Báo nước ngoài ca ngợi những bước phát triển nhảy vọt của Việt Nam trong 75 năm
Học giả Nga đánh giá tích cực những bước tiến vượt bậc của Việt Nam Từ ngày 2/9/1945, thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đến nay, ... |
Nhìn lại những dấu son lịch sử trong 75 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh tiêu biểu, trưng bày chuyên đề "Việt Nam - Độc lập, tự cường" thể hiện rõ nét quyết ... |
Theo nội dung bài báo, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, gồm Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Lào, Malaysia, Myanmar, Nga, Singapore, Thái Lan… mới đây gửi điện và thư chúc mừng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9). Họ ghi nhận Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh và sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Những thành tựu và đóng góp của Việt Nam đối với khu vực và thế giới trong 75 năm qua được bạn bè quốc tế đánh giá cao. (Ảnh minh họa: Aseantoday) |
Tại lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, 75 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, điều kiện sống của người dân ngày càng tốt hơn, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng-an ninh vững chắc, quan hệ đối ngoại được mở rộng và đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch toàn cầu COVID-19, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế gần 2% trong nửa đầu năm nay, khi thặng dư thương mại ở mức 11 tỷ USD. Chính phủ Việt Nam quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế bền vững và chuyển sang nền kinh tế số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Về đối ngoại, Việt Nam luôn chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập toàn cầu; là bạn, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và các bên cùng có lợi, xử lý những khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Tại lễ kỷ niệm được tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội, ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam, đã đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ông cũng ca ngợi những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau gần 35 năm “Đổi mới”.
Giáo sư Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia) cho biết, vào lúc bắt đầu áp dụng đường lối “Đổi mới” hồi cuối năm 1986, Việt Nam bị cắt giao thương và viện trợ quốc tế do can thiệp nhằm chống lại Khmer Đỏ ở Campuchia.
Tháng 5/1988, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Nghị quyết số 13 đề ra chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế bằng cách tạo môi trường an ninh thuận lợi. Việt Nam rút lực lượng quân sự cuối cùng khỏi Campuchia vào tháng 9/1989. Việt Nam cũng tham gia một hội nghị quốc tế lớn tại Paris nhằm giải quyết toàn diện cuộc xung đột Campuchia vào tháng 10/1991.
Sau Hội nghị Paris về vấn đề Campuchia, Việt Nam đã có thể bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, đàm phán với Nhật Bản và Liên minh châu Âu để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của họ, và năm 1995, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Việt Nam nắm bắt cơ hội hòa giải vấn đề Campuchia để đưa quan hệ giữa Đông Dương và ASEAN từ đối đầu sang chung sống hòa bình. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN với tư cách là thành viên thứ bảy và do đó đủ điều kiện để tham gia vào tất cả các thể chế liên quan đến ASEAN. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới, giáo sư Thayer nhận xét.
(Ảnh minh họa: Aseantoday) |
Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ năm 2001, Việt Nam bắt đầu đàm phán quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc và các quốc gia quan trọng khác. Đến nay, Việt Nam có 16 quan hệ đối tác chiến lược, bao gồm Úc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Thái Lan. Theo thời gian, một số quan hệ đối tác này đã được nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện.
Ngoài ra, Việt Nam đã đàm phán 12 thỏa thuận về quan hệ đối tác toàn diện ở khu vực Latinh và Nam Mỹ (Argentina, Brazil, Chile, Venezuela), châu Âu (Đan Mạch, Hungary, Ukraine), châu Phi (Nam Phi), Đông Nam Á (Brunei, Myanmar), Bắc Mỹ (Hoa Kỳ) và Châu Đại Dương (New Zealand).
Giai đoạn 2008-2009, Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, việc tham gia vào Hội đồng Bảo an đã dẫn đến quyết định của Việt Nam là đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Trước tiên, cử một số quan sát viên quân sự, sau đó cử một bệnh viện dã chiến cấp II tới Nam Sudan. Việt Nam đã cam kết cử các chuyên gia xử lý bom mìn.
Nhìn chung, Việt Nam đã đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong quan hệ quốc tế ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, đặc biệt là sau năm 1995. Hoa Kỳ đã công nhận điều này bằng cách đưa Việt Nam vào danh sách đối tác chiến lược tiềm năng trong tất cả các văn kiện chính sách an ninh và quốc phòng mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông qua. Các tài liệu chính sách này bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ, Chiến lược Quốc phòng của Hoa Kỳ và Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 2/2019 tại Hà Nội.
“Thành tựu lớn nhất của ngoại giao Việt Nam kể từ năm 1986 là xử lý xong vấn đề Campuchia và định hướng lại chính sách đối ngoại của mình sau khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, bằng cách đồng thời bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995”, giáo sư Thayer nhận định.
Gần đây, Việt Nam chủ động phát huy vai trò lãnh đạo ASEAN ứng phó đại dịch COVID-19. Việt Nam đã tổ chức họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN vào ngày 7/4 và hai hội nghị thượng đỉnh vào ngày 14/4 (Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3). Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo sự đồng thuận về phản ứng của khu vực đối với COVID-19 và khởi động các cuộc thảo luận sơ bộ về phục hồi sau đại dịch.
Việt Nam ban đầu phải hoãn Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, sau đó tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 bằng hình thức trực tuyến vào ngày 23/6. Tại cả hai hội nghị cấp cao ASEAN, Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác đối thoại.
Theo giáo sư Thayer, với tư cách Chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đưa ra hai sáng kiến đầy triển vọng. Sáng kiến đầu tiên là tổ chức thảo luận về việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Sáng kiến thứ hai là sắp xếp cuộc họp đầu tiên giữa Liên Hợp Quốc và ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực.
Với vai trò lãnh đạo mới trong đại dịch COVID-19, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong địa chính trị khu vực và toàn cầu. Các chính sách của Việt Nam từ cấp ASEAN cho đến LHQ đang hỗ trợ các sáng kiến đa phương và thúc đẩy kết nối toàn cầu để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Bạn đọc tham khảo link gốc của bài viết Tại đây.
Những hình ảnh đẹp nhất trong lễ thượng cờ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Chào mừng Quốc khánh, nghi lễ thượng cờ cấp quốc gia được tổ chức từ 6h ngày 1/9 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), ... |
[Infographics] Những dấu mốc 75 năm xây dựng và phát triển đất nước 75 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, bước ngoặt, vượt qua ... |