Xuất khẩu cà phê đã mang về hơn 3 tỷ USD sau nửa năm
Ảnh minh họa |
Các yếu tố chính tác động lên giá cà phê
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, những ngày đầu tháng 6/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng từ 1.000 – 1.300 đồng/kg (tùy từng khu vực) so với thời điểm cuối tháng 5, lên mức 123.000 – 124.200 đồng/kg. Hiện giá cà phê giao dịch trong khoảng 120.500 - 121.600 đồng/kg.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết có 4 yếu tố chính tác động lên thị trường cà phê:
Thứ nhất, tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino khiến thời tiết trở nên cực đoan hơn, nắng nóng gây khô hạn trên diện rộng gây thiếu nước ở các vùng trồng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng ra hoa, tạo trái của cây cà phê, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng. Mặc dù trong tháng 6 ở Việt Nam đã có mưa nhưng lượng vẫn quá ít so với trước đây, dự kiến những cơn mưa rào rải rác sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.
Thứ hai là yếu tố cung cầu, trong tháng 6 và tháng 7 là thời gian Brazil bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ và nguồn cung cà phê ra thị trường sẽ dồi dào hơn trước.
“Vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm thì Brazil thu hoạch rộ cà phê, còn Việt Nam từ tháng 10 bắt đầu thu hoạch đến tháng 11, tháng 12 là rộ vụ. Khi vào chính vụ thì nguồn cung cà phê sẽ dồi dào hơn giúp giảm áp lực về giá”, Chủ tịch Vicofa nói.
Thứ ba, giá cà phê tăng mạnh có sự góp sức của các nhà đầu cơ tài chính, họ cũng là tác nhân thao túng thị trường trong thời gian qua và có thể tạo ra sốt giá ảo, hiện nay họ đang thanh lý để thu hồi vốn nên giá cà phê liên tục sụt giảm.
Thứ tư, ngoài các yếu tố trên thì theo Báo cáo mới nhất của ICO, trong 6 tháng đầu vụ xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn tăng cho dù lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm.
Dẫn nguồn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục XNK cho biết, hiện lượng cà phê tồn kho tại thị trường trong nước còn lại rất ít. Dự báo, sản lượng cà phê niên vụ sắp tới sẽ tiếp tục giảm từ 15 - 20% do thời gian qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt tại vùng Tây Nguyên.
Theo Vicofa, ngoài vấn đề thời tiết thì trong suốt thời gian dài giá cà phê luôn ở mức thấp khiến cây cà phê khó cạnh tranh với những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn dẫn đến diện tích cây cà phê trên thực tế có thể giảm mạnh so với con số thống kê. Đây là 2 yếu tố chính làm cho sản lượng vụ cà phê sắp tới có thể giảm từ 15 – 20%, là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê tăng gần 41% so với cùng kỳ
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến giữa tháng 6, xuất khẩu cà phê đạt hơn 862.400 tấn, trị giá 3,042 tỷ USD, giảm 7,74% về lượng nhưng tăng 38,80% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 5 tháng đầu năm đạt mức 3.475 USD/tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái là yếu tố quyết định giúp kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trị giá đạt cao nhất trong lịch sử ngành hàng, cho dù, khối lượng xuất khẩu cà có giảm, với đà tăng này thì có nhiều khả năng xuất khẩu cà phê sẽ đạt 5 tỷ USD như mục tiêu đề ra.
Top 5 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất trong 5 tháng đầu năm nay, lần lượt là: Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong đó, các thị trường Đức, Ý và Hoa Kỳ đều giảm lượng nhập khẩu.
Cụ thể: Thị trường Đức đứng vị trí số 1 với lượng cà phê nhập khẩu đạt 104.375 tấn, trị giá 349,622 triệu USD, chiếm tỷ lệ 12,77% về khối lượng và chiếm 12,31% về giá trị. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 8,5% về lượng nhưng tăng đến 45,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ hai là thị trường Ý đạt 80.655 tấn, mang về 254,387 triệu USD, giảm 2,7% về lượng nhưng tăng đến 43,6% về trị giá so với cùng kỳ.
Thứ ba là Tây Ban Nha, lượng cà phê xuất khẩu đạt 60.805 tấn, trị giá 217,895 triệu USD, tăng 33,2% về lượng, tăng 102,0% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Thứ tư là thị trường Nhật Bản với 56.931 tấn, và kim ngạch 210,828 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 16,9% về lượng, tăng 63,9% về trị giá.
Thị trường Hoa Kỳ đứng thứ năm với 50.033 tấn, trị giá 169,453 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 22,4% về lượng nhưng tăng 16,6% về kim ngạch.
Theo số liệu thống kê từ Eurostat, trong quý I/2024, Đức nhập khẩu cà phê từ thị trường ngoại khối EU đạt 263,27 nghìn tấn, trị giá 899 triệu EUR (tương đương 979,69 triệu USD), tăng 4,0% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam là quốc gia cung cấp cà phê lớn thứ hai vào thị trường Đức sau Brazil.
Dự báo, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024 - 2025 giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm gần đây, gây áp lực lên nguồn cung Robusta lên thị trường toàn cầu.