Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính sáng 18/3, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đặt vấn đề, mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới chưa và mức bao nhiêu là phù hợp?
Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu hướng giải quyết về thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ do doanh nghiệp ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam để cơ quan thuế và cơ quan hải quan trong việc tính thuế xuất nhập khẩu.
Trả lời đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ với những phản ánh của người dân và báo chí nêu về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp do giá cả gia tăng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó bộ sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến người dân và các cơ quan để từ đó lên phương án để trình Quốc hội.
Còn về vấn đề thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu theo Nghị định 90, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với các doanh nghiệp không có đại diện vốn nước ngoài tại Việt Nam đều phải qua thủ tục hải quan; các doanh nghiệp khác thì chỉ quy định đối với thương nhân nước ngoài không có mặt tại Việt Nam và có đại diện tại Việt Nam. Với các doanh nghiệp không có đại diện tại Việt Nam mà hợp đồng với các cơ quan doanh nghiệp khác tại Việt Nam vẫn phải thực hiện các quy định theo quy định của Luật Thuế và theo quy định của hải quan.
Tập trung gỡ những nút thắt pháp lý, tín dụng chứ không bắt buộc giảm thuế
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng, vừa qua Nhà nước có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu nhưng hiện nay mức giá còn cao, một phần do còn nhiều loại thuế phí, tỉ lệ cao như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết các loại chi phí này được tính như thế nào và chiếm bao nhiêu phần trăm phí xăng dầu, và giá có theo sát tình hình thực tiễn trong bối cảnh hiện nay không? Đồng thời cho biết giải pháp giảm bớt các loại thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận). (Ảnh: Quochoi.vn) |
Về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, giá xăng dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố: giá hàng mua từ nhà máy hay giá hàng mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Chi phí ban đầu hình thành chiếm từ khoảng độ 65% đến 77%, còn thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu thì chiếm từ 15 cho đến 29%. Còn chi phí lợi nhuận định mức thì từ 1,2 đến 2%. Chưa kể Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, trong những năm vừa qua, để đảm bảo phí, đảm bảo giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và tham mưu cho Quốc hội để giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kéo dài từ năm 2021 cho đến hiện nay.
"Khi chúng ta hạn chế năng lượng hóa thạch chuyển sang năng lượng tái tạo thì đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên; nhưng để đảm bảo cho kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế thì đã có biện pháp là giảm thuế", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Bộ trưởng cho biết thêm chi phí định mức như đại biểu nói chiếm từ 7% đến 12% là chi phí vận chuyển sẽ do các doanh nghiệp đầu mối của nhập khẩu xăng dầu thống kê, có hợp đồng và hồ sơ gửi cho Bộ Công Thương. Bộ Công Thương sẽ tập hợp để xác định vào trong cơ cấu của giá xăng dầu. Sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ công bố giá xăng dầu cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ quy trình.
Phát biểu tranh luận về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với vấn đề xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có trả lời Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường thêm 50% đối với xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết có lẽ sẽ kéo dài đến hết năm 2024.
Đại biểu nêu rõ, Nghị quyết 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, Nghị quyết 110 của Quốc hội cũng đã quy định giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% từ ngày 1/1/2024 đến 30/6/2024.
Đại biểu đánh giá cao ngành tài chính, ngân hàng trong thời gian vừa qua đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình doanh nghiệp và người dân còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2024 cũng là năm có tính chất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đại biểu cho rằng cần phải có giải pháp đột phá hơn, nhất là trong vấn đề giảm thuế, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đại biểu đề nghị quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng ý với ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân và thừa nhận việc sử dụng từ “có thể”, “đã được” trong phần trả lời chất vấn trước là chưa chính xác. Theo Bộ trưởng, đối với thuế môi trường, đã được giảm cả năm, còn về VAT giảm 2% từ 10% xuống còn 8%.
Bộ trưởng cho rằng, khó khăn của nền kinh tế là phải tập trung để gỡ những nút thắt pháp lý, về môi trường đầu tư, pháp lý, tín dụng, chất lượng sản phẩm, chứ không có nghĩa là bắt buộc cần giảm thuế, giảm phí, vì giảm thuế phí dẫn đến tăng chi ngân sách, giảm sức mạnh của tài chính công, dẫn đến thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến cả hệ thống nền kinh tế.
Đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng cần một chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như Nghị quyết 43, nhưng bản thân doanh nghiệp phải tái cấu trúc, nỗ lực để phát triển và đóng góp cho ngân sách, tránh tình trạng giảm thu ngân sách Nhà nước.