Phồn vinh là sự giàu có vật chất, giàu có về văn hóa và năng lực sáng tạo. Hạnh phúc là sự thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tinh thần, vật chất đó. Hạnh phúc của một xã hội là đã đạt đến phồn vinh đồng thời có sự công bằng, bình an. Cộng đồng có chia sẻ, quan tâm, gắn bó lẫn nhau; có những giá trị, mục tiêu chung. Hạnh phúc của một cộng đồng chỉ có được khi các thành viên, về cơ bản đều có hạnh phúc. Sự giàu có về năng lực sáng tạo là tiêu chí cơ bản của phồn vinh đích thực. Sự giàu có và công bằng về cơ hội, về thụ hưởng là tiêu chí của hạnh phúc. Phồn vinh và hạnh phúc là những phạm trù có giá trị lịch sử. Tức là các tiêu chí nêu trên phải tương quan với nhu cầu, với tiêu chuẩn giá trị chung của cộng đồng bên trong và bên ngoài tại những giai đoạn phát triển lịch sử cụ thể. Ví dụ ở thời nguyên thủy, phong kiến, tư bản… nhu cầu vật chất của xã hội ở các mức, các mục tiêu khác nhau, định lượng, định tính của phồn vinh, hạnh phúc khác nhau. Khi xã hội đang trong tình trạng phổ biến là đói ăn, thiếu lương thực thì việc đủ lương thực, ăn no là nền tảng xác định sự phồn vinh. Câu “Thực túc – binh cường” hàm nghĩa như vậy. Khi đất nước bị ngoại bang xâm chiếm, bị phụ thuộc bên ngoài thì đòi được độc lập là hạnh phúc. Văn minh loài người tiến đến đâu thì tiêu chí hạnh phúc thay đổi đến đó. |
Ngày nay, khi thế giới phát triển trong môi trường toàn cầu hóa thì phồn vinh - hạnh phúc phải được xét theo tiêu chí, giá trị chung của nhân loại. Những tiêu chí này vốn có nền tảng từ sự phát triển kinh tế thị trường, do đó, chúng có nội dung tương tự nguyên lý của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường không đơn thuần chỉ để làm giàu cá nhân, hay như nó vẫn bị quy cho là yếu tố chủ yếu có tác dụng kích thích lòng tham cá nhân, mà có thuộc tính chủ yếu là tạo đua tranh, cạnh tranh, qua đó, hình thành động lực phát triển mạnh mẽ, kích thích sáng tạo của các chủ thể, cá nhân; thúc đẩy, hợp tác, vận hành cơ chế phân phối quyền và lợi ích hướng tới sự công bằng; ràng buộc trách nhiệm hành động và lòng tin xã hội. |
Khát vọng phồn vinh và hạnh phúc của một xã hội chỉ có được khi xã hội đó có tự do. Tự do theo khái niệm: có không gian hoạt động độc lập, có điều kiện thực hiện khát vọng, có niềm tin để mơ ước, để hoài bão. Con người có khát vọng, hoài bão sống thì mới nghĩ đến hạnh phúc phía trước, nghĩ rộng hơn khuôn khổ hiện tại thường là chật hẹp. Một người ở mãi trong nhà, trong làng, quanh quẩn trong khuôn khổ “ao nhà, thửa ruộng” thì khó có khát vọng và mục tiêu bay cao, tiến lên hay vươn ra biển cả. Lúc đó, mỗi cá nhân bị giam hãm trong không gian làng xã, tự cấp – tự túc, gia trưởng. Tù túng, chật hẹp đúng như lời than “ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn"… |
