'Bạo hành cảnh sát - Vết thương vẫn chưa lành ở nước Mỹ'
Adidas tăng cường tuyển dụng người da màu sau cái chết của George Floyd |
Tang lễ đẫm nước mắt của George Floyd và lời kêu gọi công lý |
Ông Phạm Quang Vinh nêu ra những quan điểm cá nhân về sự kiện tại Mỹ vừa qua. Ảnh: Hoàng Nam. |
- Thưa ông, sự việc đáng buồn vừa xảy ra ở nước Mỹ đã làm dấy lên một cuộc phản kháng chưa từng có trong thời gian gần đây với chính quyền, là người rất am hiểu về nước Mỹ, theo ông, lý do của sự tích tụ rồi dẫn đến bùng phát biểu tình như vừa qua là gì?
Có cả những nguyên do trực tiếp và cả những lý do dài hạn nằm sâu trong lòng nước Mỹ.
Về trực tiếp, mọi người có thể thấy những video người dân quay lại rất thương tâm, một vị cảnh sát ghì cổ một người dân suốt 9 phút, liên tục kêu cứu “Tôi không thở được”. Câu chuyện đó làm cho người dân nước Mỹ, nhiều tổ chức xã hội khác nhau cảm thấy bất bình trước bạo hành của cảnh sát. Chính việc như vậy đã gây nên làn sóng biểu tình phản đối hành động bạo hành của cảnh sát và sự phân biệt chủng tộc.
Câu chuyện thứ 2 là câu chuyện gián tiếp trong lòng nước Mỹ ,về những vấn đề liên quan đến chủng tộc và sắc tộc. Nếu chúng ta nhìn lại nước Mỹ những năm vừa hình thành đã tìm cách xóa bỏ phân biệt chủng tộc, cả trong tuyên ngôn cũng nhấn mạnh quyền bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc của tất cả chủng tộc. Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng thực hiện được như vậy.
Cá nhân tôi nhớ lại lịch sử Mỹ những năm 50-60 của thế kỷ trước, rõ ràng có nhiều phong trào đòi biểu tình, đòi quyền bình đẳng cho người da màu trong đó có người da đen. Điển hình là nhân vật khắp thế giới đều biết đó là Martin Luther King. Thời điểm này, nhiều cuộc biểu tình rất lớn diễn ra, trong đó có cả biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, chống phân biệt sắc tộc.
Tôi còn nhớ năm 1965, một cuộc vận động biểu tình của người da đen đi từ cầu Selma (Thành phố Alabama, Mỹ) tạo ra làn sóng đòi quyền bỏ phiếu cho người da đen, trước đó đã có một đạo luật về dân quyền. Chính những cuộc biểu tình này đã tạo thêm những đạo luật, văn bản có quy phạm pháp lý giành nhiều quyền bình đẳng hơn cho người da màu.
Điểm thứ ba, nếu chúng ta nhìn lại câu chuyện của George Floyd lần này, có gì đó trùng hợp với một số điều khác trong lịch sử. Việc cảnh sát sử dụng bạo lực quá mức không chỉ với người da màu mà còn với người da trắng nữa nhưng đối với người da màu thì nhiều hơn. George Floyd không phải người đầu tiên kêu gào lên “Tôi không thở được” mặc dù vẫn chết dưới tay cảnh sát.
Vào năm 2014, cũng có một trường hợp khác đã bị cảnh sát bắt và ghì chết, trước đó ông ta mất 11 lần cầu cứu “Tôi không thở được”. Từ đó, cụm từ này tạo ra một phong trào chính trị trong lòng nước Mỹ đòi bình quyền, bình đẳng cho người da màu cũng như chống lại bạo hành cảnh sát.
Vết thương đó vẫn chưa lành ở nước Mỹ. Chúng ta thấy rằng nếu như nhìn toàn cục mà nói, nguyên nhân là do học hành, giáo dục, thu nhập nhìn chung của người da màu vẫn thua kém người da trắng. Những cái bất bình đẳng xã hội đấy đã dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật của người da màu cũng nhiều hơn.
