Bộ đội Trường Sa không bao giờ bị khuất phục bởi bất kỳ kẻ xâm lược nào: Chi tiết thú vị!
Nàng An ta ra mê na
Gọi nàng An Ta Ra Mê Na, có lẽ bạn đọc tưởng đó là một Hoa hậu Hoàn vũ, một diễn viên điện ảnh Quốc tế hay người đẹp thời trang nào đó. Nhưng không, đấy chính là công dân đảo chìm, một nàng lợn ỉ xinh đẹp ra đời vào đúng cái đêm lịch sử đáng ghi nhớ ấy.
Chị em nàng đông lắm, gồm mười hai sinh linh. Tất cả đều có tên hẳn hoi. Tên do Hai ùm đặt. Nghe sang trọng lắm. Mà cũng phải thế thôi. Đã là công dân thì đều bình đẳng trước vầng nhật nguyệt. Dân đảo chìm ở Trường Sa cơ mà.
Không thể cứ quê mùa chân đất mắt toét mà phải đàng hoàng, sang trọng, có tầm cỡ quốc tế. Từ ngày có thêm các công dân ấy, lính đảo chìm như có con mọn. Do đẻ non, lại phải chống chọi với sóng gió, bà mẹ lợn mất sữa. Thế là có bao nhiêu sữa hộp, cánh lính đều đục ra, dành hết cho lợn.
Ảnh minh họa.
Rồi sữa hết, lại hì hụi nấu cháo, nghiền cháo ra làm sữa cho lợn bú. Nhưng rồi chẳng có cái gì nằm yên được trong bụng lợn. Chúng nôn thốc nôn tháo. Khi không còn gì để nôn nữa thì chúng lả ra như những cái dãi khoai rồi theo nhau héo hàng loạt. Thoạt tiên là con lợn khoang đầu đàn, rồi đến bầy em nó và cuối cùng là bà mẹ lợn.
Chỉ trong ba ngày, xứ đảo chìm đã phải chịu đến hơn chục cái tang lợn. May mà còn một sinh linh. Và cũng chỉ duy nhất có mỗi sinh linh ấy sống sót. Đó chính là con lợn cái bé bỏng, em út của cả đàn, mà Hai gọi là nàng An Ta Ra Mê Na.
Cho đến tận bây giờ, cánh lính biển vẫn không hiểu vì sao An Ta Ra Mê Na lại có một sức sống dẻo dai bền bỉ như vậy. Ngay cả những hôm động biển, sóng quật cấp 8 cấp 9, nhiều thủy thủ nằm bẹp dưới sàn tàu, hoặc vịn thành giường nôn thốc nôn tháo thì An Ta Ra Mê Na vẫn lón cón chạy chơi trên boong.
Những đàn gà, lợn, vịt chạy kiếm ăn khắp đảo là cảnh thường thấy ở Song Tử Tây. Ảnh: Infonet.
Cô nàng dường như chẳng coi sóng gió ra gì. Những lúc như thế, cô nàng lại ăn khoẻ. Ăn rất ngon miệng. Mà nào có phải cháo, sữa hay sơn hào hải vị gì. Toàn cơm thừa canh cặn của lính.
Đến nỗi Tư Xồm đâm ngờ vực: "Này, không khéo nó không phải lợn đâu. Nó là con hồ li tinh đấy. Nghĩa là lợn hoá thành tinh. Trông cứ ghê bỏ mẹ. Rồi không khéo có ngày nó ăn thịt cả chúng mình".
Nói nghe đến phát khiếp. Nhưng chẳng ai tin. Cánh lính biển ở đảo chìm ngoài Trường Sa lại thấy quý An Ta Ra Mê Na. Từ ngày có cô nàng, hòn đảo luôn vui nhộn.
Thỉnh thoảng lính lại bơi ra tàu, chơi với An Ta Ra Mê Na. Thì còn có việc gì để mà làm nữa cơ chứ. ở những hòn đảo cát, dẫu sao còn có cát để vầy. Suốt ngày, lính đào khoét công sự. Đào sâu đến ngang bụng.
Sáng hôm sau, gió lại lấp cát xuống. Rồi sau một đêm nữa, cát đã san phẳng lỳ. Chẳng còn thấy chiến hào đâu nữa. Đảo trở lại thời hoang sơ nguyên thuỷ của nó. Rồi lính lại hì hụi làm con dã tràng moi vét cát lên. Cứ như thế quanh năm kéo co với gió. Một trò chơi bất tận. Không có người thắng, cũng chẳng có kẻ thua. Mệt mà vui.
Vì dẫu sao cũng còn có việc để làm. Còn ở đây thì có việc gì? Suốt ngày bó gối nhìn trời nước. Chán thì lại lần ra tàu. Con tàu trực chiến thực chất cũng chỉ là một hòn đảo nổi, hòn đảo di động. Rốt cuộc cũng vẫn lại quanh quẩn thế thôi. Bởi vậy, có An Ta Ra Mê Na, hòn đảo cũng đỡ tẻ. Lính có thêm bao nhiêu việc làm.
Bế cô nàng đi tắm. Dạy cô nàng tập bơi. Rồi chải lông. Rồi bắt rệp. Rồi tỉa tót, trang điểm cho cô nàng. An Ta Ra Mê Na đã quen dần đám lính đảo, có thể đùa giỡn với bất kì người lính nào. Nhưng xem chừng, cô nàng có vẻ thân Hai hơn, có lẽ vì Hai thích những trò nghịch ngợm. Hai hào phóng tặng nàng cái áo mới nguyên.
