Cà rốt Hải Dương chinh phục thị trường ngoại
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, vụ đông 2021-2022, toàn tỉnh có khoảng 1.500ha cà rốt, sản lượng ước khoảng 65.000 tấn, tăng trên 7% so với năm 2020.
Đặc biệt, cây cà rốt Hải Dương được sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hình thành những cánh đồng thẳng cánh cò bay trên vùng đất bãi phù sa ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, tập trung chủ yếu tại một số xã huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và Chí Linh. Chính từ việc được bồi đắp và nuôi dưỡng từ những hạt phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo lên chất lượng riêng biệt cho cà rốt Hải Dương với độ giòn và vị ngon ngọt khác biệt với cà rốt của bất cứ nơi đâu.
Nông dân Hải Dương thu hoạch cà rốt |
Năm 2022 được đánh giá là năm sản xuất vụ đông thắng lợi, đặc biệt là cà rốt. Mặc dù mới đầu vụ nhưng giá bán cà rốt cao nhất từ trước tới nay; năng suất, chất lượng bảo đảm xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước EU. Cùng với đó, tỉnh Hải Dương cũng tăng cường xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ nông sản Hải Dương tới nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Năm nay, lần đầu tiên tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các vùng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích gần 281 ha ở trong tỉnh. Các vùng này được hỗ trợ một phần kinh phí thuốc bảo vệ thực vật và tư vấn, đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài các vùng được cấp giấy chứng nhận này, tất cả các vùng trồng cà rốt còn lại trong tỉnh cũng đều áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Dự kiến, vụ này sẽ có khoảng 80% sản lượng cà rốt của tỉnh được sơ chế bảo quản lạnh và xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, châu Âu, các nước khu vực Trung Đông, số còn lại là tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu cà rốt đang dần trở thành ngành hàng nông sản chủ lực của cả nước. Đặc biệt, cà rốt của Hải Dương đã được nhận diện thương hiệu và dần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.