Chia sẻ và kết nối ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu rủi ro
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 50 đại biểu đến từ một số bộ ngành liên quan, các tổ chức trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện chính quyền địa phương thuộc các địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Tổ chức Bánh mỳ thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đồng tài trợ.
Hội thảo “Chia sẻ và kết nối các tổ chức về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu” nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Dự án được Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội (AFV) thực hiện từ tháng 12/2016 đến tháng 12/2018 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Dự án nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng (đặc biệt là phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số) nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các bài học kinh nghiệm về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giảm nhẹ tác động của BĐKH trong quá trình triển khai dự án được nhân rộng tại cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Sau gần hai năm thực hiện, dự án đã xây dựng và phát triển những mô hình và thực tiễn tốt được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao như: Cơ chế phối hợp phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng, mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH –Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới,…
Hội thảo đã dnhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành, địa phương về những nội dung liên quan đến việc xây dựng năng lực cho cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và BĐKH. Bên cạnh đó còn thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa các tổ chức để chung tay giải quyết các vấn đề về ứng phó thiên tai và BĐKH tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Phương Thảo – Giám đốc điều hành AFV chia sẻ: “Ứng dụng PDG trên điện thoại thông minh giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên có thể tham gia cung cấp các thông tin liên quan đến các hiện tượng thiên tai xảy ra ở địa phương mình cho các cơ quan liên quan; đồng thời, nhận các thông tin cảnh báo sớm về thiên tai có thể xảy ra để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, các kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai các cấp được xây dựng với sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng. Các kế hoạch này được lồng ghép vào kế hoạch phát triển KT-XH địa phương để có sự phân bổ ngân sách và nguồn lực phù hợp cho việc triển khai”.
Đỗ Quyên