Cần nhiều nỗ lực để thúc đẩy giảm nghèo
Hội thảo được tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… cùng đông đảo chuyên gia, báo giới.
Khoảng 6 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 2012 - 2016
Năm 2015, Chính phủ Việt Nam thông qua phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói. Theo đó, nghèo đa chiều được đo lường bằng mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin và được đo bằng 10 chỉ số. Hộ được coi là nghèo đa chiều nếu thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trên tổng số 10 chỉ số nói trên trở lên.
Theo báo cáo, tỷ lệ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam) giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016, đồng nghĩa có khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo.
Tuy nhiên, khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (SDG1) “giảm nghèo ở mọi chiều cạnh và ở mọi nơi”.
Toàn cảnh hội thảo sáng 19/12.
Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4% thì tỷ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều, ví dụ tỷ lệ của dân tộc H’Mong là 76,2% , Dao 37,5%, và Khmer 23,7%.
Khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu 2012 - 2016.
Cũng theo báo cáo, có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ hộ nghèo đơn chiều và đa chiều. Chỉ có khoảng 2,7% dân số là nghèo theo cả 3 thước đo thu nhập, chi tiêu và nghèo đa chiều.
Báo cáo chỉ ra rằng, giáo dục và nghề nghiệp ảnh hưởng lên tình trạng nghèo của hộ. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ nghèo đa chiều của nhóm có chủ hộ tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ dưới 1%, trong khi tỷ lệ của nhóm có chủ hộ chưa học xong tiểu học là 26,6%. Tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất nằm ở các hộ gia đình có chủ hộ làm nông nghiệp, tiếp đó là các hộ có chủ hộ là lao động không có kỹ năng.
Hội thảo thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia và các cơ quan thông tấn báo chí.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo là vẫn có tình trạng tái nghèo hoặc dễ bị rơi vào nghèo. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tái nghèo và phát sinh nghèo mới là mức độ thiệt hại do thiên tai ngày càng trầm trọng.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy sự chênh lệch về thu nhập và chi tiêu giữa các nhóm đồng bào có xu hướng gia tăng. Kèm theo đó là sự chênh lệch đáng kể về trình độ giáo dục, chênh lệch về tiếp cận nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
Báo cáo nêu bật nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nhóm đối tượng người khuyết tật trong các họ nghèo đa chiều. Theo đó, các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật ít được tiếp cận với cơ hội giáo dục và việc làm hơn so với mức trung bình của cả nước.
Nhiều khuyến nghị để giảm nghèo
Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú UNDP Việt Nam ca ngợi tiến bộ Việt Nam đạt được trong giảm nghèo là “thành công ở tầm thế giới”.
Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao thành tựu giảm nghèo của Việt Nam.
Theo bà, Việt Nam đạt được những thành công được công nhận rộng rãi trên toàn cầu này là nhờ tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản và các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống.
Để có thể giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm đân tộc, đại diện UNDP khuyến nghị: Ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số cần được tăng cường, cùng với tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp và thị trường.
Chia sẻ quan điểm với đại diện UNDP, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, mục tiêu xoá đói giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong 2 thập kỷ qua.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hôi Nguyễn Thị Hà chia sẻ tại hội thảo.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức như giảm nghèo không đều, chưa bền vững giữa các vùng miền, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển cho một số địa phương, hệ thống chính sách còn một số điểm chưa phù hợp, công tác xã hội hoá còn hạn chế…
Vì thế, theo Thứ trưởng, Nhà nước và người dân cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xoá nghèo; đồng thời ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cho những địa phương, nhóm đối tượng nghèo; tăng cường phân cấp trao quyền cho người dân, đặc biệt là người nghèo trong việc ra quyết định.
Đồng quan điểm trên, các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao Báo cáo Nghèo đa chiều ở Việt Nam, coi báo cáo là nguồn thông tin hữu ích, kịp thời để từ đó đưa ra những điều chỉnh hợp lý về chương trình, về chính sách để thúc đẩy công tác giảm nghèo ở nước ta. Nhiều kiến nghị đưa ra tại hội thảo cũng cho rằng, ccần nâng cao hiệu quả chương trình – chính sách; thúc đẩy việc làm có năng suất; mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản; cải thiện chất lượng đo lường nghèo đa chiều hay đẩy mạng giám sát thực thi bằng cách ứng dụng công nghệ số.
Trọng Sang