Với người Việt ta, tự do cá nhân – xã hội vốn gắn liền với tư duy, thói quen “ơn trời, ơn vua”. “Ơn trời mưa nắng phải thì”, “Trông cho chân cứng đá mềm. Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”, … Ơn trời đất, ơn thần linh, nhờ trời mà ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, bản chất là ơn các thế lực tự nhiên dưới hình thức siêu nhiên. Con người bé nhỏ, thiếu tự tin vào bản thân mình, tức là phụ thuộc vào những thế lực ngoài mình, trước tiên là “trời đất”. Đó là do năng lực hạn chế, yếu kém của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân. Cá nhân yếu kém nên phải phụ thuộc, lệ thuộc (xin nhấn mạnh – phụ thuộc, lệ thuộc chứ không phải là tương thuộc) vào cộng đồng, không thể thoát khỏi sự trói buộc cộng đồng để trở thành những cá thể độc lập và tự do. Cùng với đó là ơn vua, ơn quan trên, ơn tất tần tật, với tinh thần lệ thuộc. Và cả những phẩm chất nô lệ nữa. Biết ơn là phẩm chất nghĩa tình, thủy chung đáng quý của con người. Đó là nền tảng đạo đức để xây dựng một xã hội nhân văn. Nhưng khi biết ơn thái quá, để nó ngấm sâu và chi phối nếp nghĩ, lối sống, đến mức biến con người thành vật lệ thuộc, phụ thuộc về nhân cách, nó sẽ là lực cản ghê gớm nhất. Khi đó, con người giảm niềm tin vào bản thân, ít dám nghĩ dám làm; trông chờ vào sự ban ơn, lệ thuộc vào tự nhiên, vào ngoại cảnh quá nhiều. C. Mác gọi đó là “tha hóa”, là “mất nhân cách”. Con người đánh mất và bị tước mất một cách tự nhiên, đơn giản quyền dám mơ ước, dám hoài bão và cả quyền được suy nghĩ độc lập và sáng tạo. Thực chất kéo theo đó là đánh mất quyền tự do suy nghĩ và quyền hành động độc lập với tư cách là nguyên tắc tối thượng của đời sống của mỗi con người. Và khi đã lệ thuộc là mất tự do. Vì vậy chúng ta càng thấm thía ý nghĩa sâu xa lời Bác Hồ dạy: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Với dân tộc ta, vị thế địa chính trị tạo nên những đặc thù lịch sử, tạo nên yêu cầu về độc lập có tính thường xuyên, liên tục và tối quan trọng. Đó là điều kiện tiên quyết phải xác lập như là mục tiêu cơ bản đầu tiên phải đạt được. Tự do là tiền đề của hạnh phúc. Cả ba không thể tách rời nhau. Muốn có tự do cho con người, xã hội có nhiều cấu trúc khác nhau. Nhưng, thời đại nay, phương thức cốt lõi để có tự do (theo nghĩa rộng và theo nghĩa kinh tế học nêu trên) là phải dựa vào phát triển kinh tế thị trường, coi đây là phương thức chủ đạo để giải quyết vấn đề. Kinh tế thị trường thúc đẩy cạnh tranh, đua tranh giữa các cá nhân và chủ thể. Cơ chế cạnh tranh kích thích sự sáng tạo, qua đó, giúp nâng cao năng lực của các cá thể, tổ chức và cộng đồng. Có năng lực thì mới ít lệ thuộc, không lệ thuộc. Không lệ thuộc chính là cốt lõi của tự do, độc lập. |
Văn hóa muốn phát triển lên tầm văn minh mới, đời sống tinh thần muốn đạt ngưỡng mới thì cần tự do tư tưởng, tự do mơ ước, cần không gian sáng tạo, cần đua tranh và giao thoa, liên kết, hợp tác… Điều này giống như nền kinh tế trong mô hình kinh tế thị trường vậy. Và trong lúc này, chỉ có nền kinh tế thị trường mới khai phá, thúc đẩy được các yếu tố vừa nêu… Chúng ta đã có một quá trình lịch sử, văn hóa hình thành thói quen là tiếp nhận tri thức, lối nghĩ theo khuôn mẫu, mô phạm, thuộc lòng, thuộc bài, chấp nhận, để cuối cùng đẻ ra sản phẩm là những cá thể giáo điều, năng lực tư duy bị tê liệt. Tri thức, tư duy bị bó hẹp trong không gian văn hóa của làng, của thế hệ trước, của giáo điều… nên cá thể khó sáng tạo, cộng đồng kém giao thoa, ít học hỏi điều mới. Thời đại nay, kho tri thức nhân loại rộng mở chưa từng thấy nên tư duy cũ phải thay đổi để khai thác mới theo kịp nhân loại. |
