- Thưa ông, Việt Nam đặt quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Điều đó nghĩa là chúng ta kỳ vọng một tương lai như thế nào? - Xã hội được xem là phồn vinh là một xã hội đạt 3 tiêu chí có liên quan mật thiết với nhau. Thứ nhất là có mức sống và năng suất lao động cao. Nghĩa là con người có khả năng và điều kiện tạo ra những giá trị xứng đáng với gì mình được hưởng. Điều này có được là nhờ có sự phát triển về tri thức, kỹ năng và các điều kiện khuyến tạo, từ hạ tầng đến thượng tầng. Thứ hai là có chất lượng sống tốt: môi trường trong sạch, nhà ở thuận lợi văn hóa-giải trí phong phú, chất lượng giáo dục cao. Thứ ba, con người của xã hội đó có sự tự tin vào chính mình và lòng tin vào tương lai. Nghĩa là, trong xã hội đó con người không còn sự sợ hãi do những trói buộc vô hình về tinh thần và sự lo lắng về những bất ổn của cuộc sống. Trong xã hội đó, con người cảm thấy có tự do thực sự trong lao động sáng tạo. Tóm lại, có thể hiểu phồn vinh một cách ngắn gọn rằng, đó là xã hội giàu về vật chất, mạnh về năng lực sáng tạo, và tự tin vào khả năng duy trì và kiến tạo thịnh vượng trong tương lai. Hạnh phúc là khái niệm có tính độc lập nhất định với phồn vinh, đặc biệt trong chặng đường đi lên gian khó của một dân tộc. Nó có cội nguồn từ hy vọng về tương lai và ý thức sứ mệnh, lòng tin vào cộng đồng và nền tảng thể chế và cảm nhận về động thái phát triển. Một dân tộc có thể chưa có phồn vinh nhưng thấy hạnh phúc vì lớp lớp thế hệ đang dốc sức phấn đấu cho sự nghiệp đưa đất nước đi đến phồn vinh. Trong nội dung này, chúng ta cần tạo những điều kiện căn bản, dân chủ và nhân văn, để mỗi người cảm thấy mình đang sống có ý nghĩa cho cộng đồng, cho bản thân mình. Tới mức, nếu được sống quay lại quá khứ, người ta vẫn lựa chọn cuộc sống, cách sống này. Tức là con người đang được làm những điều mình khát khao có cội nguồn từ tâm khảm chứ không chỉ đơn thuần vì nhu cầu sinh tồn. Một xã hội dù chưa giàu vẫn có thể có hạnh phúc khi mọi người tin tưởng lẫn nhau và niềm tin vào công lý và thể chế quản lý. |
- Để kiến trúc một xã hội phồn vinh, hạnh phúc, cần có những yếu tố cơ bản nào, thưa ông? - Theo tôi có 4 nhóm vấn đề lớn. Đó là: Thị trường, Thể chế, Năng lực con người và Văn hóa. Thị trường tự do vận hành để khơi dậy sáng tạo học tập, nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh. Nó thúc đẩy con người dốc sức làm việc. Thể chế để hỗ trợ, bảo vệ cho Thị trường và con người có hoạt động thuận lợi nhưng đúng đắn, hướng tới lợi ích chung của xã hội. Giáo dục đào tạo trang bị cho con người kiến thức, kỹ năng, và khả năng nắm bắt cơ hội tạo nên thành quả. Văn hóa giúp con người có ý thức và tố chất có cội nguồn từ lịch sử gian khó của dân tộc. Nó khơi dậy phẩm chất hiến dâng, khát vọng dân tộc, nỗ lực gắn kết cộng đồng, và tình yêu thương đồng bào. Trong nghiên cứu nhiều năm của tôi, những đất nước đi đến phồn vinh-hạnh phúc từ nghèo khó đều có những người lãnh đạo biết khóc trước số phận dân tộc và cảm nhận về trọng trách đưa đất nước tiến lên là một trọng trách lịch sử, vô cùng lớn lao và khắc nghiệt, không thể dung thứ những toan tính vụ lợi, thấp kém, hẹp hòi. |
- Xét theo những tiêu chí, nội hàm nêu trên, chúng ta có thể tự tin về vấn đề gì và cần phải bổ sung, cải thiện ở lĩnh vực gì, thưa ông? - Vấn đề Thị trường và Năng lực con người chúng ta đã có những bước tiến tích cực. Thể chế cũng đã cải cách nhiều nhưng chưa có những bước tiến vượt bậc, xứng tầm với kỳ vọng của dân tộc. Về văn hóa thì còn yếu. Nhất là xét theo khía cạnh lòng tin và tính đoàn kết trong cộng đồng. 4 vấn đề nêu trên như 4 bánh của một cỗ xe. Phải nâng cấp mạnh mẽ và vận hành đồng bộ mới có thể nhanh chóng đưa nước ta tiến nhanh. |
