Bộ trưởng Nội vụ bị phê bình 2 lần, xin tự kiểm điểm gửi Thủ tướng
Chiều 7/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV tiếp tục phiên chất vấn. Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã chủ động thừa nhận những hạn chế của ngành, đồng thời nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
Về vấn đề thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, ông Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nội vụ vẫn đang triển khai nội dung này nhưng với tốc độ chậm. Theo đó, Bộ đã phát văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký, nhưng ít địa phương đăng ký quá.
"Cho đến khi chúng tôi nhận được 14 bộ và 22 đơn vị thì mới chính thức cho triển khai được. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình tôi 2 lần" - người đứng đầu ngành nội vụ chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Tân, mục tiêu 14 bộ và 22 đơn vị hiện mới thực hiện được 1 nửa. Theo kế hoạch, cuối năm 2019, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sẽ sơ kết về thực hiện 2 năm đề án này. Ban Tổ chức và Bộ Nội vụ sẽ đề xuất một số chủ trương, trong đó nên tổ chức hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu trước Quốc hội (Ảnh: Zing.vn). |
Về câu hỏi của đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) cho rằng Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, nhưng gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư để hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân "xin nhận khuyết điểm".
Nhắc lại rằng Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án nói trên từ tháng 3/2016, Bộ trưởng Tân thừa nhận Chính phủ đã giao Bộ nội vụ 8 nhiệm vụ nhưng đến nay vẫn còn 4 nhiệm vụ chưa làm.
"Tôi xin báo cáo với Thủ tướng, tôi sẽ làm bản kiểm điểm gửi Thủ tướng trong tháng 12 tới, sẽ nhận trách nhiệm. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Theo ông Tân, Thủ tướng Chính phủ đã quy định những cơ chế chính sách nhưng hiện chưa có ban hành được văn bản để hướng dẫn thực hiện, cũng chưa có văn bản báo cáo hàng năm. Đề án xây dựng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc cũng chưa có.
Người đứng đầu ngành nội vụ một lần nữa nhấn mạnh: "Việc này phải được kiểm điểm đến nơi đến chốn", đồng thời giải thích việc xây dựng chính sách nói chung, sửa đổi Nghị định 24, Nghị định 29, Nghị định 61, 64, Nghị định 161 đều có lồng ghép chính sách về người dân tộc.