao đời sống của người dân vừa bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia.
Dòng sông Giăng yên bình gắn bó với đời sống bao đời nay của người Đan Lai. Nơi đây chứng kiến những khó nhọc của bà con Đan Lai từ bao đời nay, giờ vẫn hiền hoà ôm ấp bản làng, bồi đắp phù sa để những thửa ruộng lúa lên xanh, cây trái tươi tốt bốn mùa, giúp bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Quảng Bình: Chủ động phương châm “Bốn tại chỗ” khu vực biên giới biển Những năm gần đây, địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai lớn. Bởi vậy, thời điểm này các đơn vị trên địa bàn đã sẵn sàng với các tình huống thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. |
Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí gia hạn chương trình viện trợ xuyên biên giới cho Syria Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc đã nhất trí gia hạn chương trình viện trợ xuyên biên giới cho Syria thêm 6 tháng. |
Giới đầu tư Thụy Sĩ quan tâm đến lĩnh vực tài chính xanh, bền vững của Việt Nam Đoàn công tác của Bộ Tài chính ngày 14/7 đã có buổi làm việc với Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Tổng giám đốc WTO. |