Giữa 2 điều này này, người dân không chỉ đấu tranh với cảnh sát mà còn đòi bình quyền, bình đẳng giáo dục, thu nhập cho người da màu.
- Nước Mỹ luôn khẳng định không có phân biệt sắc tộc, thế nhưng trong thực tế điều này không dễ được tất cả mọi người tôn trọng, cá nhân ông thấy nguyên nhân nào là cốt yếu khiến mong muốn nhân văn này dù đã trải qua quá nhiều thập kỷ mà vẫn không thể thực hiện được trọn vẹn?
Trước hết, chúng ta phải thấy rằng những cuộc đấu tranh giành bình đẳng của mọi người dân nói chung và người da màu nói riêng là quá trình rất dài và thu được rất nhiều tiến bộ trong lòng xã hội Mỹ.
Theo ông Vinh, Mỹ cần cải cách lại hành lang pháp lý cho việc sử dụng quyền lực của cảnh sát. Ảnh: Hoàng Nam. |
Từ chỗ người da đen là nô lệ đến khi nước Mỹ lập quốc dưới thời Tổng thống Lincoln, chế độ nô lệ đã được xóa bỏ. Cuộc chiến đấu giữa người da trắng, người da màu và các cuộc nội chiến nước Mỹ cũng hình thành những cơ sở pháp lý khác đảm bảo bình quyền cho người dân.
Tiếp đến là những đạo luật về người da đen, da màu được đi bỏ phiếu. Hiến pháp và các quy định hành lang pháp lý của Mỹ đã thừa nhận và quyết tâm bảo vệ các chủng tộc khác nhau trong nước Mỹ.
Qua sự vụ cảnh sát làm chết một người da màu lần này, cộng với các cuộc biểu tình lan rộng ra khắp các bang, nhiều nước khác trên thế giới, đang có những vấn đề đặt ra mà tôi thấy rằng rất đúng:
Thứ nhất, phải cải cách lại hành lang pháp lý cho việc sử dụng quyền lực của cảnh sát.
Thứ hai, phải cải cách lại nền tư pháp hình sự của nước Mỹ.
Thứ ba, phải có những chương trình phúc lợi xã hội cho giáo dục, thu nhập cho người da màu được công bằng hơn.
Chính những điều trên sẽ làm cho nước Mỹ vận động ngày càng phát triển hơn, tính nhân văn cũng cao hơn. Hiện tại, áp lực xã hội đối với chính quyền Mỹ đang rất lớn. Những khẩu hiệu, mục tiêu đấu tranh đòi bình quyền cho người da màu đang được ngày càng dâng cao.
- Không ai tin là bạo lực, cướp bóc như vừa qua ở Mỹ là phương thức bày tỏ thái độ, tuy nhiên thưa ông, những vấn đề trên có làm bộc lộ điều gì bất ổn về xã hội Mỹ hiện tại?
Nếu đọc lại lịch sử Mỹ, cá nhân tôi cũng được chứng kiến tại Mỹ trong thời kỳ công tác tại đó, các cuộc biểu tình để phản đối hay đồng tình một vấn đề nào đó là chuyện diễn ra thường xuyên. Đã có những cuộc biểu tình rất lớn đến khoảng hàng chục triệu người, chẳng hạn như đòi bình quyền cho phụ nữ, ứng xử với biến đổi khí hậu, quyền của những người yếu thế khác trong đó có những người đồng giới.
Người dân Mỹ nói chung và những nhóm phong trào của nước Mỹ nói riêng luôn ủng hộ biểu tình bất bạo lực. Câu chuyện lần này nếu chúng ta nhìn lại, nó xuất hiện từ Minnesota rồi lan rộng ra các bang của Mỹ.
