“Bài toán khó” trong công tác thu hồi vũ khí tàng trữ, sử dụng trái phép trên biên giới
Sự biến tấu của “đệ nhất sát thương”
Nằm bên Vườn quốc gia Chư Mo Ray, làng Le, thuộc xã biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) là khu định cư lâu đời của 178 hộ gia đình người Rơ Măm (dân tộc thiểu số đặc biệt hiện chỉ có 1 làng duy nhất trên toàn quốc và đang được Nhà nước bảo tồn). Trước đây, khi đường sá chưa được lưu thông, sự giao lưu với bên ngoài không được nhiều, thì hầu như quanh năm suốt tháng, các chủ nhân nơi đây đều sống phụ thuộc vào rừng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, họ vào rừng phát rẫy làm nương, săn bắn, hái lượm và con dao (rựa), cung, nỏ lúc bấy giờ được xem là “vật bất ly thân”.
Già làng Le, ông A Blong bồi hồi nhớ lại: “Chỉ là những loại vũ khí thô sơ, được chế tác từ vật liệu tự nhiên thôi, nhưng mỗi khi xách nỏ, ná đi săn bắn là cả làng có ngay một bữa thịt rừng tươi sống. Và cũng chỉ là loại vũ khí thô sơ đó thôi, nếu sơ sẩy một tý xíu cũng có khi mang họa, chết người...”. Nói như vậy để thấy sự nguy hiểm của “đệ nhất sát thương”, dù đó chỉ là loại vũ khí thô sơ, hiện diện trong đời sống cộng đồng từ bao đời nay.
Làng Le của người Rơ Măm và thậm chí là cả xã Mo Rai hôm nay thật khó (nếu không muốn nói là không thể) nhìn thấy hình ảnh một “trang nam tử” xách nỏ vào rừng đi săn bắn. Có chăng nỏ, ná giờ đây chỉ được treo lên tường nhà như một vật lưu niệm.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa người dân nơi đây đã “tuyệt tình” với các loại vũ khí, mà bằng chứng là hàng năm Đồn Biên phòng Mo Rai vẫn “thu đều đều” hàng chục khẩu súng tự chế, thậm chí có cả súng quân dụng. Riêng năm 2020, thông qua các biện pháp nghiệp vụ và vận động quần chúng, đơn vị này đã thu giữ được tới 34 khẩu súng tự chế các loại, cùng 88 viên đạn quân dụng (loại AK và AR15).
Rõ ràng, vũ khí mà một số người dân vùng biên giới đang tàng trữ, sử dụng trái phép đã được “nâng cấp” từ thô sơ, bắn không kêu thành kêu, với độ sát thương lớn hơn rất nhiều. Kỹ năng sử dụng của các đối tượng theo đó cũng được “nâng bậc” và nguồn cung cấp các loại súng tự chế cũng không còn gói gọn từ người Mường, Thái, Dao lén lút đưa từ các tỉnh phía Bắc vào.
Ở một số địa bàn biên giới trong tỉnh Kon Tum, người dân tộc thiểu số tại chỗ đã có thể tự chế các loại vũ khí đơn giản từ cồn, khí nén mà vẫn “bắn không trật phát nào”.
Đại úy A Hùng, Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum cho biết: “Các đợt thu hồi vũ khí tàng trữ, sử dụng trái phép trong nhân dân gần đây cho thấy, số lượng súng do bà con dân tộc thiểu số tại chỗ tự chế ngày càng nhiều. Chỉ cần bỏ ra ít tiền mua vật liệu là họ đã có thể sở hữu một khẩu súng theo ý của mình. Hầu hết người dân đều biết việc tàng trữ, sử dụng súng là vi phạm pháp luật nên họ cất giấu rất kỹ, chỉ khi nào bị lực lượng chức năng phát hiện thì mới tự giác giao nộp...”.
Thách thức và quyết tâm của người lính Biên phòng
Trong 5 năm (2015-2020), BĐBP Kon Tum đã xác lập nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ, xử lý 9 đối tượng có lệnh truy nã, thu giữ 12 khẩu súng các loại, cùng nhiều tang vật phạm pháp khác.
Cùng với đó, thông qua phát động phong trào quần chúng đấu tranh tố giác tội phạm, các đồn Biên phòng trong tỉnh đã tiếp nhận gần 2.100 nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý 740 đối tượng vi phạm pháp luật, tịch thu gần 300 khẩu súng tự chế tàng trữ, sử dụng trái phép trong nhân dân.
Riêng năm 2020, BĐBP Kon Tum phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Các đồn Biên phòng đã tiếp nhận, bàn giao cho cơ quan chức năng 5 khẩu súng, 88 viên đạn quân dụng, 1 quả lựu đạn, 1 súng bắn đạn cao su, 187 khẩu súng tự chế và nhiều công cụ hỗ trợ khác.
Đây là thành tích đặc biệt xuất sắc, thể hiện sự kiên quyết trong đấu tranh với các vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của BĐBP.
Để có được kết quả nêu trên, các đồn Biên phòng tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, kết hợp các biện pháp nghiệp vụ, thu hồi triệt để số vũ khí tàng trữ, sử dụng trái phép trên khu vực biên giới.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận vấn đề thu hồi vũ khí trôi nổi trong nhân dân diễn ra rất khó và dai dẳng, do địa bàn biên giới rộng, nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống và đều có chung tập quán canh tác lạc hậu, thói quen vào rừng săn bắt, hái lượm vẫn chưa được loại bỏ hẳn. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động.
Đại úy A Hòa, Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mo Rai chia sẻ: “Nếu không nắm chắc tình hình thì không thể tiếp cận, bởi hầu hết các gia đình có súng tự chế đều giấu ngoài rừng, hoặc trên nương rẫy. Sau khi xác định được đối tượng, chúng tôi phải vận dụng mọi biện pháp từ tuyên truyền, động viên, răn đe, bền bỉ nhưng cũng rất cương quyết. Cũng có những người chịu hợp tác nhưng mang tính đối phó, họ đưa ra loại vũ khí không còn khả năng sử dụng theo kiểu nộp cho có. Tất nhiên, với những trường hợp này, chúng tôi đều bắt buộc cam kết và có những biện pháp quản lý chặt chẽ tiếp theo”.
“Bền bỉ mà cương quyết”, đó là cách duy nhất để những người lính Biên phòng Kon Tum hóa giải “bài toán khó” trong công tác thu hồi vũ khí tàng trữ, sử dụng trái phép trên địa bàn biên giới. Việc “khoanh vùng” quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng của BĐBP góp phần giữ vững an ninh trật tự địa bàn, đặc biệt là hạn chế tối đa những hiểm họa do súng đạn gây nên.
Hà Giang: Bắt giữ 52 công nhân nhập cảnh trái phép qua đường mòn biên giới
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã phát hiện, bắt giữ và cách ly tổng cộng 52 công dân nhập cảnh trái phép qua ... |
Liên tiếp phát hiện vụ nhập cảnh trái phép qua biên giới
Những ngày đầu tháng 12, tại đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo ... |
Hà Giang: Phát hiện 29 công dân nhập cảnh trái phép qua biên giới
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần, Bộ đội biên phòng Hà Giang vừa phát hiện 29 công nhân nhập cảnh trái phép qua đường ... |