e magazine
Bài 2 - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh: “Nhà nước đi cùng nhân dân”

07:30 | 21/10/2021

"Tôi thấy những công việc dù nhỏ hay lớn mà triển khai theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đều rất thành công cả về chất lượng, hiệu quả, và tạo nên tâm lý, cảm xúc xã hội tốt hơn. Nếu Nhà nước đi cùng nhân dân xây dựng và thực hiện mục tiêu một cách bình đẳng, minh bạch về quyền lợi và trách nhiệm, biết lắng nghe và kiến tạo để nhân dân làm chủ thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục quản lý kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng quan điểm trên là cẩm nang để xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Bài 2 - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh:  “Nhà nước đi cùng nhân dân”

- Thưa ông, chúng ta có thể định hình thế nào về một xã hội phồn vinh và hạnh phúc?

- Phồn vinh là sự phát triển đạt mức dồi dào về của cải, vật chất của một xã hội. Nhưng sự giàu có này, phải đi đôi với trình độ văn minh, đời sống văn hóa tương ứng; sự phân phối công bằng, hài hòa về quyền lợi giữa các nhóm thành viên xã hội; hài hòa giữa các giá trị cuộc sống của dân tộc và cộng đồng quốc tế. Cộng đồng đó biết hướng tới xây dựng các giá trị mang lại danh dự. Đồng thời họ được tôn trọng vì biết xây dựng và bảo vệ sự phồn vinh đó.

Phồn vinh hàm ý một sự phát triển với những cấu trúc kinh tế, xã hội mới, không giống sự tăng trưởng tuyến tính đơn thuần. Phồn vinh còn phải là một quá trình và phương thức làm ra, sử dụng những thành quả đó một cách văn minh, dân chủ, công bằng. Tức là xã hội đó có năng lực sáng tạo, làm chủ sự phát triển, tiến bộ của mình.

- Có những yêu cầu nào để kiến trúc một xã hội phồn vinh, thưa ông?

- Theo tôi, có 4 yêu cầu cơ bản.

Thứ nhất, xã hội đó phải đồng thuận. Đồng thuận rất cao về một hệ giá trị phát triển cơ bản. Tinh thần này được biến thành khát vọng bao trùm, nhất quán của toàn cộng đồng.

Thứ hai là, nhà cầm quyền đảm nhận sứ mệnh tổ chức phát triển để đạt khát vọng đó bằng tầm nhìn xa, rộng. Từ đó hoạch định thành những chiến lược lớn, khoa học, mạch lạc để toàn xã hội có thể dễ dàng nhận thức và tham gia.

Thứ ba là, một triết lý cốt lõi của chiến lược phát triển này cần được thấm nhuần và triển khai là: “Di sản quan trọng hơn tài sản”. Xã hội phồn vinh tạo ra và để lại những di sản, tự hào và được bạn bè tôn trọng vì di sản đó.

Và cuối cùng là, cộng đồng đó phải có được bản lĩnh chung để đương đầu với thử thách, biết chia sẻ yêu thương cùng nhân loại. Kết hợp hài hòa bản lĩnh dân tộc và thời đại.

Bài 2 - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh:  “Nhà nước đi cùng nhân dân”

- Khi phát triển đến phồn vinh thì xã hội đó sẽ hạnh phúc, thưa ông?

- Xét từ trong gia đình ra ngoài xã hội thì giàu có chưa hẳn đã hạnh phúc. Nhưng phồn vinh thì phải mang lại hạnh phúc cho cộng đồng và các cá nhân trong cộng đồng đó. Hạnh phúc của một xã hội phồn vinh cũng không giống cảm xúc hạnh phúc của cá nhân. Hạnh phúc trong xã hội phồn vinh thì tối thiểu những quyền tự nhiên, quyền cơ bản (ví dụ quyền được sống, quyền được nói tiếng nói, biểu kiến của mình) của mỗi cá nhân phải được bảo đảm mà ở đó con người được yêu thương và tôn trọng lẫn nhau; con người đều có khát vọng cống hiến cho xã hội. Con người trong xã hội phồn vinh sống có trách nhiệm với nhau và với cộng đồng. Xã hội đó có sự tự hào, tự tôn nhất định. Hiện có những quốc gia giàu mạnh nhưng vẫn chứa đầy bi kịch.

