Bộ Tài chính đề nghị xóa hơn 26.500 tỷ đồng nợ thuế các loại
Khó xóa nợ vì vướng quy định
Bộ Tài chính vừa có văn bản lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi.
Theo Bộ Tài chính, do những khó khăn khác nhau, số tiền nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt tồn đọng của nhiều năm đến nay còn lớn. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành thuế quản lý là hơn 73.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan trách nhiệm hình sự... là trên 31.400 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 43% tổng số thuế nợ và chiếm 3,2% tổng thu nội địa năm 2017).
Tổng số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cả ngành Thuế và Hải quan quản lý là khoảng trên 35,3 nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh họa: KT)
Còn tổng số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành Hải quan quản lý tính đến hết 2017 là hơn 5.400 tỷ đồng. Số nợ này tăng 23,5% so với thời điểm 31/12/2016.
Như vậy, tổng số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cả ngành Thuế và Hải quan quản lý là khoảng trên 35.300 tỷ đồng. Số tiền này chiếm khoảng 2,75% tổng thu thuế, phí, lệ phí năm 2017 và chiếm gần một nửa số nợ thuế.
Lý giải về tình trạng này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân là nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bị đối tác phá bỏ hợp đồng kinh tế, hoặc phải vay các tổ chức tín dụng với lãi suất cao hoặc các hợp đồng tín dụng đã ký nhưng không được giải ngân.
Mặt khác, cũng có trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà “không còn tài sản để nộp thuế” thì thuộc trường hợp được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh vướng mắc là: Không có cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết, mất tích còn tài sản hay không. Bởi khi cá nhân còn nợ thuế đã chết, nếu còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sử dụng của gia đình vợ, con và có thể tài sản chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường. Bởi vậy, nếu cơ quan thuế thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình để thu hồi tiền thuế nợ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân những người phụ thuộc đó.
Đề nghị xóa hơn 26.500 tỷ đồng nợ thuế
Qua tổng kết tình hình thực hiện quản lý nợ thuế và tham khảo kinh nghiệp quốc tế, Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền chậm nộp, tiền phạt nộp chậm. Số tiền chậm nộp đề nghị xóa ước tính đến 31/12/2015 là hơn 542 tỷ đồng.
Đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước năm 2018 của người nộp thuế gặp thiên hai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng. Mức xóa tiền chậm nộp thuế không vượt quá giá trị thiệt hại. Tổng số nợ Bộ Tài chính muốn xóa ước tính đến thời điểm 31/12/2017 vào khoảng 1.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi), phá sản hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động trước năm 2017. Những đối tượng này không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Số tiền ước tính lên đến hơn 24,3 nghìn tỷ đồng (trong đó của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức khoảng hơn 22,2 nghìn tỷ đồng, còn của hộ - cá nhân kinh doanh là hơn 2.000 tỷ đồng).
Như vậy, tổng số tiền Bộ Tài chính đề nghị xóa cho các trường hợp kể trên là hơn 26.500 tỷ đồng.
Về thẩm quyền xử lý, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp từ 10 tỷ đồng trở lên. Bộ trưởng Tài chính xóa nợ với trường hợp từ 5-10 tỷ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ với trường hợp dưới 5 tỷ đồng.
Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ trên cơ sở đề nghị của cơ quan quản lý thuế sau khi phối hợp với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, UBND cấp xã phường... xác minh hộ, cá nhân kinh doanh “đã chấm dứt hoạt động kinh doanh ở địa chỉ kinh doanh”, đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Ngoài xóa nợ, một giải pháp khác được nêu lên khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh quá 1 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, người chậm nộp thuế quá hạn quy định bị tính tiền chậm nộp là 0,03%/ngày cho đến khi nộp đủ thuế, không phân biệt nợ còn đối tượng để thu hay nợ không còn đối tượng để thu. Số tiền chậm nộp của trường hợp “không còn đối tượng để thu này” không ngừng tăng lên, cụ thể là 200 tỷ đồng/tháng (trung bình 2.400 tỷ đồng/năm).
“Việc quy định tính tiền chậm nộp thuế như hiện hành làm tăng thêm số liệu nợ ảo trên sổ sách theo dõi của cơ quan quản lý thuế, tăng gánh nặng phải điều chỉnh xử lý cho cơ quan quản lý thuế”, Bộ Tài chính cho biết.
Cẩm Tú