Chiến lược nào để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững?
Ảnh minh họa |
Áp dụng phương pháp canh tác bền vững và tiêu chuẩn chất lượng
Giá cà phê trong nước ngày 14/8 giảm xuống mức 118.000 – 118.500 đồng/kg. Giá cà phê trên hai sàn giao dịch thế giới cũng đảo chiều lao dốc với Robusta mất hơn 3%, do xuất khẩu của Brazil tăng mạnh.
Theo các thương nhân, tốc độ xuất khẩu Robusta mạnh từ Brazil giúp bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam. Sương giá nhẹ và cục bộ xảy ra mạnh ở khu vực phía Nam nước này, về cơ bản không ảnh hưởng đến khu vực trồng cà phê.
Trong khi đó, tuy là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên toàn cầu, và là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta số 1 thế giới nhưng canh tác cà phê ở Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Tỉnh Đắk Lắk tuy được mệnh danh là “vương quốc” cà phê, nhưng có khoảng 90% diện tích và sản lượng cà phê do các hộ nông dân làm ra, với quy mô nhỏ lẻ và manh mún nên việc chuyển giao kỹ thuật còn nhiều khó khăn. Sản xuất cà phê của người dân còn theo kinh nghiệm truyền thống, tự phát, áp dụng quy trình kỹ thuật tái canh cà phê còn nhiều hạn chế, một số diện tích cà phê tái canh không đạt hiệu quả.
Tỉnh này đặt mục tiêu phát triển cà phê là tạo được một giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh; chú trọng các mô hình, giải pháp giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng của cà phê.
Cùng với đó là xây dựng mã vùng trồng, có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, phát triển thị trường gắn với việc xây dựng thương hiệu để việc tiêu thụ được thuận lợi, mang lại giá trị cao trên thị trường.
Tiến sĩ Devmali Perera - Giảng viên ngành Tài chính và Tiến sĩ Majo George - giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics, chuyên gia đến từ Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, các bên liên quan trong ngành cà phê nên theo đuổi những giải pháp chiến lược để đảm bảo tính bền vững, và khả năng cạnh tranh của ngành.
Ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến canh tác bền vững tập trung vào bảo tồn môi trường. Điều này có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê.
Đầu tư nâng cao năng lực, nghiên cứu và phát triển
Theo Tiến sĩ Majo George, các mối quan hệ hợp tác công tư như chương trình “Sản xuất kết hợp bảo vệ nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (PPI Compact)”, tại Đắk Lắk có thể tạo ra các mô hình bền vững và cải thiện khả năng phục hồi của nông dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình nông lâm kết hợp, và các phương pháp thân thiện với môi trường khác nhằm nâng cao tính bền vững lâu dài.
Xuất khẩu cà phê đặc sản và cà phê hữu cơ đang được chú ý hơn, bởi các sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu. Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình chứng nhận nghiêm ngặt liên quan đến chế biến cà phê cũng rất quan trọng.
Còn theo Tiến sĩ Devmali Perera, việc khuyến khích các chứng nhận như Fair Trade, Organic và Rainforest Alliance giúp nhà sản xuất tiếp cận thị trường cao cấp, và đạt được mức giá tốt hơn. Những chứng nhận này không chỉ cải thiện khả năng tiếp thị sản phẩm, còn thúc đẩy các hoạt động canh tác bền vững và có đạo đức, phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới tiêu dùng có trách nhiệm hơn.
“Các chương trình đào tạo nông dân về các biện pháp canh tác tốt nhất, cách quản lý chất lượng và quy trình chứng nhận có thể thôi thúc họ sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đầy thách thức của chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, trong đó việc duy trì chất lượng hạt trong quá trình sản xuất là một vấn đề lớn”, Tiến sĩ Devmali Perera nói.
Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tài chính và tiếp cận thị trường
Chuyên gia Đại học RMIT cho rằng, chính phủ có thể tìm cách thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, giúp hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng tổng thể của cà phê Việt Nam.
Hợp tác với các trường đại học trong nước và quốc tế, để tiến hành nghiên cứu các phương pháp canh tác bền vững và công nghệ mới nhằm hỗ trợ ngành. Những công nghệ này có thể cung cấp cho người nông dân hiểu biết, giúp họ quản lý cây trồng tốt hơn và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại, kho lưu trữ và nhà máy chế biến là rất quan trọng, để cải thiện quy trình xử lý sau thu hoạch và giảm tổn thất về chất lượng. Điều này có thể giúp hợp lý hóa chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả vận chuyển và lưu trữ cà phê.
Ngoài ra, chính phủ có thể hỗ trợ tài chính và trợ cấp giúp giảm chi phí sản xuất cho nông dân trồng cà phê. Đặc biệt, trợ cấp phân bón và thiết bị canh tác tiên tiến giúp họ duy trì và cải thiện diện tích trồng cà phê với chi phí hợp lý hơn.
Xúc tiến xuất khẩu là một lĩnh vực trọng tâm quan trọng khác. Các chính sách nhằm quảng bá cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, bao gồm tham gia các hội chợ thương mại toàn cầu và tận dụng các FTA với các nước và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho cà phê Việt Nam.
“Ngành này phải tiếp tục đổi mới và thích ứng để giảm thiểu rủi ro. Khả năng phục hồi và thích ứng của các nhà sản xuất cà phê Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các biện pháp đổi mới, sẽ là chìa khóa để vượt qua khó khăn hiện tại và đảm bảo thành công lâu dài trên thị trường cà phê toàn cầu”, Tiến sĩ Perera kết luận.