Có những quốc gia, đất rộng, người thưa, sống chậm, môi trường sinh thái rất tự nhiên, nguyên sơ. Họ thấy bình yên nhưng của cải, tiện nghi và tri thức, sáng tạo không đạt mức phồn vinh. Về phổ quát thì phồn vinh là một phần không thể thiếu, là cốt lõi và nền tảng hạnh phúc của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

- Thưa ông, nếu xét theo những khái niệm, nội hàm trên thì hình thái phồn vinh, hạnh phúc của chúng ta đang phấn đấu sẽ như thế nào?

- Tôi nghĩ là khi nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII rất dễ để có thể thấy Đảng và Nhà nước đang định hướng phát triển đất nước theo những nội hàm này. Nếu vào năm 2045, thu nhập đạt ở mức cao, môi trường được bảo vệ, tính dân chủ trong xã hội được phát huy; nền văn hoá, phẩm chất con người Việt Nam được bồi dưỡng, khơi dậy; nhà nước pháp quyền, pháp luật được thực thi theo đúng nghĩa và nghiêm minh… thì xã hội chúng ta khi đó đạt đến sự phồn vinh, hạnh phúc.

Cũng cần lưu ý là đang nghèo phấn đấu thành giàu đã khó, nhưng từ giàu đến hạnh phúc, theo tôi còn khó hơn nhiều.

- Như vậy, chúng ta lúc đó có tương đồng với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như hiện nay?

- Tôi không thích so sánh, nhưng theo tôi thì không hẳn như vậy. Không nên đi theo một hình mẫu cụ thể nào, mà quan trọng là phải xây dựng được một hệ giá trị riêng.

Sự giàu có có thể dễ dàng xác định theo tiêu chí chung, nhưng hạnh phúc của một xã hội, một cộng đồng thì vừa có những tiêu chuẩn quốc tế chung đồng thời còn những yếu tố đặc thù của mỗi dân tộc, quốc gia riêng. Điều đó phụ thuộc vào các yếu tố xã hội, văn hóa, truyền thống, lịch sử riêng của dân tộc, quốc gia đó. Và đặc biệt là sự phù hợp với thời điểm lịch sử của mỗi dân tộc.

Bài 2 - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh:  “Nhà nước đi cùng nhân dân”

- Xin ông nói rõ hơn về hai yếu tố bản sắc và thời điểm lịch sử?

- Mỗi cộng đồng cư dân, qua quá trình lịch sử phát triển thì hình thành những quan niệm, triết lý sinh tồn dựa trên địa lý, thời tiết, thổ nhưỡng, phương thức lao động, sản xuất; sự tương tác với thế giới bên ngoài (ví dụ như quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ hay hợp tác thương mại).

Từ đó, cộng đồng ấy dân tộc ấy tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống riêng của mình. Bản sắc dân tộc chỉ sắc thái, vẻ đẹp và tính chất đặc biệt, cái riêng để phân biệt với dân tộc, quốc gia khác trên thế giới, là những đặc trưng không thể trộn lẫn. Người ta nói mất tiền là chưa mất gì, nhưng mất bản sắc là mất tất cả. Ý là chúng ta phải xây dựng những mục tiêu phát triển dựa trên những giá trị chung và nhất là các giá trị riêng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra các mục tiêu phát triển dài hạn là dựa trên các yếu tố về tiêu chuẩn chung của thế giới đồng thời tính đến bản sắc văn hóa Việt Nam.

Về thời điểm, chúng ta cần xây dựng những giá trị mở và có tính tương đối. Không thể xem sự phồn vinh, hạnh phúc lúc này giống như hạnh phúc, phồn vinh của 30, 50 năm sau! Nhưng quá khứ và lịch sử chỉ có một lần không làm lại được. Cơ hội thì rất hiếm hoi vì thế đặt mục tiêu, tận dụng cơ hội là điều mà ta phải tính toán, suy nghĩ cẩn trọng.

- Theo ông, để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc, chúng ta nên bắt đầu như thế nào?

- Khát vọng phồn vinh, hạnh phúc thì dân tộc, quốc gia nào cũng có. Chỉ khác ở chỗ người ta đặt mục tiêu và cách làm thế nào để đạt được mục tiêu đó mà thôi. Hãy bắt đầu bằng sự đồng thuận xã hội về mục tiêu, khát vọng, về quan điểm và cách thức xây dựng (nói cách khác là một triết lý phát triển) xã hội tương lai. Vì xét cho cùng, ý tưởng là của một, hay một nhóm người nhưng hoàn thiện và thực hiện thành công ý tưởng phải là nhân dân. Với chúng ta, tinh thần phấn đấu cho sự ấm no, hạnh phúc cũng có từ lâu.

