Báo Singapore: Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thực hiện các biện pháp cụ thể để vượt qua thách thức
Việt Nam là hình mẫu hiếm hoi về duy trì ổn định nền kinh tế trong thời COVID-19 Các nhà phân tích kinh tế của tờ Nikkei Asia vừa có bài bình luận sâu về những thành công đáng ngưỡng mộ của Việt ... |
ASEAN 2020: Việt Nam biến khủng hoảng thành cơ hội thành công Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN khẳng định con số hơn 80 văn kiện được thông qua là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã ... |
Bài báo đăng trên tờ Asean Today của Singapore ngày 19/11/2020 đã điểm lại những kết quả nổi bật đạt được tại Hội nghị Cấp cao Asean lần thứ 37, đồng thời đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc tổ chức thành công Hội nghị.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng được khống chế ở Việt Nam (không có ca nhiễm mới trong cộng đồng trong 74 ngày liên tiếp tính đến ngày 15/11), lãnh đạo các quốc gia tham dự đã nhất trí cao về nhiều yếu tố quan trọng để thúc đẩy Cộng đồng ASEAN và tạo động lực mới cho quan hệ ASEAN với các đối tác, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của khối đối với hợp tác đa phương, kết nối và tự do hóa kinh tế.
Bài báo dẫn đánh giá về kết quả Hội nghị của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ bế mạc ngày 15/11: “Chúng ta đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế. Chia sẻ quan điểm về các vấn đề của khu vực và quốc tế đang nổi lên, chúng ta nhất trí vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ”.
Nhiều biện pháp, sáng kiến được thông qua
Tại Hội nghị Cấp cao lần này, các nhà lãnh đạo khu vực đã thông qua Báo cáo đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; nhất trí về sự cần thiết tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN; khẳng định nỗ lực phát huy tích cực vai trò của ASEAN thúc đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN để mọi người dân, mọi vùng miền có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng.
Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, hy vọng tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường phía trước của Cộng đồng ASEAN. Theo tuyên bố này, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN nhất trí rằng, việc xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025 sẽ được thực hiện một cách toàn diện, thực tế, cân bằng, bao trùm và phối hợp; có cách tiếp cận toàn Cộng đồng để hiệp lực nỗ lực xuyên suốt các trụ cột Cộng đồng ASEAN và giữa các cơ quan ban ngành nhằm ứng phó sự phức tạp ngày càng tăng của các cơ hội và thách thức mà ASEAN phải đối mặt.
Với mục tiêu hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, các nhà lãnh đạo ASEAN tán thành việc treo cờ ASEAN và sử dụng bài hát ASEAN để đưa hình ảnh ASEAN đến gần hơn với người dân và công chúng. Hội nghị đã thông qua Bản Tường thuật về bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, là cơ hội quý để phụ nữ các nước ASEAN đóng góp cho các nỗ lực phát triển và tăng trưởng bền vững của khu vực.
Liên quan vấn đề ứng phó với dịch COVID-19, ASEAN đã công bố hoặc thành lập nhiều sáng kiến khu vực về hợp tác ứng phó với đại dịch và các nguy cơ dịch bệnh khác, bao gồm Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN và Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. Việt Nam sẽ đóng góp 5 triệu USD cho Quỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 khai mạc ngày 12/11.
ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Theo đó, ASEAN xác định năm chiến lược phục hồi để bảo vệ cuộc sống và sinh kế cũng như xây dựng khả năng phục hồi, gồm tăng cường hệ thống y tế, tăng cường an ninh con người, tối đa hóa tiềm năng của thị trường nội khối ASEAN và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm và tiến hướng tới một tương lai bền vững và kiên cường hơn. Khung phục hồi tổng thể ASEAN cũng vạch ra lộ trình phục hồi và ổn định, bao gồm các biện pháp chính sách và phản ứng để phục hồi một cách linh hoạt, cung cấp tài chính cho việc phục hồi và huy động nguồn lực, các thể chế và cơ chế quản lý, vai trò của các bên liên quan và quan hệ đối tác, giám sát sự phục hồi của ASEAN sau đại dịch.
Thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới được ký kết
Để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để bao gồm Colombia, Cuba và Nam Phi, nâng tổng số nước ký kết lên 43. Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 đã thông qua các tuyên bố quan trọng, bao gồm Tuyên bố nhân kỷ niệm 15 năm thành lập EAS và Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APT (ASEAN+3) về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và tài chính khi đối mặt các thách thức mới nổi, cho thấy vai trò và sức mạnh của APT trong việc ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro kinh tế, khủng hoảng tài chính trong khu vực.