Người dân trên khắp các bang nước Mỹ đang ra đường biểu tình đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. |
Trong số những người biểu tình có những người bộc phát tại chỗ vì những bức xúc xã hội đâu đó hoặc những bức xúc cá nhân trong cuộc sống với xã hội mà thành những hành vi bạo lực.
Ngay cả gia đình George Floyd cũng đứng lên kêu gọi rằng nếu đấu tranh cho Floyd thì hãy đấu tranh bằng hòa bình và đề ra sự thay đổi. Tổng thống Trump thì có phản ứng bày tỏ thương tiếc và cho rẳng cái chết của Floyd là không đáng có. Ông hứa sẽ điều tra đến tận cùng.
Các cảnh sát liên quan lúc đầu đã bị cách chức nhưng sau đó đã bị điều tra hình sự. Những đảng phái, kể cả ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ là Joe Biden lên tiếng rằng cần phải tìm ra những căn nguyên để có những cải cách cần thiết.
Đặc biệt, cựu tổng thống Obama đã lên tiếng: “Hãy coi cái chết này như một cơ hội mở ra và nhìn rõ hơn trong lòng nước Mỹ. Phải có cải cách sâu rộng hơn nền tư pháp, đối với cảnh sát Mỹ”.
Bạo lực có lẽ không ở một xã hội nào là không có nhưng bạo lực đi cướp bóc, đốt phá các doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng xuất hiện ở Mỹ thể hiện người dân mong muốn phải cải cách nhiều hơn nữa.
- Sau sự kiện này, ông dự đoán thế nào về sự vận động của xã hội trong thời gian tới?
Các cuộc biểu tình trong lòng nước Mỹ gần đây phản ánh người dân cần những điều sau: Họ muốn biểu thị thái độ bức xúc và phản đối hành vi bạo hành, phân biệt chủng tộc; Họ bày tỏ lòng thương tâm với gia đình George Floyd và các nạn nhân khác; Họ nhấn mạnh với chính quyền và cả nền chính trị phải có những cải cách để tránh điều đau thương như vậy xảy ra.
Tôi tin rằng các đảng phái ở nước Mỹ sẽ sớm phối hợp để đưa ra những cải cách phù hợp. Nếu chính quyền Mỹ đạt được những cam kết, thực hiện được như vậy chắc chắn những cuộc biểu tình sẽ lui dần. Việc cách chức rồi truy tố viên cảnh sát trong sự việc trên cũng thể hiện tính cải cách của chính quyền Mỹ.
Trích tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ: "Thử thách lớn nhất của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ là làm sao kết hợp những con người có nguồn gốc vô cùng khác nhau thành một đất nước của công lý và cơ hội. Những giáo điều và thói quen về sự thượng đẳng của giống dân da trắng mà đã một lần suýt xé đôi đất nước vẫn còn đang đe doạ quốc gia chúng ta. Câu trả lời cho vấn nạn của nước Mỹ nằm trong cách ta ăn ở sao cho đúng với lý tưởng đã tạo nên đất nước này - tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng và được thượng đế ban cho những quyền căn bản. Chúng ta dễ quên rằng đó là những tư tưởng cực kỳ cấp tiến, và những nguyên lý căn bản mà ta trân quý luôn luôn thách thức các cơ chế bất công dù do cố ý hay mặc nhiên". |
Xin cảm ơn ông!
Adidas tăng cường tuyển dụng người da màu sau cái chết của George Floyd Một sáng kiến tuyển dụng mới của Adidas đang hướng tới mục tiêu tăng 30% những người da màu trong lực lượng lao động Bắc ... |
Tang lễ đẫm nước mắt của George Floyd và lời kêu gọi công lý Theo BBC, đám tang của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì cổ chết tại thành phố Minneapolis đã diễn ra ... |
Mỹ: Đối phó người biểu tình, Tổng thống Trump bất đồng với các bộ trưởng? Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Donald Trump của nước này đã yêu cầu quân đội huy động 10.000 lính ra đường phố để đối ... |