Nay Đảng, Nhà nước mong muốn điều đó trở thành khát vọng chung, lớn mạnh đến mức trở thành động lực, năng lượng bao trùm, thấm nhuần, thôi thúc, dẫn dắt toàn xã hội. Chúng ta cần xác định dựa vào 3 động lực chính để khơi dậy và thực hiện khát vọng này.

- Xin ông cho biết 3 động lực này là gì?

- Thứ nhất là cần khơi dậy ý chí vượt lên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở cả trong và ngoài nước. Thời nhà Trần đã có hào khí Đông A. Cách mạng Tháng Tám có được khát vọng, ý chí cháy bỏng là độc lập dân tộc. Kháng chiến chống Mỹ là khát vọng; xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước… Ngày nay chúng ta phải gọi được tên của khát vọng, ý chí cho phồn vinh, hạnh phúc là gì?

Thứ hai là, bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa, sự đoàn kết dân tộc. Nước mình có sự giàu đẹp, phong phú của văn hóa ngàn năm của 54 dân tộc anh em có tinh thần hòa hợp, bao dung, nhân văn, bác ái; những sản phẩm vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh giàu sức hấp dẫn bạn bè năm châu, dễ tạo sự mến phục, thân thiện, nhu cầu thưởng thức, khám phá, hợp tác.

Động lực thứ ba là sức sáng tạo của nhân dân. Nhân dân ta có phẩm chất sáng tạo. Trong sản xuất, chống thiên tai, trong chiến tranh, trong khoa học kỹ thuật. Trong đó cần thu hút và bảo vệ giới tinh hoa của dân tộc mà theo Nguyễn Trãi thì “hào kiệt đời nào cũng có”. Chúng ta cũng không có những lâu đài, cung điện nguy nga, nhưng lại có niềm kiêu hãnh, tinh thần tự tôn rất cao. Nhưng không được biến nó thành sự tự cao, tự phụ và tính ích kỷ hẹp hòi.

Người lãnh đạo phải là tấm gương cho cộng đồng, nhân dân học tập.

- Từ ba động lực cơ bản này, chúng ta nên định hướng thế nào, thưa ông?

Đầu tiên, chúng ta cần hình thành những triết lý phát triển cơ bản và xây dựng sự đồng thuận xã hội. Sức mạnh lớn nhất ở đây là tập hợp được năng lượng thông qua hợp tác cộng đồng và hạn chế sự thiếu lòng tin vào “đồng đội”. Tiếp theo là cần coi trọng giới tinh hoa. Điều này chúng ta nói nhiều rồi nhưng phải chuyển thành chủ trương, chính sách và các hành động thực tế mạnh mẽ, thực chất.

Định hướng thứ ba là “Khai sáng rộng khắp” ý tôi lấy từ bài học của các bạn Nhật Bản tức là phải tập trung thật lớn để phát triển giáo dục. Trong nghề nông nghiệp của chúng tôi mất mùa một vụ thì vụ sau bù lại, còn mất mùa giáo dục thì cả một thế hệ sẽ trôi qua vô ích.

- Xin ông cho biết về phương thức triển khai các định hướng, triết lý này?

- Chúng ta cần hoàn thiện một thể chế có mục tiêu chủ đạo hướng đến sự phồn vinh và hạnh phúc xã hội. Đầu tiên là thể chế đó đảm bảo tốt quyền tự nhiên, quyền cơ bản và hạnh phúc của con người. Phải giảm dần và tiến đến loại bỏ các thể chế, chính sách có tính cưỡng đoạt (extractive) và tăng cường thể chế mang tính hài hòa, dung nạp (inclusive).

Thứ hai là thể chế đó xây dựng được nền kinh tế công lợi, kinh tế đạo đức. Nghĩa là phát triển kinh tế nhưng không coi nhẹ lợi ích công cộng, phúc lợi xã hội. Đồng thời kinh tế phải chịu sự kiểm soát và song hành phát triển đạo đức, văn hóa xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đây đã từng nói “thể chế, thể chế và thể chế”. Cần phải cải cách và cải cách triệt để thể chế.

Bài 2 - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh:  “Nhà nước đi cùng nhân dân”

- Theo ông, cần làm gì tốt nhất để có sự đồng thuận này?

- “Trao quyền” cho nhân dân, bao gồm cả quyền quyết định và hành động. Tôi không thích lắm cụm từ “người dân theo Đảng” mà Đảng với dân phải là một, thậm chí, Đảng phải lãnh đạo theo ý nguyện của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối thể hiện ở Hiến pháp và các văn kiện phát triển đất nước về xây dựng xã hội của dân, do dân, vì dân rồi nhưng chúng ta cần hiện thực hóa mạnh mẽ, khoa học, mạch lạc, thực chất, triệt để hơn.