Anh chàng còn xẻ ra, tỉ mẩn khâu lại thành bộ cánh mới vừa khíp với tấm thân tròn ủng của nàng. Hai chít được cả eo lưng cho nàng. Trên cổ nàng, Hai còn đính thêm một cái dải yếm, như trang phục của một thủy thủ thực thụ.
Bây giờ thì cô nàng cũng diêm dúa, cũng xúng xính quân phục Hải quân, chẳng kém gì cánh lính cựu ở đảo chìm. Hai còn tập cho nàng đi bằng hai chân sau. An Ta Ra Mê Na có vẻ rất khoái khi được Hai túm chân trước, dắt đi.
Nàng dặt dẹo lê từng bước theo Hai. Rồi từ đấy, hầu như chiều nào trên boong tàu, người ta cũng thấy nàng cùng Hai lậng cậng nhảy điệu va xi lô với lời ca nghe vừa lạ tai, vừa thật là kỳ quái:
- Va- xi- lô
Cà ri cứ oà tồ tồ
Cha cha chaở đây có cha con ta
Này trời mây, này nước non đẹp thay
Chẳng ai biết được chúng ta đangở đây
Va- xi - lô
Cà ri cứ oà tồ tồ
Cha cha cha
Chẳng ai hơn cha con ta...
Cuộc biểu diễn không sân khấu
Hai Ùm bảo tôi:
- Anh Khoa ạ, nói thật với đại ca, em đọc không được nhiều. ở đây làm gì có sách mà đọc. Biết được cuốn nào thì cũng là hồi còn trong đất liền. Nhưng những truyện kể về lợn mà em đọc được thì chẳng có truyện nào tử tế.
Trong bộ Tây du ký, anh chàng Trư Bát Giới chỉ là gã ngu si đần độn và phàm tục. Trong truyện dân gian của ta, có con lợn bị giết thịt, khi chết xuống âm phủ, cậu chàng tìm đến vua Diêm Vương kiện về cái chết oan ức của mình. Rồi cậu kể rất tỉ mỉ.
Đầu tiên là bị chọc tiết. Rồi cạo lông. Rồi xả thịt ra, ướp hành tỏi, cho vào chảo rán, phi cho thơm lừng. Thế là vua Diêm Vương kêu ầm lên: "Thôi thôi, đừng có kể nữa nhé. Kẻo tao thấy thèm quá!" Thế có khổ cho con lợn không!
Còn ngoài đời, con lợn chẳng được coi là cái quái gì cả. Mỗi khi tỏ ra khinh miệt một ai đó, người ta lại rủa: "Cái thằng ngu như lợn!". Hoặc "Cái lão bẩn như lợn!". Thế thì oan cho con lợn quá! Thực ra lợn đâu có bẩn, mà nó cũng chẳng ngu. Thậm chí, nó còn rất thông minh nữa kia. Nó biết tất cả mọi chuyện đấy.
Chỉ mỗi tội là nó không nói được tiếng người thôi. Mà tiếng của nó thì loài người lại không thể hiểu được. Lấy ai phiên dịch bây giờ? Thế mới khổ.Hai khẽ xuýt xoa, vẻ thương cảm. Rồi như để chứng minh cho sự thông minh, sạch sẽ của con lợn, Hai ngửa cổ gọi, giọng ngân nga như hát:
- An ta ra mế...ê...ê... na...a...a...
Có tiếng lạch cạch sau trục neo. Rồi con lợn khoang lậng cậng chạy ra. Toàn thân nó gói kín trong bộ quân phục lính thủy. Trông rất ngộ nghĩnh.
- Ra chào bác Khoa đi, con!
Hai vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau. Tôi giãy nảy:
- Ối thôi thôi! Tớ là không có anh em bác cháu gì với lợn đâu nhé!
- Thế thì chào nhà thơ đi. Nào, bắt đầu nhá. Em... chào... nhà... thơ...!
Hai lại kéo dài giọng. Con lợn bỗng nhảy cỡn lên, đứng chấp chới bằng hai chân sau, rồi nó quay tròn nửa vòng, soài hai chân trước về phía tôi, chúi rạp đầu xuống mặt boong, điêu luyện và yểu điệu như một diễn viên xiếc trên sân khấu.
- Tuyệt vời!
- Hai reo lên, rồi lại vỗ tay.
- Tiếp tục biểu diễn nhé.
Tiết mục thứ hai: nhào lộn. Nào bắt đầu. Một - Hai - Ba... Con lợn lăn mấy vòng trên boong tàu. Lăn bên phải, lăn bên trái, rồi nằm ngửa trên mặt boong, giơ cả bốn chân lên trời vẫy vẫy. Cánh lính trẻ vỗ tay rôm rốp. Con lợn có vẻ càng khoái tợn.
Nó nhảy cỡn lên, loạng choạng đứng bằng hai chân sau, rồi nó ngoẹo cổ, nhếch mép. Trông rất ngộ nghĩnh và quái đản. Hai bảo đấy là nụ cười bí hiểm. Nụ cười La Giô-công. Hai bế xốc con lợn lên, rồi quay tròn mấy vòng, vừa quay vừa nhảy lò cò.
Tư Xồm lắc đầu quầy quậy: Điên hết rồi!
- Xem con lợn cũng vui đấy chứ!
- Vui cái khỉ gì! Tư Xồm lẩm bẩm bảo tôi.
- Anh hãy nhìn lại chúng đi. Rõ là một lũ rồ dại. Lợn thì loè xoè quần áo mớ bảy mớ ba. Người lại cởi truồng nồng nỗng. Thật chẳng còn ra cái thể thống gì!
(Theo "Đảo Chìm" - Trần Đăng Khoa, Nhà xuất bản QĐND)
Trần Đăng Khoa