"Cần phải cố gắng rất lớn để bù đắp những gì quý 1 chưa đạt được"
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP |
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã làm rõ vấn đề được nhiều người quan tâm là số liệu tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 đạt 3,32% - thấp hơn so với kế hoạch đề ra (5,6%). Vậy sắp tới, Chính phủ có giải pháp quan trọng gì để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như kế hoạch đề ra.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng GDP của quý 1 đạt mức thấp, điều này phản ánh thực tiễn đúng theo những gì Chính phủ đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
"Lúc đó nhận định về bối cảnh tình hình cho thấy khó khăn thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Thực tế đã diễn ra đúng như nhận định, thậm chí những khó khăn, thách thức còn lớn hơn những gì chúng ta dự kiến", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Theo ông Phương, trong quý 1 vừa qua bối cảnh quốc tế, khó khăn trên thế giới như các vấn đề về lạm phát tuy có hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia, các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhu cầu của thị trường toàn cầu giảm sút, tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine… tất cả có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.
Với bối cảnh như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kết quả tăng trưởng của quý 1 ở mức khá so với bình quân chung trên thế giới và khu vực, khi các nền kinh tế khác được dự báo là tăng trưởng ở mức rất thấp.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Chúng ta phải ghi nhận một cách khách quan và trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích rõ những nguyên nhân, kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế mà chúng ta cần khắc phục".
Để khắc phục được những vấn đề này trong thời gian còn lại của năm trong báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tham mưu báo cáo một số giải pháp.
Thứ nhất, trong năm 2023, với những khó khăn như vậy, để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra và chỉ tiêu Quốc hội giao, cần phải nỗ lực, cố gắng rất lớn để bù đắp những gì quý 1 chưa đạt được.
"Chúng ta phải giữ quan điểm nhất quán, trước tiên là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố nền tảng, quyết định mọi thứ để có thể triển khai các giải pháp khác nhằm phục hồi cũng như thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế những tháng còn lại", Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Thứ hai, trong các giải pháp về vĩ mô, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định có hai chính sách cần chú trọng trong điều hành, hết sức linh hoạt, hiệu quả, và thận trọng. Đó là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
"Hiện nay, với tác động chính sách tiền tệ thế giới, chúng ta gặp rất nhiều thách thức trong quá trình điều hành, đòi hỏi mức độ nhạy bén, kịp thời, linh hoạt hết sức cao trong điều hành, vừa đảm bảo chống chọi với khó khăn do quốc tế mang lại, nhưng cũng cần đảm bảo cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế để duy trì hoạt động và phát triển", Thứ trưởng cho biết.
Thứ ba, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phải rà soát ngay tất cả các chính sách, động lực tăng trưởng còn lại của nền kinh tế để tập trung tác động, lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi để bù đắp khu vực khó khăn.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, khu vực sản xuất chế biến, chế tạo gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp, tăng trưởng âm. Vì thế, những động lực còn lại cần phải quan tâm hơn với nông nghiệp là trụ đỡ. Dịch vụ của chúng ta tăng trưởng tốt, do vậy tập trung vào lĩnh vực dịch vụ để đỡ bớt cho các lĩnh vực khác.
Theo đó, ở khía cạnh tiêu dùng, động lực xuất khẩu tuy giảm về quy mô nhưng về cân đối vẫn duy trì được thặng dư xuất khẩu với xuất siêu 4 tỷ USD.
Trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. "Ở đây, vai trò của đầu tư công hết sức lớn, và Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là giải pháp then chốt trong động lực về đầu tư và tăng trưởng", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Cuối cùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần rà soát một số lĩnh vực phát triển thị trường trong nước. Bởi khi xuất khẩu gặp khó khăn, thì vai trò của thị trường trong nước hết sức quan trọng. Do đó, phải áp dụng tất cả các giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước phát triển hơn.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thành lập tổ công tác ở các địa phương để tập trung giải quyết thẳng vào các dự án, các doanh nghiệp đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc tại địa phương nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh.
"Có như vậy thì mới có thể phần nào vượt qua khó khăn ban đầu của quý 1, cố gắng đạt được mục tiêu trong các tháng, các quý còn lại dù chúng ta biết rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng hết sức lớn từ các cấp, các ngành", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà - Ảnh: VGP |
Thông tin thêm về vấn đề này tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, tăng trưởng quý 1 rất thấp, cho nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rất sát sao các chính sách của các bộ, cụ thể là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Do đó, ngay khi số liệu vĩ mô quý 1 được công bố ngày 29 thì ngày 31/3, NHNN trên cơ sở đánh giá tình hình lạm phát và các cân đối lớn đã xác định điều chỉnh tiếp 7 mức lãi suất chủ chốt còn lại đến ngày 3/4. Như vậy, đến ngày 3/4, cơ bản lãi suất điều hành, lãi suất chủ chốt thị trường đã được giảm với mục tiêu là hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, không chủ quan với lạm phát.
Theo cập nhật kịch bản tăng trưởng của Tổng cục Thống kê, với GDP quý 1 ước tính tăng 3,32%, để đạt tăng trưởng cả năm 6,5%, thì tăng trưởng bình quân các quý còn lại phải đạt 7,5%. Cụ thể, cơ quan thống kê giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng quý 2 là 6,7% như Nghị quyết 01. Trong khi điều chỉnh tăng chỉ tiêu GDP quý 3 thêm 1 điểm phần trăm (đạt 7,5%) và quý 4 thêm 0,9 điểm phần trăm (đạt 8%). |