Cần đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm dài hạn
Chiều ngày 21/2 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến thăm và làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu. (Ảnh: Quốc hội)
Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện khoảng 13,9 triệu người và số người tham gia bảo hiểm y tế là 79,9 triệu người, đạt độ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 85,6% dân số. Tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghệp toàn ngành đạt khoảng 291.321 tỷ đồng. Tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi khoảng 5.737 tỷ đồng, chiếm 2,9% số kế hoạch thu, là tỷ lệ nợ thấp nhất từ trước đến nay.
Để đạt được kết quả này, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành được đặc biệt quan tâm phát triển. Hiện toàn ngành đã thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện và vận hành có hiệu quả Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế điện tử.
Cũng trong năm 2017, với việc kết nối gần 100% cơ sở khám chữa bệnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kiểm soát tình trạng gia tăng bất thường chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc, triển khai thí điểm việc đấu thầu thuốc tập trung có hiệu quả. Theo kết quả trúng thầu đã công bố, tổng giá trị của 20 mặt hàng thuốc là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,12%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng...
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi gặp. (Ảnh: Quốc hội)
Ghi nhận những kết quả đạt được của toàn ngành trong năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế thì việc bảo đảm an sinh xã hội là song hành, vừa là mục tiêu, vừa là động lực vì liên quan đến con người và những chính sách đối với con người. Trong đó, chính sách BHXH với vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được bổ sung và hoàn thiện.
Bày tỏ ấn tượng với các chỉ số phát triển BHXH, bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ khi bàn về mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất lo. Nhưng đến nay, với sự quyết tâm và có lộ trình thực hiện bài bản, bảo hiểm y tế đã bao phủ gần 86% dân số. Đây là cố gắng rất lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn BHXH Việt Nam khắc phục các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, chăm lo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, phấn đấu đạt các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn quỹ BHXH dài hạn, bền vững; quan tâm đến cải cách hành chính; hưởng ứng chủ trương “Năm dân vận chính quyền” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động. “Phải ân cần với dân, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức từ động tác nhỏ”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Từ mục tiêu BHXH Việt Nam đặt ra là “Hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng để đạt được mục tiêu này, cơ quan BHXH cần thực hiện phương châm “Trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới, hiệu quả”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Phải đề cao trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới, hiệu quả, phương châm phải như vậy thì mới đạt tới hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân. Tôi rất mong các cấp ủy đảng, chính quyền cùng chăm lo. Vì đây không chỉ chăm lo đến ngành bảo hiểm mà liên quan đến lĩnh vực xã hội rộng lớn, nên đó chính là trách nhiệm của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của cơ quan tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, và cả trách nhiệm của người dân tham gia bảo hiểm".
Bảo Giang (t/h)