Cảng Cát Lái: 685 doanh nghiệp xuất nhập khẩu nợ 29 tỷ đồng phí sử dụng hạ tầng cảng biển
Theo phản ảnh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tại cảng Cát Lái hiện có rất nhiều container bị rớt chuyến tàu xuất hàng do doanh nghiệp chưa đóng phí hạ tầng cảng biển nên bị phong tỏa.
Khi tàu vận chuyển container vào cảng Cát Lái nhận hàng, hãng tàu mới gửi danh sách container cho Cảng vụ đường thủy nội địa (Cảng vụ) mới biết container nào bị phong tỏa, trong khi thời gian tàu neo ở cảng để nhận container rất ngắn khiến doanh nghiệp xoay sở không kịp, cho dù họ đóng phí ngay thì hệ thống vẫn cần 24 giờ để chuyển dữ liệu cho Trực ban sản xuất tại cầu cảng.
Container bị rớt chuyến trễ hẹn giao hàng cho bên mua, và có nhiều khả năng không được thanh toán L/C, nguồn tiền bị ách lại sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu.
“Khi phát hiện bị nợ phí hạ tầng cảng biển doanh nghiệp chuyển khoản 24/7 liền, nhưng sau khi nhận tiền thanh toán phải mất đến 24 giờ để hệ thống chuyển xác nhận xuống Trực Ban sản xuất tại cảng sau đó hàng hóa mới được giải tỏa, lúc đó tàu không thể chờ được. Vấn đề cốt lõi là hệ thống phải đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp như tinh thần kiến tạo của chính phủ đề ra”, một doanh nghiệp nói.
Trước những phản ảnh của các doanh nghiệp, chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Minh Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý Bến cảng - Cảng vụ Đường thủy nội địa (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh).
Ông Tuấn cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu nợ phí hạ tầng cảng biển, và không phải họ mới nợ một ngày hay hai ngày mà đa số là nợ dài hạn, trong khi đó Cảng vụ đã thông báo đến doanh nghiệp từ trước.
“Trước đó, chúng tôi đã gửi thông báo nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp đóng phí, và nêu rõ trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu nếu doanh nghiệp không đóng phí chúng tôi sẽ ngưng cung cấp các dịch vụ, không chờ đến lúc container sắp lên tàu mới thông báo yêu cầu doanh nghiệp đi đóng tiền nợ phí hạ tầng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong thông báo Cảng vụ cho biết, trong thời hạn từ 7 - 10 ngày, yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán xong nợ phí hạ tầng cảng biển, nhưng theo ông Tuấn hầu hết đều chây ỳ không đóng, dẫn đến tình trạng hàng hóa ra đến cảng mới làm thủ tục thanh toán, họ vừa làm thủ tục xong là container lên tàu luôn nên đôi khi không giải quyết kịp.
Trên website của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng có thông báo “Danh sách doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ về phí” do Cảng vụ cung cấp.
Thông báo nêu: Cảng vụ Đường thủy nội địa đã có công văn yêu cầu 658 Doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nhà nước (Danh sách doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ về phí xem văn bản đính kèm). Các Doanh nghiệp vui lòng nhanh chóng thực hiện nộp phí sớm, tránh phát sinh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước khi Cảng vụ Đường thủy nội địa thực hiện cưỡng chế đối với hàng hóa thông qua tại cảng Tân Cảng Cát Lái.
Mặt khác, Cảng vụ cũng có văn bản gửi xuống cảng yêu cầu doanh nghiệp nào đóng phí xong thì bộ phận kiểm tra của Cảng vụ phải kiểm tra lại tất cả các tờ khai trên hệ thống. Khi doanh nghiệp đã đóng phí xong và sạch nợ, sẽ có văn bản trình ký gửi xuống Cảng vụ, vì vậy cần phải có thời gian nhất định. Tuy nhiên, dù Cảng vụ đã gửi văn bản báo trước cho doanh nghiệp nợ phí hạ tầng nhưng họ vẫn không đóng.
“Chúng tôi đã làm rõ ràng từng bước, trước tiên là gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp thanh toán phí hạ tầng cảng biển còn nợ và cho họ một thời gian khá dài. Doanh nghiệp không đóng phí chúng tôi mới gửi văn bản xuống cảng yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ. Khi ngừng cung cấp dịch vụ cảng có nhiệm vụ quản lý khối tài sản này, chờ khi doanh nghiệp đóng phí xong Cảng vụ mới có văn bản giải tỏa hàng hóa.
“Muốn container hàng lên tàu thuận lợi thì doanh nghiệp nên đến Cảng vụ đóng phí hạ tầng trước, đừng đợi tàu vào cảng nhận container rồi mới đi đóng như vậy sẽ không đủ thời gian giải tỏa. Không phải doanh nghiệp không biết mình có nợ phí sử dụng hạ tầng cảng biển, vì khi nộp thuế xong thì họ đã biết phải đóng phí bao nhiêu, nhưng hầu như họ không đóng. Phí này Hải Phòng đã thu rất lâu nhưng TP. Hồ Chí Minh chỉ mới bắt đầu thu từ tháng 4/2022”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo Cảng vụ, hiện có đến 658 doanh nghiệp xuất nhập khẩu nợ phí hạ tầng cảng biển và số tiền này đã lên gần 29 tỷ đồng, đây là con số không nhỏ dẫn đến tình trạng nợ ngân sách của nhà nước.