Các nước G7 có thể ra tuyên bố chung về Biển Đông
Lãnh đạo các quốc gia thành viên G7 trong một cuộc họp
Các nguồn tin hôm 4/4 cho hay: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chủ trì hội nghị dự kiến diễn ra tại thành phố Ise-Shima trong các ngày 26–27/4. Ông Abe muốn khẳng định sự đoàn kết của nhóm trong việc đối phó với các vấn đề ở châu Á.
Tokyo hy vọng tuyên bố chung của G7 (gồm Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Mỹ) sẽ thể hiện sự quan ngại về leo thang căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, dù nó nhiều khả năng sẽ không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc – nguồn tin khẳng định.
Ngoài ra, Nhật Bản được cho là muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải trên các vùng biển và việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cũng như cảnh báo những động thái gây bất ổn trong khu vực như việc Trung Quốc tự ý xây dựng, cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo.
Tuần trước, trong cuộc hội đàm tại Thủ đô Washington (Mỹ) với 2 nhà đồng cấp Barack Obama (Mỹ) và Park Geun-hye (Hàn Quốc), Thủ tướng Abe cũng đã chia sẻ mối quan tâm về việc Bắc Kinh tích cực quân sự hóa Biển Đông và nhiều lần điều tàu xâm nhập vào vùng biển tranh chấp giữa Nhật – Trung.
Trong diễn biến liên quan, hãng tin Reuters cho biết: Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động ngọn hải đăng mà nước này tự ý xây dựng trái phép tại Đá Subi, trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo thông cáo chính thức từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, công trình cao 55m sẽ cung cấp dịch vụ điều hướng hiệu quả như định vị, dẫn đường và thông tin an toàn hàng hải cho các tàu biển. Ngọn hải đăng cũng có thể cải thiện công tác quản lý tàu thuyền và đáp ứng khẩn cấp – cơ quan này cho biết thêm.
Đá Subi vốn là một bãi san hô nửa chìm nửa nổi, trước khi bị Bắc Kinh tự ý cải tạo thành đảo nhân tạo vào năm ngoái. Tháng 10/2015, Mỹ cử tàu khu trục USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh thực thể này, để phản đối động thái xây dựng của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Hồng Anh