- Theo ông, Việt Nam cần hành trang như thế nào trên con đường tiến tới phồn vinh, hạnh phúc? - Một công cuộc cải cách kỳ vĩ đòi hỏi 3 động lực then chốt. Động lực thứ nhất là cảm xúc và ý chí dân tộc. Nó là nguồn dũng khí giúp một dân tộc có được những quyết định quả cảm, phi thường và nguồn năng lượng vô tận giúp dân tộc tiến lên không mệt mỏi trong hành trình phát triển đầy khó khăn, thách thức phía trước. Về động lực này, Việt Nam chúng ta có sức mạnh rất lớn, có thể nói là vô song. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự trở thành động lực khi cả dân tộc trỗi dậy với khát vọng cháy bỏng, trước đây là độc lập-tự do nay là phồn vinh-hạnh phúc. Động lực thứ hai là nhận thức-khai sáng. Động lực này gắn với khả năng nhận thức sâu sắc về qui luật phát triển và xu thế thời đại. Nó giúp người lãnh đạo có tầm nhìn xa, khát vọng lớn, nghĩ sâu, xét rộng để xây dựng được những triết lý, chiến lược tổng thể, đồng thời bao quát được những bối cảnh, những biến số, những tương quan giữa các yếu tố trong quá trình phát triển. Động lực thứ ba là khả năng kiến tạo. Nó thể hiện các thiết kế thể chế khoa học và các sáng kiến chiến lược có hiệu lực cao. Động lực này giúp một dân tộc có động lực thứ nhất và thứ hai mạnh đi được rất nhanh và rất xa, tạo nên những kỳ tích phát triển mà thế giới ngưỡng mộ. Theo góc nhìn của tôi, Việt Nam trong hơn ba thập kỷ đổi mới vừa qua đã có những tiến bộ vượt bậc về động lực khai sáng và nhiều bước tiến quan trọng về động lực kiến tạo. Tuy vậy, hai động lực này mới ở mức trung bình khá và chưa đạt mức bùng nổ để tạo nên sức mạnh địa chấn và bước tiến lượng tử. Điều cần chú ý thêm là nếu các động lực Khai sáng và Kiến tạo không được khơi dậy mạnh mẽ, chúng sẽ trở nên trì trệ và làm động lực Xúc cảm – sức mạnh tiềm tàng lớn nhất của Việt Nam trở nên phản tác dụng. Khi đó, cho dù chúng khát khao vươn lên đến đâu cũng dễ mắc kẹt vào những điểm mù chiến lược, biến thuận lợi thành khó khăn, biến cơ hội thành thách thức, và luôn đổ thất bại cho khách quan. Khi đó, cả nền kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp sẽ tổn thương nặng nề hơn và sức vượt lên yếu dần sau mỗi khủng hoảng, thách thức lớn. |
- Như vậy, chúng ta có không ít tiềm năng nhưng việc khai phá, phát huy và nhận diện, khắc phục những điểm yếu còn nhiều việc phải làm. Nhưng nếu chỉ chọn một vấn đề xem như chìa khóa thì ông cho là gì? - Tất cả mọi sức mạnh dù là phát huy tiềm năng hay sửa mình để hoàn thiện thì đều nằm trong nhân dân, dân tộc. Khi nào sức mạnh đó được khơi dậy thì tự cộng đồng xã hội đó sẽ đảm nhận được sứ mệnh, giải quyết được nhiệm vụ của mình. Muốn như thế, sứ mệnh ấy phải được nhận diện, được gọi tên. Và quan trọng hơn tất cả là phải có một nguồn sinh lực đặc biệt thổi vào dân tộc. Nó thức tỉnh, nó thôi thúc, nó bừng sáng khắp bầu trời tinh thần của đất nước. Các nhà lãnh đạo cần có những quyết sách quả cảm có tính thông điệp, tạo nên sự cảm kích và sự thôi thúc có dấu ấn lịch sử. Nó thôi thúc cả dân tộc “trên dưới một lòng, muôn người như một” cùng dốc lòng dốc sức viết lên một trang mới hào hùng trong lịch sử dân tộc mà ngàn năm sau còn cảm kích, tự hào. Để làm nên kỳ tích phát triển trong ba thập kỷ tới, chúng