Có nhiều việc cần làm nhưng cần chú trọng hơn cả là sự trao quyền cho nhân dân. Chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở là đơn vị trực tiếp tương tác với nhân dân thì cần đại diện cho quyền lợi, tiếng nói, vai trò của nhân dân. Không nên và không được biến chính quyền cấp dưới thành nhân viên của chính quyền cấp trên, chỉ biết nghe lời, làm vừa lòng cấp trên tránh bị trách phạt. Mô hình này sẽ khiến cho tiếng nói của nhân dân đủ trọng lượng, chất lượng và được chuyển tải trung thực, kịp thời đến lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Tóm lại, cộng đồng xã hội nào cũng có thể phát triển phồn vinh và hạnh phúc nếu họ thực sự được trao quyền thực hiện điều đó một cách thực chất, toàn diện.

Bài 2 - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh:  “Nhà nước đi cùng nhân dân”

- Vậy muốn một xã hội bình thường tiến lên phồn vinh, hạnh phúc có cần một danh nhân, lãnh tụ thiên tài dẫn dắt để khởi phát và vùng dậy, thưa ông?

- Ý tôi muốn nói đừng nóng vội, hãy tư duy lại trong mọi lĩnh vực, khía cạnh của sự phát triển, quan trọng hơn là xây dựng các nền tảng, đặc biệt là thể chế và chính sách. Cũng không nên quá kỳ vọng vào sự xuất hiện của một “vĩ nhân hay anh hùng” nào đó để “gánh vác” trọng trách đưa xã hội tiến đến phồn vinh hạnh phúc (như một vài nhân vật được ca tụng trên thế giới).

Cần phải coi đó là sự nghiệp của nhân dân. Đảng viên, những người lãnh đạo đất nước là những tấm gương đồng hành và có nhiệm vụ khơi dậy cảm hứng xã hội, niềm kiêu hãnh dân tộc để cùng nhau xây dựng và thực hiện thành công mục tiêu cho một đất nước, dân tộc phồn vinh và hạnh phúc. Nhà nước đi cùng nhân dân thì đường đi mới xa, mới bền.

Xin cảm ơn ông!

Bài 2 - Ông Lê Đức Thịnh:  “Nhà nước đi cùng nhân dân”

Nội dung: Trâm Anh

Đồ họa: Tào Đạt

Bài 5 - Hãy gọi vang tên nước Bài 5 - Hãy gọi vang tên nước
Quốc hiệu Việt Nam, tên nước chúng ta gắn liền với tiêu ngữ Độc lập- Tự do- Hạnh phúc. Tiêu ngữ thể hiện hệ giá trị, mục tiêu tối cao và trường tồn của toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. Đây là con đường, là động lực, là cơ sở căn bản nhất để đưa đất nước ta đến phồn vinh, hạnh phúc.
Bài 4 - Tiến sĩ Vũ Minh Khương: Cần tiếng loa vang vọng gọi nhân tài Bài 4 - Tiến sĩ Vũ Minh Khương: Cần tiếng loa vang vọng gọi nhân tài
Để có khát vọng cải cách đất nước thì trước tiên Nhà nước phải thể hiện khát vọng ấy của mình. Đó phải là một hoài bão to lớn, một ý chí sắt đá, một lựa chọn duy nhất để sinh tồn… Cảm hứng và quyết tâm đó được truyền đến dân chúng như tiếng loa của nhà vua trong truyền thuyết Thánh Gióng để kêu gọi muôn dân quên mình phò vua giúp nước… Đó là tinh thần chính trong bài trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Vũ Minh Khương với Thời Đại.
Bài 3 - Kinh tế thị trường là yếu tố quyết định Bài 3 - Kinh tế thị trường là yếu tố quyết định
Kinh tế thị trường không chỉ là phương thức tổ chức nền kinh tế hiệu quả nhất hiện nay mà nó còn là động lực, nhân tố quyết định về hình thái, cấu trúc phát triển văn hóa, xã hội, chính trị… của loài người. Khi nhận thức đúng và điều tiết hợp lý, thì sự vận hành của nó sẽ tạo nên: tính đoàn kết, hợp tác; kích thích sáng tạo, tự do tư tưởng; trách nhiệm cộng đồng; phân phối lợi ích minh bạch, hợp lý… Nếu xây dựng được nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc thì phồn vinh, hạnh phúc sẽ đến.
Bài 1 - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Thời khắc chín muồi của lịch sử Bài 1 - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Thời khắc chín muồi của lịch sử
Trong quá trình phát triển, dân tộc ta tạo nên nhiều giá trị đáng trân trọng nhưng chúng ta chưa bao giờ phồn vinh. Hạnh phúc chỉ đến trong từng thời điểm và thường phải trả giá với nhiều đau thương, mất mát. Nhưng hôm nay là thời điểm chúng ta hội tụ đủ các điều kiện để vươn tới phồn vinh, hạnh phúc. Đây là thời khắc đặc biệt nhất của lịch sử dân tộc.

