Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đọc một tin xấu là đang "nuôi" nó lan ra!
Sáng ngày 8/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn đề các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học - Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn sáng nay, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đặt câu hỏi: "Người dùng mạng xã hội là báo chí nhân dân, có nhiều trang xấu độc, nhưng ảnh hưởng lớn. Khắc phục như thế nào? Xu thế giới trẻ sử dụng điện thoại thông minh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đạo đức xã hội. Chúng ta đang xây dựng thành phố thông minh. Trong khi nhiều thành phố trên thế giới đã dừng xây dựng thành phố thông minh, vậy chúng ta có dừng không?".
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VGP |
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.
“Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, Bộ đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Ông đơn cử một số nước có quy định về tuổi được phép dùng điện thoại thông minh, có nước thì hạn chế thời gian trẻ em chơi game. Ông cũng hứa Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển.
Về câu chuyện tin xấu độc trên mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là tính toàn cầu, không chỉ ở nước ta. Điểm chính là đầu tiên là hành lang pháp lý, chúng ta đã có, có luật an toàn mạng, luật an ninh mạng. Nhưng tất cả các quốc gia đều có pháp luật xử lý riêng về tin sai.
Trong Asean đã có Singapore đã xử lý tin giả rất nghiêm minh và có tính răn đe, không phải phạt vài chục triệu như chúng ta mà có thể đi tù đến vài năm, vài chục năm. Ở một số quốc gia thì người đứng đầu mạng xã hội cũng có thể đi tù. Việt Nam sẽ sớm có chế tài xử lý vấn đề tin giả.
Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông , tin xấu độc có khi từ chính chúng ta mà ra. Nên cần giáo dục để tuyên truyền, từ cấp độ giáo dục phổ thông, cần có kỹ năng ứng xử, có cái đúng cái sai.
"Nếu chúng ta đọc một tin xấu thì đã nuôi tin xấu đó và nó lan ra. Mỗi một view là quảng cáo tăng lên, chính chúng ta nuôi tin đó", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.