ta cần biến khát vọng đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường vào năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm độc lập trở thành một động lực trỗi dậy của dân tộc. Nếu làm được điều đó, Việt Nam sẽ ghi vào lịch sử nhân loại một huyền thoại mà ít dân tộc có được. Đó là, chỉ trong vòng đúng 100 năm, 1945-2045, một thời gian ngắn ngủi so với lịch sử lâu dài của mình, dân tộc Việt Nam đã trải qua cả ba dạng thức bi hùng và kịch tính của sinh tồn và phát triển – “Đứng dậy”, “Thức dậy”, và “Trỗi dậy” – với những hy sinh và nỗ lực phi thường để đi đến mục tiêu cao cả mà đời đời trăn trở khao khát khao. Giai đoạn “Đứng dậy” (1945-1975) được đánh dấu bằng những mốc son lịch sử là chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh. Động lực lớn nhất của giai đoạn này là xúc cảm dân tộc. Giai đoạn “Thức dậy” với sự nghiệp đổi mới được phát động từ năm 1986, đã đưa đất nước thoát khỏi những trói buộc của tư duy giáo điều để nắm bắt quy luật phát triển và xu thế thời đại. Những thành quả ấn tượng mà đất nước đã đạt trong giai đoạn dựa trên nỗ lực xây dựng và phát huy bước đầu hai động lực “Khai sáng” và “Kiến tạo”. Những thành quả đã đạt được có vai trò nền móng và ý nghĩa quan trọng cho chặng đường kế tiếp “Trỗi dậy”. Giai đoạn trỗi dậy, mà chúng ta có thể dự cảm là sẽ rất hào hùng và mạnh mẽ trong 20-25 năm tới, được khởi đầu bằng những khó khăn khủng khiếp, đại dịch COVID-19 đang gây nên những hậu quả ghê gớm mà không ai có thể hình dung được trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, là cũng là một bước ngoặt lớn, đòi hỏi cả dân tộc phải chung sức dốc lòng cho sự nghiệp đổi thay. Đổi thay mạnh và sâu sắc hơn đổi mới vì nó khai thác tới mức cao nhất cả ba động lực căn bản của phát triển: Xúc cảm, Khai sáng và Kiến tạo. Bước vào kỷ nguyên này, chúng ta phải biến khát vọng dân tộc thành những quyết sách và cải cách thể chế, làm kinh ngạc thế giới về tầm nhìn và lòng quả cảm, sáng chói về trí tuệ và phi thường về khả năng phối thuộc thực thi. Quả thật, giờ đây, chúng ta đã mở được những trở ngại khó nhất trong hành trình phát triển và đang có những tiềm năng và cơ hội vô cùng lớn để đưa đất nước bước vào hàng đầu trong dòng chảy thời đại và làm nên những kỳ tích phát triển trong thế kỷ 21 này. |
- Sau “cánh cửa” được mở khóa ấy, chúng ta nên làm gì thưa ông? Như tôi nói ở trên, chúng ta cần phát huy tới mức cao nhất cả ba động lực cốt lõi của công cuộc phát triển -- Xúc cảm dân tộc, Khai sáng và Kiến tạo. Ta có thể tham khảo Nhật Bản thời Minh Trị, khi tiến hành cải cách, Vua Minh Trị đưa ra 5 lời tuyên thệ vào năm 1868 làm nền tảng cho công cuộc trỗi dậy làm cả thế giới kinh ngạc của Nhật Bản. Năm lời tuyên thệ đó nhấn mạnh: (i) Toàn dân được khuyến khích tham gia hoạch định chính sách; (ii) Mỗi người đều có trách nhiệm với sự nghiệp phát triển đất nước; (iii) Ai cũng có cơ hội theo đuổi hoài bão và khát vọng của mình; (iv) Quyết tâm sửa bỏ những hủ tục từ quá khứ để tuân theo quy luật khách quan; và (v) Truy tìm tri thức tinh hoa ở khắp nơi trên thế giới để xây dựng đất nước. Đáng chú ý là trong năm định hướng chiến lược từ lời thề của Vua Minh Trị thì ba điểm tập trung vào con người với trọng tâm về xúc cảm dân tộc và hai điểm sau vào nỗ lực khai sáng. Chính những hướng cải cách chiến lược này đã giúp tạo nên những nền tảng vững chắc để các nhà cải cách Minh Trị đưa ra những quyết sách kiến tạo đột phá, giúp dân tộc Nhật Bản không chỉ tránh được cảnh nô lệ lầm than mà nhiều dân tộc Châu Á rơi vào trong thế kỷ 19, mà còn nhanh chóng trở thành một cường quốc. |