Văn hóa là một trụ cột cấu thành xã hội loài người. Hạnh phúc với tính cách là thứ tài sản ngày càng phải được làm đầy lên cho các cá nhân qua mỗi thế hệ, luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển của văn hóa. Dân tộc ta có nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu giá trị nhân văn. Tuy nhiên, văn hóa là cây đời. Nó cần được nhận diện để chăm bón, xây dựng. Bên cạnh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh, tiếp nhận dinh dưỡng mới thì nó cần được lược bỏ những yếu tố, đặc tính không còn giá trị hoặc để phù hợp hơn với yêu cầu của đời sống. Trong bối cảnh hội nhập, kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và công nghệ phát triển mạnh thì vấn đề bảo vệ và làm giàu bản sắc văn hóa gắn với phát triển, tăng cường năng lực hội nhập để hội tụ tinh hoa văn hóa nhân loại là con đường duy nhất để bảo vệ hạnh phúc cá nhân cũng như dân tộc. Đối với vấn đề này, ở Việt Nam hiện nay, nó cần xét trên hai khía cạnh. Thứ nhất là: chúng ta có văn hóa làng xã, vùng miền rất đa dạng, bền vững. Sức mạnh này đã giúp con người cố kết để chống lại thiên tai, dịch bệnh, giặc dã; hợp tác làm ăn, sinh hoạt văn hóa, tinh thần… hàng ngàn năm qua. Con người gắn kết với nhau vì nó, tự hào vì nó. Dân cư đô thị có thể rất nhiều điều kiện sinh hoạt văn hóa, mật độ cư dân cao nhưng sự gắn bó, liên kết cộng đồng thấp hơn làng xã rất nhiều. Văn hóa làng xã, vùng miền tạo nên sức mạnh như "màu cờ sắc áo", bảo tồn, phát huy những giá trị đặc thù… Nhưng ở khía cạnh khác, nó dễ trở thành tư tưởng cục bộ, bảo thủ, phân tán, manh mún... Nó kiềm chế tính tiếp nhận văn hóa bên ngoài cũng như sự chuyển hóa để phù hợp với thời cuộc. Nó xây dựng tính đoàn kết nội bộ chặt chẽ nhưng lại dễ tạo thành lực cản cho công cuộc liên kết và hội nhập cộng đồng lớn. Yêu cầu của thời đại hội nhập, mở cửa và kinh tế thị trường là cần hợp tác, dung hòa với mọi quy mô, cấp độ khác nhau thì điểm yếu này phải khắc phục. Thứ hai là thế mạnh của văn hóa Việt Nam với tính nhân văn, hòa hiếu, độ lượng. Hiếm có dân tộc nào có lòng khoan dung và vị thế, kể cả với kẻ thù của mình, như người Việt. Có thể nói phẩm chất này đang tạo ra chúng ta một lợi thế phát triển hiếm có và mạnh mẽ vô song trong thời đại mở cửa, hội nhập toàn cầu. Với phẩm chất “bạn bè”, người Việt, dân tộc Việt dễ dàng tạo thiện cảm, dễ hấp dẫn bạn bè, có khả năng biến thù thành bạn, nhân lên nhiều lần sức mạnh của mình và của bạn trong hợp tác và phát triển. Hợp tác không chỉ tạo sản phẩm vật chất. Quan trọng hơn, nó còn giúp ta và bạn nâng cao năng lực, hội tụ sức mạnh từ khắp nơi về với ta. Ở Việt Nam, người miền Bắc có sự thủy chung, tinh tế và sâu sắc. Người dân phía Nam đậm chất nghĩa khí, chan hòa, thân thiện. Những điều đó đều là gốc của nhân nghĩa, không phải dân tộc nào cũng có những giá trị hấp dẫn như vậy. Cần khai thác những phẩm chất quý ấy để biến thành năng lượng phát triển. |