Đặc biệt, việc hoàn tất đàm phán và chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và các đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4 vào ngày 15/11, là một biểu hiện rất đáng khâm phục về cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực trong việc thúc đẩy tự do hóa và kết nối kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
RCEP, hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm thị trường 2,2 tỷ người - gần 30% dân số thế giới, với tổng GDP là 26.200 tỷ USD - khoảng 30% GDP toàn cầu, và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu. Hiệp ước sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường với việc loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với hơn 65% hàng hóa được giao dịch và giúp hoạt động kinh doanh có thể dự đoán được với các quy tắc xuất xứ chung và các quy định minh bạch, khuyến khích các công ty đầu tư nhiều hơn vào khu vực, bao gồm xây dựng chuỗi cung ứng và dịch vụ, đồng thời tạo nhiều việc làm. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa và dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác kinh tế và kỹ thuật và mua sắm chính phủ.
Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết: “Việc ký kết Hiệp định RCEP là một sự kiện lịch sử vì nó củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực và tám năm đàm phán. RCEP sẽ tạo ra một sự thúc đẩy rất cần thiết để phục hồi nhanh chóng, mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và người dân trong khu vực của chúng ta, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 hiện nay”.
Theo Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về RCEP, đây là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác của ASEAN với các đối tác khu vực. “Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng RCEP vẫn là một thỏa thuận mở và bao trùm. Hơn nữa, chúng tôi đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong RCEP và nhắc lại rằng RCEP vẫn mở đối với Ấn Độ… RCEP để mở để Ấn Độ gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực”, Tuyên bố chung viết.
Vai trò của Việt Nam được đánh giá cao
Trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 12 đến 15/11/2020, các nhà lãnh đạo ASEAN dưới vai trò Chủ tịch của Việt Nam đã họp qua ba hội nghị cấp cao trực tuyến trong năm 2020, gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 ngày 14/4 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 26/6.
Chuyên gia về thương mại và quan hệ quốc tế từ Viện Nghiên cứu Tài chính Sùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, Giáo sư Liu Ying đánh giá Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, điều phối và dẫn dắt các hoạt động của khối trên cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Việt Nam đã nỗ lực để đảm bảo các cuộc họp ASEAN diễn ra an toàn, đóng góp vào sự phát triển của khối trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, chính trị và y tế.
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết: “Vai trò chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam rất mẫu mực. Mặc dù phải đối phó với các thách thức COVID-19 trong nước và thiên tai, Việt Nam đã có khả năng lãnh đạo trong việc giữ cho khu vực gắn kết và ứng phó với những thách thức này, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích của người dân làm trọng tâm".
Alison Mann, quan chức cấp cao của New Zealand về APEC, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN và ASEAN, cho biết, New Zealand đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đầy thách thức và bất thường. Bà nhấn mạnh, ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy một ASEAN “Gắn kết và Đáp ứng” là phù hợp nhất trong bối cảnh những thách thức hiện nay do COVID-19 đặt ra.
Việt Nam đã chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho ASEAN 2020. “Gắn kết” thể hiện ý tưởng duy trì sự thống nhất, đoàn kết và sức mạnh nội tại của ASEAN, tăng cường kết nối kinh tế, làm sâu sắc hơn các giá trị và bản sắc của ASEAN, đồng thời nâng cao hiệu quả của khối bộ máy và thúc đẩy quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu. “Chủ động thích ứng” phản ánh nhu cầu của ASEAN nhằm tăng cường tính chủ động, sáng tạo và khả năng ứng phó với các cơ hội và thách thức từ tình hình toàn cầu và khu vực.
Chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei, Thủ tướng Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng Brunei, trong vai trò Chủ tịch kế tiếp sẽ tiếp tục đưa ASEAN tiến lên phía trước hướng tới một Cộng đồng ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phục hồi toàn diện và phát triển bền vững. Brunei sẽ đảm nhận vai trò này vào năm 2021 với chủ đề “Chúng tôi quan tâm, chúng tôi chuẩn bị, chúng tôi thịnh vượng”.
ASEAN 2020: Việt Nam biến khủng hoảng thành cơ hội thành công Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN khẳng định con số hơn 80 văn kiện được thông qua là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã ... |
Bà Kamsiah Kamaruddin: năm 2020 đánh dấu một năm “phi thường” đối với ASEAN Bà Kamsiah đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, cho rằng năm 2020 đánh dấu một năm “phi thường” đối ... |
TS. Balaz Szantos: Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ 37 Đó là nhận xét của TS. Balaz Szantos, giảng viên Bộ môn Khoa học chính trị, Trường đại học Chulalongkorn, Thái Lan trong cuộc trả ... |