Bàn giao cầu Thăng Long và đường vành đai 3 cho Hà Nội quản lý
Đoạn tuyến đường trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long, Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh). |
Sau gần 5 tháng thi công, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã được đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư dự án gần 270 tỷ đồng. Với giải pháp sửa chữa bằng kết cấu mặt cầu liên hợp nhẹ sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng sau đó thảm bê tông nhựa polime đảm tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhựa polime là 10 năm.
Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án Thăng Long phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội tổ chức bàn giao các hạng mục trên; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để giao tài sản cho Hà Nội theo đúng quy định của Nghị định số 33 ngày 23/4/2019 của Chính phủ; giải quyết các vấn đề liên quan, đảm bảo công tác quản lý khai thác được thực hiện liên tục và không ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến.
Theo đánh giá, việc sửa chữa cầu Thăng Long bảo đảm đồng bộ, lưu thông thông suốt và an toàn giao thông trên tuyến đường vành đai 3, giảm tải cho cầu Nhật Tân và tuyến đường cửa ngõ của thành phố, tạo sự liên kết giữa các vùng.
Dự án sau khi hoàn thành đưa vào khai thác đã kết nối thông suốt theo tiêu chuẩn đường cao tốc từ cầu Phù Đổng đến cầu Thăng Long, đồng thời tạo nên tuyến liên kết vùng và khu vực, kết nối với sân bay Quốc tế Nội Bài, các tuyến quốc lộ 1, 5, 6, 32, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ - Ninh Bình, đại lộ Thăng Long.