Trâm Anh

Tin bài liên quan

Bài 3 - Kinh tế thị trường là yếu tố quyết định

Bài 3 - Kinh tế thị trường là yếu tố quyết định

Kinh tế thị trường không chỉ là phương thức tổ chức nền kinh tế hiệu quả nhất hiện nay mà nó còn là động lực, nhân tố quyết định về hình thái, cấu trúc phát triển văn hóa, xã hội, chính trị… của loài người. Khi nhận thức đúng và điều tiết hợp lý, thì sự vận hành của nó sẽ tạo nên: tính đoàn kết, hợp tác; kích thích sáng tạo, tự do tư tưởng; trách nhiệm cộng đồng; phân phối lợi ích minh bạch, hợp lý… Nếu xây dựng được nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc thì phồn vinh, hạnh phúc sẽ đến.
Bài 1 - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Thời khắc chín muồi của lịch sử

Bài 1 - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Thời khắc chín muồi của lịch sử

Trong quá trình phát triển, dân tộc ta tạo nên nhiều giá trị đáng trân trọng nhưng chúng ta chưa bao giờ phồn vinh. Hạnh phúc chỉ đến trong từng thời điểm và thường phải trả giá với nhiều đau thương, mất mát. Nhưng hôm nay là thời điểm chúng ta hội tụ đủ các điều kiện để vươn tới phồn vinh, hạnh phúc. Đây là thời khắc đặc biệt nhất của lịch sử dân tộc.

Tin mới

Thêm 9 hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, cất bốc và quy tập trên đất nước bạn Lào

Thêm 9 hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, cất bốc và quy tập trên đất nước bạn Lào

Sau 21 ngày xuất quân thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào mùa khô 2024-2025. Đến nay, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm, cất bốc và quy tập được 9 hài cốt liệt sĩ và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào.
Girls Takeover 2024: Trao quyền cho trẻ em gái và nữ thanh niên trải nghiệm các vai trò lãnh đạo

Girls Takeover 2024: Trao quyền cho trẻ em gái và nữ thanh niên trải nghiệm các vai trò lãnh đạo

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, Đại sứ quán Thụy Điển và tổ chức Plan International Việt Nam tự hào tiếp nối chuỗi sự kiện "Trao quyền cho trẻ em gái – Girls Takeover 2024". Đây là một sáng kiến được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc trao quyền cho trẻ em gái và nữ thanh niên trải nghiệm các vai trò lãnh đạo.

Tin khác

Đưa đối ngoại nhân dân vào hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Đưa đối ngoại nhân dân vào hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Đồng Nai hiện xây dựng mối quan hệ đối tác với 60 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN). Trong số này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hợp tác và tranh thủ các nguồn tài trợ của 20 tổ chức PCPNN, hiệp hội nước ngoài, doanh nghiệp FDI, kiều bào để thực hiện hoạt động nhân đạo giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Phát huy trí tuệ của thanh niên trong ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu

Phát huy trí tuệ của thanh niên trong ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu

Sáng 9/10, tại Hà Nội, hơn 100 sinh viên đến từ các chuyên ngành khác nhau đã cùng nhau thảo luận về biến đổi khí hậu với chủ đề: “Sự tham gia của thanh niên trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam”.
Tăng cường hợp tác trong phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên biên giới

Tăng cường hợp tác trong phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên biên giới

Ngày 2/10, tại Hà Nội, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động hoạt động hợp tác nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến đầu về phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.
Đặc xá: khởi đầu mới cho những người từng lầm lỡ

Đặc xá: khởi đầu mới cho những người từng lầm lỡ

Sáng 1/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Đặc xá Trung ương đã tham dự và phát biểu tại Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 tại Trại giam Thanh Cẩm (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).
Phiên bản di động