Vì sao nhà đầu tư không mặn mà với cao tốc Bắc – Nam?
Trào lưu đã lỗi thời
Khoảng 5 năm trước, anh bạn của tôi là chuyên gia ở nước ngoài về, anh làm trong lĩnh vực cầu đường, đã dự báo: “Công cuộc tư nhân hóa làm đường sẽ không thể thành trào lưu mãi được. Nó sẽ trở thành nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư trong vòng 2-3 nữa.”
Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh internet.
Và, anh bạn chuyên gia của tôi đã đúng một phần, khi trào lưu doanh nghiệp thi nhau đầu tư vào đường giao thông đã chững lại từ vài năm rồi. Tôi vặt hỏi, anh bạn nói: “Do cơ chế của chúng ta thay đổi liên tục. Làm đường đầu tư là dài hạn, nên các nhà đầu tư không thể liên tục thích nghi với sự thay đổi của cơ chế. Hơn nữa, cả đôi bên đều có sự nóng vội trong thẩm định lẫn nhau theo kiểu xin-cho nên không thể bền được. Ở đây, chúng ta phải thực hiện cơ chế hợp tác, đôi bên cùng có lợi và chia sẻ lợi nhuận, khó khăn một cách minh bạch thì mới phát triển được lâu dài”.
Đầu năm, Chính phủ rất quan tâm đến việc triển khai, kêu gọi nhà đầu tư cho cao tốc Bắc – Nam. Đây là chủ trương đúng đắn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thế nhưng, quá trình kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác đã không được như ý. Thậm chí nói nôm na, dự án bị ế, mời gọi mãi mới có được nhà đầu tư nhưng hiện tại lại rất khó khăn trong triển khai dự án. Vì sao lại như vậy?
Nguy cơ dừng thực hiện dự án rất lớn
Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có khoản tiền hơn 8.000 tỷ đồng do 4 ngân hàng cho vay. Thế nhưng, hiện tại dự án đang có nguy cơ phải dừng hoạt động do chênh lệnh lãi suất trả ngân hàng với lãi suất vốn vay do cơ quan nhà nước quy định quá lớn.
Đồ họa của báo Diễn đàn doanh nghiệp.
Ai cũng biết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự kiến hoàn thành vào năm 2020 do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận làm chủ đầu tư ký hợp đồng tín dụng vay vốn với 4 ngân hàng: Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank, ngày 15/6 vừa qua với khoản vay lên tới 8.126 tỷ đồng.
Ngày 25/7, chủ đầu tư đã gửi văn bản “cầu cứu” lên cơ quan chức năng do thiếu khả năng hoàn vốn tại dự án Đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: Hiện trần lãi suất vốn vay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định tại Dự án (6,75%/năm) đang thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thực tế mà nhà đầu tư đang đàm phán với 4 nhà tài trợ vốn (10,83%/năm).
“Sự chênh lệch lãi suất 3,93%/năm này không chỉ khiến dự án không thể hoàn vốn vay, mà nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chi phí sử dụng vốn vay với tổng giá trị có thể lên đến 3.639 tỷ đồng”, ông Dũng nói. “Trong trường hợp không được chấp thuận thì nhà đầu tư sẽ phải dừng dự án để tránh thua lỗ lớn”, ông Dũng cho biết.
Bộ chủ quản lên tiếng
Như vậy, nguy cơ dừng dự án là liên quan đến lãi suất. Vấn đề này, Bộ chủ quản là Bộ GTVT, ngày 8/8 đã có văn bản trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong đó nêu rõ: Mức lãi suất vay các nhà đầu tư ký theo hợp đồng tín dụng của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tháng 7/2018) là 6,83% + 4%/năm (trong đó lãi suất tham chiếu tháng 7/2018 của VietinBank là 6,8%; BIDV là 6,9%; VP Bank là 6,9% và Agribank là 6,7% lấy mức trung bình là 6,83%).
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT ký cũng phân tích: Thời điểm hiện tại, sẽ có phát sinh chênh lệch lãi suất vốn vay theo hợp đồng tín dụng và lãi suất tối đa được thanh toán trong hợp đồng BOT là khoảng 10,83% - 6,9% = 3,93%/năm mà nhà đầu tư phải tự bỏ ra để thanh toán cho bên vay.
Trong đó, con số 6,9% là mức quy định lãi suất vốn vay tính toán cho nhà đầu tư không vượt quá 1,5 lần bình quân đơn giản lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện hợp đồng dự án PPP theo quy định của Bộ Tài chính. Tức là, dự án ký hợp đồng vào tháng 7/2018 sẽ có công thức tính lãi suất vốn vay từ kết quả đấu thầu TPCP 10 phiên gần nhất trong 6 tháng năm 2018 là 4,6%/năm x 1,5 = 6,9%/năm.
“Đối với các dự án công tư (PPP), việc phải bù lỗ lãi suất liên tục trong nhiều năm suốt vòng đời dự án sẽ là một gánh nặng lớn đối với nhà đầu tư, việc huy động tài chính cho các dự án PPP sẽ rất khó khả thi, tạo thêm rủi ro tài chính đối với cả bên vay và bên cho vay, giảm tính hấp dẫn về thị trường đầu tư PPP tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
Với văn bản trên, Bộ chủ quản cũng xác nhận, với mức lãi trần cũng như cách tính của các ngân hàng cùng với tiến độ thực hiện dự án thì nhà đầu tư bị lỗ lớn và xin dừng dự án là có lý do chính đáng.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại cơ chế vốn đầu tư, trình Chính phủ xem xét, để dự án được hoạt động bình thường.
Thực tế, đầu tư vào cầu đường thời gian qua không đơn giản đối với các nhà thầu. Họ nhìn vào một số trạm thu phí, rồi thì điều chỉnh giá phí… nên có tính toán kỹ hơn và thận trọng hơn chứ không theo trào lưu như trước.
Thế nhưng, cao tốc Bắc Nam là trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội, hy vọng, Bộ GTVT giúp Chính phủ tìm ra giải pháp tốt nhất trong vấn đề này.
N.Huệ