Cà Mau: Tàu cá phải bật thiết bị giám sát hành trình 24/24
Ăn gì khi đi du lịch Cà Mau? |
Cà Mau tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển |
Tính đến nay, tỉnh có 4.399 tàu cá. Trong đó, tàu có chiều dài dưới 12 m là 1.531 tàu; từ 12 m đến dưới 15 m là 1.366 tàu; từ 15 m trở lên là 1.502 tàu. Theo đó, đến nay toàn tỉnh có 1.387 trong số 1.502 tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
“Đội tàu khai thác, trước tiên tàu phải có thiết bị giám sát hành trình và phải bật 24/24”, đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau liên quan đến công tác chống khai thác bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) ngày 9/12. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tiếp và làm việc với đoàn.
Hoạt động tuần tra kiểm soát được các ngành chức năng tiến hành thường xuyên, liên tục từ theo kế hoạch cho đến đột xuất. |
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá của Cà Mau đã cơ bản hoàn thành. Bởi lẽ, 115 tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã có 74 tàu nằm bờ tạm ngưng hoạt động do không hiệu quả, khó khăn kinh tế, thiếu thuyền viên đi biển; còn 41 tàu đang hoạt động lâu ngày trên biển chưa vào bờ hoặc vào các đảo, hòn trong và ngoài tỉnh.
Đối với các trường hợp này, lực lượng chức năng tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh từng trường hợp, làm biên bản cam kết với chủ tàu và quản lý chặt chẽ, cũng như sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị khi đưa tàu đi hoạt động khai thác thuỷ sản hoặc vào bờ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành khai thác thủy sản tỉnh Cà Mau cũng đang đối mặt với nhiều sức ép trong việc quản lý tàu cá. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu nghề đánh bắt cá hiện đại; nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, khoa học, công nghệ trong khai thác chưa tương xứng đúng tiềm năng; tình trạng khai thác vùng biển nước ngoài còn diễn ra…Nguyên nhân cũng chỉ về lợi ích kinh tế.
Đặc biệt, Ủy ban Châu Âu (EC) đã chính thức áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo đối với một số mặt hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và đưa ra các khuyến cáo về chống khai thác IUU.
Do các tàu cá và thuyền trưởng tàu cá không ghi hoặc ghi thiếu trung thực nhật ký khai thác dẫn đến sai sót số liệu khi đối chiếu trong khâu kiểm tra, gây khó khăn cho việc xác nhận nguồn gốc thủy sản, lưu trữ hồ sơ theo quy định của EC. |
Liên quan đến công tác chống khai thác IUU, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết, công tác kiểm tra, tuần tra được tỉnh tổ chức thường xuyên liên tục bất cứ thời gian nào. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra dù đã giảm rất nhiều so với trước. Từ đầu năm đến nay, chỉ còn 5 tàu vi phạm. Thông qua công tác thanh, kiểm tra còn lồng ghép để tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho 3.682 lượt tàu cá.
Toàn tỉnh hiện nay có 5 cảng cá đang hoạt động (Cà Mau, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc và Hố Gùi) đáp ứng khoảng 350 tàu cập cảng mỗi ngày, với sản lượng hàng hoá qua cảng khoảng 86.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ra, vào bốc xếp hàng hoá, neo đậu cho tàu cá. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí nên cảng cá vẫn chưa được nâng cấp, duy tu, sửa chữa theo nhu cầu thực tế.
Do địa hình của Cà Mau có nhiều cửa sông, đã tạo điều kiện hình thành nhiều bến cá tư nhân, sản phẩm khai thác lên các cảng cá chiếm tỷ lệ không lớn. Đa số các tàu cá thường bán cá ngoài biển cho tàu thu mua và vận chuyển vào bờ, sang trực tiếp trên sông qua các tàu nhỏ hoặc lên cá tại các bến cá tư nhân rồi tự sơ chế, phân loại mà không qua cảng cá, gây khó khăn trong việc kiểm soát.
Ông Bằng cho biết, đối với cảng cá chỉ định Sông Đốc, nằm đối diện (cách con sông) với một số doanh nghiệp, trong đó có Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ thủy sản Sông Đốc (chi nhánh của Tổng công ty CASES) hàng năm có lượng hàng xuất khẩu đi Châu Âu khá lớn, thông thường mua sản phẩm từ các tàu cá rồi trực tiếp nhập về cơ sở để chế biến. Nhưng bắt buộc tất cả tàu bốc hàng lên cảng để kiểm tra, chứng nhận rồi lại vận chuyển xuống tàu, sau đó nhập lại cơ sở để chế biến thì bất cập, lãng phí và mất thời gian cho doanh nghiệp
“Trong khi đó, theo khuyến nghị của EC thì việc thu và nộp nhật ký khai thác cho cảng cá phải được thực hiện chung cho tất cả các tàu cá. Tuy nhiên hiện công tác này chỉ thực hiện đối với các tàu có hàng thủy sản khai thác xác nhận đi thị trường Châu Âu và thị trường khác có yêu cầu”, ông Bằng nêu.
Bên cạnh đó, đa số các tàu cá và thuyền trưởng tàu cá không ghi hoặc ghi thiếu trung thực nhật ký khai thác dẫn đến sai sót số liệu khi đối chiếu trong khâu kiểm tra, gây khó khăn cho việc xác nhận nguồn gốc thủy sản, lưu trữ hồ sơ theo quy định của EC.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh về tình hình chống khai thác bất hợp pháp cũng như những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, để gỡ thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu (EC), trước tiên phải xây dựng hệ thống pháp luật để làm cơ sở triển khai nhiều giải pháp khác. Riêng về quản lý đội tàu khai thác, trước tiên tàu phải có thiết bị giám sát hành trình và phải bật 24/24 để tàu đi đâu, về đâu cơ quan quản lý cũng phải biết. Chỉ có quản lý chặt thì công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác mới dễ dàng và thuận tiện hơn.
Cà Mau: Những đổi thay ở cửa biển Hố Gùi Trong chuyến công tác theo đoàn tặng sách cho học sinh nghèo, chúng tôi được thầy giáo giới thiệu làng cá Hố Gùi (ấp Hố ... |
Cà Mau: Cuộc sống mưu sinh của bà con ở cửa biển Giá Lồng Đèn Cuối tuần, có dịp ngay con nước xổ vuông, anh Phạm Hoàng Hiển, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, rủ tôi đi "phượt". Không ở ... |
Thắt chặt hơn nữa hoạt động quản lý tàu cá “Đối với việc đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động mới cho tàu cá cần phải được thắt chặt hơn theo nguyên tắc ... |