- Ông chia sẻ gì về vấn đề người tài của chúng ta? - Theo tôi, có hai câu hỏi lớn là: Làm sao để tìm ra nhân tài? Và Phát huy nhân tài như thế nào? Trả lời câu hỏi thứ nhất là: Nhà nước phải có thông điệp về cầu hiền tài. Thông điệp phải biến thành hành động thông qua thể chế và thực tiễn thể hiện quyết tâm, sự nhất quán. Trả lời câu thứ hai là: thể chế phải tạo môi trường thuận lợi sản sinh người tài đức và điều kiện để họ cống hiến. Trong truyền thuyết Thánh Gióng của Việt Nam, khi nước nhà có giặc xâm lăng, nhà vua đã phái sứ giả cầm loa đi khắp thôn cùng ngõ hẻm kêu gọi người giúp nước. Triều đình đã chọn một em bé chưa biết nói, chưa biết đi để trao trọng trách. Thông điệp là: không câu nệ bất cứ yếu tố nào ngoài đức tài và tâm huyết. Không cần phải là quan lại, vương tôn, quý tộc hay thành tích, danh tiếng… Xét hiện thực hôm nay qua chuyện bóng đá của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Khi ta dám dùng huấn luyện viên không cần các yếu tố quy hoạch, thâm niên, “xếp hàng” hay gì khác mà chỉ cần làm tốt như ông Park Hang Seo thì ta có thành tích cao. Ta tạo không gian làm việc trong sáng, khoa học, không tiêu cực, không cục bộ… cho họ. Đồng thời, cơ chế phải gắn vai trò, vị trí với trách nhiệm một cách minh bạch thì sẽ có môi trường để cống hiến hết mình. Hiện cán bộ của chúng ta, nhiều người có kiến thức, tài năng nhưng khi bắt đầu có trọng trách thì tập trung lo cho gia đình, bản thân. Thành quả sẽ hạn chế và quan trọng hơn là không tạo được cảm xúc cho đồng nghiệp, cấp dưới. Họ chưa trở thành tấm gương cho đồng nghiệp và xã hội nên hiệu ứng lan tỏa của người lãnh đạo không cao. Cơ chế bổ nhiệm và đánh giá hiện này làm người lãnh đạo có ưu tiên hàng đầu cho việc giữ ghế, lên chức, hay tích lũy tài sản, hơn là để lại di sản cho hậu thế. Người tài trong lãnh đạo là phải biết tổ chức bộ máy luôn sản sinh ra người tài, người phù hợp nhất với nhiệm vụ, với thời điểm lịch sử đó. Môi trường cho người tài đức là một thể chế, mà ở đó, người yếu thế được yên tâm, kẻ xấu không gây ảnh hưởng được tới xã hội. Dùng người là thông điệp của thể chế. Thông điệp đó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên niềm tin cho xã hội và đối tác. Phần trên tôi đã nêu: niềm tin trong xã hội là một trong các yếu tố cấu thành nền văn hóa mà văn hóa là một trong bốn trụ cột để cấu trúc cho xã hội phồn vinh. |
- Theo ông, làm thế nào để Việt Nam ta có hào khí làm bừng lên khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc? - Cần nhiều nguyên tố để tạo nên hào khí này. Trước tiên là sự thể hiện khát vọng của bộ máy lãnh đạo đất nước. Khi giặc đến cướp nước, giang sơn bị đặt vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Trong lựa chọn sinh tồn, triều đình đã cho người cầm loa kêu gọi muôn dân giúp nước. Khi triều đình thực sự khát vọng và cầu thị thì dân chúng cũng đồng lòng góp gạo, góp sắt để nuôi anh hùng, đúc ngựa, mũ, giáp, gậy sắt cho Thánh Gióng. Khi nhà Trần đối mặt với Nguyên Mông thì hội nghị Diên Hồng, Hịch Tướng sĩ ra đời. Nguồn cảm hứng, ngọn cờ ấy là khởi phát sự chuyển mình của toàn dân tộc. Lúc đó mới có thể có kỳ tích. Tôi mong chờ lời kêu gọi từ lãnh đạo đất nước “Hãy làm ơn giúp nước!” vang vọng nay mai để khát vọng này được khơi dậy, được thi hành. |
- Xin cảm ơn ông! |
Nội dung: Trâm Anh Đồ họa: Tào Đạt - Bình An |
|