"Bùng nổ" du khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm
Hàng triệu du khách "phải lòng" thắng cảnh Việt Nam
Trong đó, riêng tháng 7 đạt hơn 1,18 triệu lượt khách, tăng 0,5% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng của năm 2018, khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không tăng 20,2%; đến bằng đường bộ tăng 63,3%; đến bằng đường biển giảm nhẹ 0,2%.
Trong tháng 7, khách đến từ châu Á chiếm 77% tổng số khách du lịch đến nước ta, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng. Khách đến từ Trung Quốc tăng 34,1%; Hàn Quốc tăng 56,1%; Nhật Bản tăng 6,2%; Đài Loan tăng 13,3%; Malaysia tăng 12%; Thái Lan tăng 9,9%; Singapore tăng 4,7%...
Khách đến từ châu Âu tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Liên bang Nga tăng 7,2%.
Khách từ 5 thị trường Tây Âu được Việt Nam miễn thị thực trong 15 ngày cũng đều tăng (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy). Trong đó khách đến từ Vương quốc Anh tăng 7,9%; Đức tăng 9,4%; Pháp tăng 12%; Italy tăng 16,6%...
Cuối tháng 7/2018, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Cục Du lịch Đài Loan tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan.
Ảnh minh họa: KT.
Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu đến doanh nghiệp và người dân Đài Loan tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cũng như truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với các dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Thông qua hoạt động xúc tiến du lịch lần này góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng và hấp dẫn hơn đối với du khách Đài Loan, từ đó tăng cường trao đổi khách giữa hai bên, đẩy mạnh phát triển du lịch.
Ngành du lịch Việt Nam quyết tâm hoàn thành mục tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Cũng trong những tháng cuối năm, ngành du lịch đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, cải cách hành chính, ứng dụng du lịch thông minh; tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường nước ngoài, thu hút thêm nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm.
Đặc biệt, để du lịch Việt Nam phát triển thuận lợi, nước ta cần nhất quán chủ trương mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không nội địa, quốc tế, từ khâu cấp giấy phép thành lập hãng hàng không cho đến khâu cấp thương quyền khai thác, để có thêm một số hãng hàng không ra đời và tham gia bay nội địa, quốc tế.
Nhiều tỉnh, thành phố đẩy mạnh quảng bá du lịch
Hơn 10 năm qua, Hà Nội không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Ngành du lịch chú trọng nâng cấp sản phẩm du lịch tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam lọt "mắt xanh" của các đoàn làm phim Holywood.
Các loại hình du lịch nghệ thuật như múa rối nước Đào Thục cũng gắn với di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, huyện Mê Linh; hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ, huyện Ba Vì gắn với khu di tích K9 - Đá Chông. Thành phố cũng phát triển các điểm đến du lịch làng nghề như: Làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng, làng nón Chuông...
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Australia, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á và nhiều thị trường khác. Từ chỗ đón 1,3 triệu lượng khách du lịch quốc tế năm 2008, đến năm 2017 Hà Nội đón tới 4,95 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng xấp xỉ gấp 4 lần so với năm 2008.
Thị phần khách quốc tế của Hà Nội ngày càng lớn, giai đoạn 2000-2010 chỉ chiếm khoảng 30% cả nước, năm 2017 đã chiếm tỷ trọng gần 40% so với cả nước. Tương tự như vậy, nếu năm 2008 Hà Nội đón gần 7,67 triệu lượt khách nội địa thì đến năm 2017 đón được 18,88 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 2,5 lần so với năm 2008.
Theo kết quả điều tra sơ bộ của Tổng Cục Thống kê Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội, năm 2017 ngành du lịch đã đóng góp 8,07% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.
Trước đó không lâu, tối 24/7 tại TP.Đông Hà, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, tổ chức Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Nhịp cầu xuyên Á - Quảng Trị 2018.
Hội chợ là cơ hội cho các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư phát triển Thương mại, Công nghiệp - Du lịch của địa phương mình với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại - du lịch.
Với sự đa dạng và phong phú đặc trưng của các vùng miền, Hội chợ Công Thương khu vực miền Trung và Tây Nguyên - Nhịp cầu xuyên Á lần này dự kiến thu hút hơn 70.000 lượt người đến tham quan và mua sắm.
Qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu những sảm phẩm đặc trưng của khu vực đến các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước và thế giới.
V.H (t/h)