Các sản phẩm truyền thống Việt Nam chiếm ưu thế khi bán hàng xuyên biên giới
Các doanh nghiệp tìm hiểu phương thức vận chuyển khi tham gia bán hàng xuyên biên giới trên TMĐT. |
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới tăng trưởng khoảng 40 - 50% mỗi năm; tuy nhiên quy mô còn rất nhỏ, khoảng 5 - 6 tỷ USD so với tổng kim ngạch hơn 350 tỷ USD năm ngoái.
Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Access Partnership về cơ hội xuất khẩu trực tiếp qua TMĐT của Việt Nam, dự kiến năm 2027, xuất khẩu TMĐT bán lẻ của Việt Nam ước đạt 296,3 nghìn tỷ đồng. Dù có nhiều thách thức nhưng xuất khẩu bán lẻ của Việt Nam thông qua TMĐT vẫn tiếp tục tăng trưởng vì nhiều dư địa và tiềm năng.
Tại Hội nghị TMĐT xuyên biên giới Amazon 2024 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cũng thừa nhận, trong 5 năm qua, từ khi có mặt tại Việt Nam, các doanh nghiệp liên tục mang đến những sản phẩm chất lượng, độc đáo, góp phần mở rộng lựa chọn sản phẩm cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ về xu hướng thị trường để doanh nghiệp Việt định hướng xây dựng thương hiệu bán hàng xuyên biên giới. |
“Các sản phẩm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp liên tục nằm trong top các ngành hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên Amazon. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguồn nguyên liệu truyền thống như gỗ, thảo dược, nhựa… nên đều dễ dàng đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu từ nước ngoài”, ông Gijae Seong chia sẻ.
Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu không ngừng thay đổi, mở ra cánh cửa cho một số ngành hàng Made in Vietnam tận dụng các xu hướng tiêu dùng mới, chinh phục khách mua quốc tế. Xu hướng trên các danh mục sản phẩm trên được khách hàng quan tâm phần lớn là các sản phẩm tự nhiên, bền vững, thân thiện với môi trường, phong cách thiết kế đơn giản nhưng vẫn tiện dụng, đa năng, linh hoạt, ít lỗi thời, đồng thời đề cao tính đặc trưng của địa phương, vùng miền. Riêng về làm đẹp, khách hàng tập trung vào chăm sóc sức khoẻ toàn diện, đáp ứng nhu cầu cá nhân…
Theo ông Gijae Seong, từ các xu hướng ngành hàng và nhu cầu thị trường nổi bật này, nếu các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp bán hàng truyền thống khai thác đúng cách và hiệu quả, có thể tăng tốc mở rộng kinh doanh toàn cầu qua TMĐT xuyên biên giới và tăng trưởng thị phần của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Các chuyên gia thảo luận về cơ hội bán hàng xuyên biên giới trên sàn TMĐT. |
Bàn thêm về vấn đề này, ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết: “Trong năm 2023, dưới tác động của tình hình suy giảm kinh tế tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt khiến cho cầu tiêu dùng đồ gỗ giảm mạnh. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm 15,9% so với 2022, chỉ đạt 13,18 tỷ USD. Phân khúc thị trường xuất khẩu truyền thống đã và đang gặp nhiều thách thức do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, tiêu dùng suy yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Tuy nhiên, nhờ bán lẻ xuyên biên giới qua TMĐT, doanh số nội thất và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng vượt bậc”.
Theo theo Phùng Quốc Mẫn, điều quan trọng hiện nay là mức độ tham gia xuất khẩu qua TMĐT của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Nguyên nhân, đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu, sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường.