Một trong những tố chất quan trọng nhất của mỗi cộng đồng muốn phồn vinh, hạnh phúc trong thời đại toàn cầu, kinh tế thị trường chính là năng lực đoàn kết ở bên trong và liên kết, hợp tác với bên ngoài. Hai yếu tố này thực chất là một. Chỉ khác là ứng dụng ở các không gian khác nhau thì thể hiện khác nhau. Tôi cho rằng dân tộc ta không thực sự mạnh về tinh thần đoàn kết. Thực tế là chúng ta đã rất đoàn kết và dùng tinh thần đoàn kết ấy để chiến thắng nhiều kẻ thù hùng mạnh. Nhưng đó là đoàn kết đặc thù. Tức là chỉ đoàn kết khi “đất nước lâm nguy”, khi hoạn nạn, khi tất cả cùng bắt buộc phải chung một mục tiêu sinh tồn. Còn đoàn kết để làm ăn, để phát triển thì có lẽ chúng ta không thực sự mạnh, hay chí ít cũng chưa bộc lộ rõ. Bác Hồ nhấn rất mạnh về Đoàn kết, nhắc đến tận ba lần trong một mệnh đề về sức mạnh để chiến thắng (kẻ thù), để giành thắng lợi trong chiến tranh khi phải đương đầu với kẻ địch lớn và mạnh gấp bội. Bác nhắc nhiều và nhấn mạnh như vậy không chỉ để khẳng định giá trị vô địch của tinh thần đoàn kết mà trong đó còn có sự răn dạy, lo lắng về nguy cơ của lề thói cố hữu cục bộ, phân tán, cát cứ địa phương chủ nghĩa, vốn là đặc trưng của một xã hội tiểu nông manh mún, bị chia cắt trong phương thức sinh tồn. Xét ở mặt khác: dân ta giàu lòng nhân ái, bao dung, độ lượng. Dân ta rất thương nhau, hoạn nạn có nhau. "Bầu ơi thương lấy bí cùng", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương"… Nhưng thương nhau, thương người và đoàn kết, hợp tác là rất khác nhau. Thương nhau, thương người thường là khi thấy người khác hoạn nạn, khó khăn. Dân ta giàu lòng trắc ẩn, có thể sẻ chia, có thể hi sinh… Tình cảm ấy rất quý, hình thành nên một đức tính dân tộc. Đặc điểm của đức tính này là ngắn hạn, bột phát, gắn với các sự cố nhất thời. Nó ít khi có cấu trúc bền vững. Nhưng đoàn kết là khả năng tìm điểm chung, điểm mạnh của nhau để hợp tác cộng lại thành sức mạnh, đi với nhau lâu dài. Phải biết điều chỉnh lẫn nhau để tương thích. Phải biết điều chỉnh nhu cầu của mình để tham gia cuộc chơi chung, xây dựng sự nghiệp chung có tính quy mô và lâu dài. Sự tác hợp này đòi hỏi thành ý của các bên tham gia và có những điều khoản, cam kết chung… Sự không đoàn kết thể hiện ở tính cục bộ, địa phương chủ nghĩa là do khác biệt và xung đột lợi ích, bao hàm cả từ sự khác biệt văn hóa (do đó, lợi ích sống nhìn từ góc độ văn hóa). Nói như vậy có nghĩa là muốn có đại đoàn kết toàn dân tộc thì dân tộc ấy phải xây dựng được chân dung, biểu tượng, triết lý văn hóa chung của mình, thống nhất được những cấu trúc cục bộ khác biệt. Về việc này, chúng ta cần làm cả trong văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Trong lịch sử và văn hóa truyền thống của chúng ta, đã từng có và đang tiếp tục được nuôi dưỡng những biểu tượng văn hóa mang tầm quốc gia thống nhất như chuyện Con rồng, cháu tiên với bọc trăm trứng. Mọi người dân nước Việt đều là đồng bào. Chúng ta cần hiện thực hóa trong giáo dục, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học… về trăm trứng ấy là nguồn gốc của tất cả các dân tộc anh em cư trú trên dải đất, xứ sở Việt Nam này. Nội hàm của nó là gì? Đã thể hiện trong lịch sử và cần thể hiện trong hiện tại như thế nào? Mục tiêu của ta là cần xây dựng một không gian văn hóa đoàn kết dân tộc ở tầm vóc lớn, có giá trị lớn, bao trùm văn hóa vùng miền, giai tầng; bền vững và thuyết phục. Bác Hồ nói về tinh thần đoàn kết trong Đảng như con ngươi của đôi mắt người. Ta vận dụng vào thời đại hiện nay để hiểu: Đoàn kết dân tộc là để có con ngươi sáng soi chiếu trên con đường đi đến phồn vinh, hạnh phúc. |
Nội dung: Trâm Anh ghi Đồ họa: Tào Đạt
|
|