Cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Đột phá quan trọng, ưu tiên hàng đầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hướng tuyến một dự án cao tốc tại phía Nam - Ảnh: VGP |
Ngày 11/1, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.950 tỷ đồng, với quy mô 729 km trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, gồm 12 dự án thành phần có thể vận hành, khai thác độc lập nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện dự án, trừ các dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có đề xuất riêng.
Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện, cơ bản hoàn thành toàn bộ công trình trong giai đoạn 2021-2025; quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Công khai, minh bạch quá trình triển khai, thực hiện, quản lý, khai thác và vận hành dự án; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực triệt để tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực; rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về hình thức thu phí tự động không dừng; xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương; hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án…
Ý nghĩa to lớn nhiều mặt
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc đồng tình cao với tính cấp thiết của việc tiếp tục triển khai đầu tư 12 dự án thành phần trên trục đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Việc xây dựng đường cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần gắn kết các địa phương, thu hẹp khoảng cách vùng miền, lan toả về kinh tế - xã hội.
Về mặt kinh tế, xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. “Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta vẫn chưa cao, theo xếp hạng của các tổ chức có uy tín trên thế giới. Và một trong những điểm nghẽn chính là kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng”, ông cho biết.
Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năm 2019, chỉ số chất lượng đường bộ, và chỉ số kết nối giao thông đường bộ của nước ta lần lượt đứng thứ 103 và 104 trên 141 nền kinh tế trên thế giới tham gia khảo sát và đây là một trong những chỉ số thấp nhất trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh tổng thể của chúng ta.
Cơ sở hạ tầng giao thông yếu, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chi phí logistic của chúng ta chiếm tới 20% GDP, cao gần gấp đôi so với các nước phát triển, và cao hơn mức bình quân toàn thế giới. Đó là một chi phí quá lớn, ông Lộc phân tích.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thì việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, với xương sống là đường cao tốc - Bắc Nam, là một mũi đột phá quan trọng, cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực nguồn lực quốc gia.
Nhất trí với phương thức đầu tư, thực hiện 12 dự án thành phần lần này bằng nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, nhất là trong bối cảnh cần phục hồi nhanh nền kinh tế, song ông Lộc phân tích, khi người dân và khu vực tư nhân không làm được thì Nhà nước phải làm là điều hợp lẽ. Tuy nhiên, chúng ta đã có nhiều thực tiễn thành công trong quan hệ đối tác công tư. Đảng ta đã đề ra chủ trương về thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, Quốc hội đã ban hành Luật về đối tác công tư.
Ông Lộc cho rằng, “cộng đồng trách nhiệm, hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro” là chìa khóa để có đủ sức thu hút đối với các nhà đầu tư. Để tiếp tục đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông cũng như các dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc Nam trong thời gian tới, ông đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ sớm tiến hành nghiên cứu, đánh giá cả những thực tiễn cả thành công và thất bại của các dự án đối tác công tư từ trước đến nay và khẩn trương rà soát để đề xuất sửa đổi Luật Đối tác công tư và các thể chế chính sách khác liên quan, để bảo đảm hài hoà lợi ích của tất cả các bên có liên quan.
Đầu tư công là cần thiết trong bối cảnh hiện nay
Đánh giá cao Nghị quyết của Quốc hội, nhiều ý kiến nhận định, chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam bằng vốn ngân sách và việc giao Bộ GTVT làm đầu mối sẽ giúp tuyến cao tốc xương sống này sớm liền một dải.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lý giải, tại thời điểm này, việc lựa chọn hình thức đầu tư công cho 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là đúng và cần thiết. Nếu triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) rất khó huy động vốn, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang chịu cú sốc từ đại dịch COVID-19.
Mặt khác, trong thời gian qua, xuất hiện một số dự án PPP chưa thành công do chúng ta chưa tháo gỡ được hết các vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến loại hình đầu tư này.
Về vấn đề vốn, các dự án PPP vẫn dùng một phần vốn từ Nhà nước. Với phần vốn còn lại, nhà đầu tư tư nhân phải đi vay với lãi suất thị trường. Điều này gây nên những hạn chế về mặt đầu tư, phương án thu hồi vốn.
“Trong bối cảnh hiện nay, tốt hơn hết là Nhà nước đầu tư hạ tầng, giúp rút ngắn thời gian thi công, giá thành công trình thấp hơn, kỹ thuật đảm bảo, phí đường bộ giảm, đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Sau khi sử dụng vốn ngân sách để xây dựng 12 dự án cao tốc, doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu khai thác vận hành công trình”, vị chuyên gia nhận định.
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, các quốc gia trên thế giới đều đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu, tạo công ăn việc làm. Đầu tư cơ sở hạ tầng vừa phục vụ cho sự phát triển lâu dài, bền vững của nền kinh tế vừa có tác động lan tỏa, kích thích các ngành kinh tế khác phát triển trong ngắn hạn.
“Đây là lúc cần đẩy mạnh đầu tư công và việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng kinh tế”, ông nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý Xây dựng, Khoa Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng nêu lại thực trạng 5 dự án PPP cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã không thể lựa chọn được nhà đầu tư, phải chuyển sang đầu tư công.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và Bộ GTVT trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ, đặc biệt là về công tác giải phóng mặt bằng.
“Việc giải phóng mặt bằng nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào địa phương, vào giá cả, tốc độ, tiến độ thi công... Bài học kinh nghiệm trong những năm qua cho thấy, địa phương nào nỗ lực, dứt khoát thì công đoạn này sẽ được thực hiện dứt khoát, nhanh gọn.
Chủ đầu tư dự án phải quán xuyến tất cả nhưng nhiệm vụ chính là thúc đẩy tốc độ, tiến độ, đảm bảo chất lượng, thúc đẩy các nguồn lực để giải ngân, thực thi... Làm như vậy sẽ tạo ra hiệu quả đầu tư nhanh nhất và thống nhất của toàn bộ dự án”, ông Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Cũng theo các vị chuyên gia, giao Bộ GTVT làm đầu mối tổ chức thực hiện dự án nên đi kèm cam kết đảm bảo tiến độ, kỹ thuật, chất lượng. Cùng với đó, phải có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh. Làm được như vậy mới đảm bảo thực hiện được yêu cầu đề ra với dự án trọng điểm đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cả hai vị chuyên gia cùng đề xuất.
Đẩy nhanh tiến độ GPMB, xử lý vướng mắc trong thực hiện cao tốc Bắc – Nam phía Đông Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Công điện 686/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng và xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. |
Vì sao nhà đầu tư không mặn mà với cao tốc Bắc – Nam? TĐO-Tìm được nhà đầu tư đã khó, giữ được dự án không phải dừng lại càng khó hơn. Đó là tình cảnh khá “bi đát” của cao tốc Bắc Nam. Vì sao nên nỗi…? |
Kế sách gì “hút” vốn cho cao tốc Bắc – Nam? TĐO-Theo kế hoạch, dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ hoàn tất các thủ tục và khởi công vào cuối 2019, đầu 2020. Trên thực tế, việc vướng mắc nguồn vốn vay cho dự án vẫn chưa thể giải quyết. Vì vậy, so với kế hoạch đã đưa ra, chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh. Vậy, phải có kế sách gì độc đáo để “hút” vốn cho cao tốc Bắc – Nam? |