“Để thúc đẩy sản phẩm gỗ nội thất Việt vươn tầm thế giới thông qua TMĐT, các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt cần đầu tư nâng cao năng lực vận hành khi tham gia TMĐT xuyên biên giới nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định của thị trường tiêu dùng quốc tế”, ông Phùng Quốc Mẫn khuyến nghị.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số chia sẻ về cơ hội bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT. |
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho biết: “Là mũi nhọn xuất khẩu, song hàng chục năm qua dệt may Việt vẫn tồn tại nhiều thách thức từ việc đầu ra do phụ thuộc quá nhiều vào đối tác xuất khẩu; chưa được khách hàng biết đến rộng rãi do phần lớn sản phẩm gia công để xuất khẩu cho thương hiệu bán lẻ nước ngoài. Tham gia TMĐT xuyên biên giới là cơ hội tốt để doanh nghiệp dệt may Việt Nam xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, Việt Nam có ưu thế cạnh tranh về giá cả khi là nước trực tiếp sản xuất, kỹ thuật tay nghề và chất lượng sản phẩm được các nhà nhập nhập khẩu đánh giá tốt. Tuy nhiên, để tiếp cận với thị trường có tính cạnh tranh cao như Mỹ hay châu Âu sẽ còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết”.
Vì thế, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, với sự hỗ trợ bán hàng xuyên biên giới của các sàn TMĐT, điển hình như Amazon Global Selling là vô cùng quan trọng, cho phép các doanh nghiệp trong nước không chỉ tháo gỡ các nút thắt về vận hành, công nghệ mà còn được cung cấp các kiến thức cần thiết để quản lý TMĐT xuyên biên giới hiệu quả. Từ đây, các doanh nghiệp có thể tập trung mang đến những sản phẩm với chất lượng xuất sắc và xây dựng thương hiệu may mặc Việt mạnh mẽ, được công nhận trên toàn cầu.
Để có thể cạnh tranh và đáp ứng đủ điều kiện bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT, ông Gijae Seong khuyến nghị, doanh nghiệp Việt nên tận dụng các công cụ phân tích dữ liệu để biết nhu cầu thị trường quốc tế và cung cấp sản phẩm phù hợp, cùng với đầu tư xây dựng thương hiệu. Bởi hiện nay, các nhà bán hàng Việt Nam lên sàn này thường có 2 nhóm: Đã am hiểu kinh doanh online, có kỹ năng bán hàng trên môi trường số và bắt xu hướng tốt. Bên cạnh đó là nhóm sản xuất truyền thống, chưa biết cách xây dựng thương hiệu trực tuyến và tận dụng các công cụ, giải pháp có sẵn trên nền tảng.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng cho biết, để trang bị thêm cho doanh nghiệp Việt Nam các kỹ năng thực tế mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu, Cục TMĐT đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng trọng điểm của Việt Nam, như: Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST); Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS); Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), cùng nhiều tổ chức khác cung cấp kinh nghiệm, kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu trực tuyến. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với Amazon Global Selling triển khai sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” cho doanh nghiệp Việt.
“Sau 2 năm triển khai các hoạt động trên, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận thông tin, kỹ thuật, dịch vụ cũng như các ý tưởng đổi mới, kiến thức chuyên sâu về xây dựng kế hoạch kinh doanh TMĐT xuyên biên giới. Giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn cùng Amazon Global Selling để phát triển các nguồn tài nguyên đào tạo, cập nhật các xu hướng thị trường, từ đó trang bị cho doanh nghiệp các kỹ năng thực tế để vượt qua các rào cản khi mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường sự hiện diện của các thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ.
Hàng Việt Nam được đánh giá cao tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano Các gian hàng Việt Nam thu hút rất nhiều khách tham quan và mua sắm ngay từ ngày khai mạc; các sản phẩm Việt Nam được đánh giá là rất đặc trưng, riêng biệt, đầy màu sắc và độc đáo. |
Việt kiều chia sẻ cách đưa hàng Việt Nam sang Lào Đưa hàng Việt Nam sang Lào cần hiểu văn hoá, cách làm việc của người Lào, cần kiên trì… Tốt nhất nên hợp tác với các doanh nghiệp Lào gốc Việt cùng nhau làm thị trường… Đây là những chia sẻ của ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào với Tạp chí Thời Đại . |