Đánh thức "tiềm năng" logistics giữa Việt Nam - Campuchia
Tối ưu hóa chi phí xuất nhập khẩu
Hơn 1.000 con bò từ trang trại Ia Puch (Gia Lai) đã được vận chuyển đến Khu liên hợp (KLH) Koun Mom (Campuchia). Ảnh: Hải Trường |
Đầu tháng 1/2023, hơn 1.000 con bò từ trang trại Ia Puch (Gia Lai) đã được vận chuyển đến Khu liên hợp (KLH) Koun Mom (Campuchia). Đây là chuyến vận chuyển gia súc xuyên biên giới đầu tiên - đánh dấu bước phát triển mới trong dịch vụ logistics phục vụ ngành chăn nuôi hai nước.
Lô bò này chủ yếu là bò sinh sản (đang mang thai) nên các khâu từ tiếp nhận, vận chuyển đến bàn giao đều được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với quy trình vận chuyển khoa học và phù hợp, bố trí đội ngũ lái xe giàu kinh nghiệm và 11 xe chuyên dụng vận chuyển an toàn, hạn chế rung lắc, đồng thời kiểm tra sức khỏe đàn bò đều đặn khi di chuyển trên những cung đường hiểm trở từ Việt Nam sang Campuchia. Bên cạnh đó, phương án thông quan tại cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - Oyadav được triển khai linh hoạt, 5 xe qua cửa khẩu cùng lúc giúp giảm thời gian nhập cảnh, đảm bảo sức khỏe đàn bò và tiết kiệm chi phí cho khách hàng.
Không chỉ phát triển vận tải đường bộ, vận tải đường thủy Việt Nam - Campuchia cũng có nhiều tín hiệu tích cực thời gian qua. Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, từ khi Hiệp định về vận tải thủy giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia có hiệu lực (ngày 20/1/2011) hai nước đã làm thủ tục cho gần 78.000 lượt phương tiện, hơn 406.000 lượt thuyền viên, gần 20 triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách thông qua trên tuyến vận tải thủy Việt Nam-Campuchia, góp phần phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và hữu nghị giữa hai nước.
Tính đến cuối năm 2022, trên tuyến vận tải thủy đã có khoảng 100 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác vận tải trên tuyến, trong đó một số doanh nghiệp lớn khai thác hàng container có văn phòng đại diện ở Campuchia như: SNP, Gemadept, GLS, Tân Cảng Cypress…
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, logistics giữa Việt Nam và Campuchia trong những năm vừa qua đã được thúc đẩy toàn diện, không ngừng phát triển, liên kết ngày càng sâu rộng hơn.
Logistics giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội hai nước
Hoạt động logistics tuyến Việt Nam – Campuchia được coi như “mạch máu” trong chiến lược của Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: Hường Thu |
Vào tháng 10/2023, Tân Cảng Sài Gòn đã ký biên bản ghi nhớ cùng với Cảng tự trị Phnompenh (PPAP) đánh dấu bước hợp tác chiến lược giữa hai nhà khai thác cảng hàng đầu của hai nước.
Trước đó, Việt Nam và Campuchia cũng đã ký một số hiệp định quan trọng để tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của thương mại xuyên biên giới như: Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới 6 nước Tiểu vùng Mekong, các Hiệp định song phương, biên bản ghi nhớ về đường cao tốc… Hoạt động vận tải qua biên giới được xem là huyết mạch trong hợp tác kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc khôi phục kinh tế - xã hội, giúp khắc phục sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng giữa hai quốc gia cũng như toàn khu vực.
Đại tá Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn cảng APEC, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á thông tin: với lợi thế kết nối đường thủy qua hệ thống sông Mekong, các tuyến đường bộ và cửa khẩu kết nối với Việt Nam và Thái Lan, Campuchia có nhiều tiềm năng để phát triển các dịch vụ logistics trong khu vực, đảm bảo hoạt động thông suốt, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia nói riêng và khu vực tiểu vùng sông Mekong nói chung.
Nhằm tăng cường kết nối logistics giữa hai nước thời gian tới, Đại tá Bùi Văn Quỳ nhấn mạnh yêu cầu về đẩy mạnh các giải pháp “thông minh” nhằm đơn giản hóa thủ tục ở hai đầu đối với hàng hóa quá cảnh của Campuchia, tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại về kết nối số để giải quyết các thủ tục từ xa, như mô hình “cảng điện tử e-port”, và trên hết là sự phối hợp đồng bộ về chính sách và hạ tầng, nhằm hỗ trợ, tăng cường kết nối.
“Chúng tôi muốn các cơ quan quản lý Nhà nước, cảng vụ, cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chung tay đưa phần mềm quản trị và kết nối trong một hệ sinh thái để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng bằng việc thông quan và thủ tục bằng kết nối số” - Đại tá Bùi Văn Quỳ cho biết.
Các doanh nghiệp đánh giá, tiềm năng, dư địa phát triển logistics Việt Nam - Campuchia còn rất lớn, có khả năng tăng cường kết nối để tạo ra một hệ thống logistics hiệu quả và liền mạch hơn, đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế ở cả hai phía biên giới.