Cao tốc Cam Lộ - La Sơn sắp thoát cảnh "vùng lõm" sóng di động
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khánh thành vào cuối năm 2022. Tuyến đường có tổng chiều dài 98,3 km, nối tỉnh Quảng Trị với Thừa Thiên Huế.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.675 tỷ đồng, với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m ở giai đoạn đầu.
Bước sang giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m trên toàn tuyến. Điểm đầu của tuyến đường giao với Quốc Lộ 9 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), điểm cuối là nút giao La Sơn, kết nối với đường cao tốc La Sơn - Túy Loan tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).
Sau khi đưa vào sử dụng, các nhà mạng cũng vận hành cơ sở hạ tầng viễn thông đi theo, với hơn 40 trạm dọc tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đảm bảo vùng phủ 4G tại khu vực đạt gần 80%.
Tuy nhiên, trên tuyến đường này hiện vẫn còn một số vùng không có sóng điện thoại. Điều này khiến việc liên lạc của người dùng gặp khó khăn, công tác cứu hộ trên cao tốc cũng không thể triển khai. Theo đại diện một nhà mạng, khó khăn lớn nhất là việc thuê đất lâm nghiệp để đặt trạm do chưa có chính sách từ địa phương, nguồn điện tại khu vực này cũng chưa có.
Đại diện nhà mạng Viettel chia sẻ, đơn vị này đang xây dựng thêm 8 trạm phát sóng BTS mới dọc tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn để xoá dần các khu vực “lõm” sóng.
Thủ tục xin cấp đất được tỉnh Quảng Trị tháo gỡ, trong khi đó, nhà mạng Viettel sử dụng ắc quy và pin mặt trời để vận hành các trạm BTS, khắc phục việc thiếu nguồn điện. Dù rằng giải pháp này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao. Theo dự kiến, 8 trạm BTS dọc tuyến cao tốc hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 8.
Các trạm BTS được lắp đặt ở các khu đất lâm nghiệp do tỉnh Quảng Trị hỗ trợ tháo gỡ thủ tục xin, thuê đất sẽ phải chia sẻ cho các nhà mạng dùng chung. Bởi việc “trồng” mới các trạm BTS trên đoạn đường này rất phức tạp. Mục tiêu cuối cùng là nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người sử dụng di động.