Bác Hồ trong trái tim kiều bào
Kỷ niệm 129 năm sinh nhật Bác Hồ tại Mông Cổ Sôi nổi "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại Cố đô Huế Bác Hồ - Một hình mẫu văn hóa Tết hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc |
Bác Hồ với kiều bào Thái Lan. Ảnh tư liệu |
Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan dù bận rộn thế nào cũng đều sắp xếp thời gian đến Nhà tưởng niệm - nơi có bàn thờ Bác Hồ (tại bản Na Chọc, tỉnh Na Khon Pha Nom, Thái Lan, để thắp hương tưởng nhớ Bác.
Ông Vũ Khắc Lộc, kiều bào Thái Lan, tự hào kể: “Bà con người Việt ở làng Na Choọc (tỉnh Nakhon Phanom) tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác lớn lắm. Mọi người cùng đến dâng hương tại tượng đài Hồ Chí Minh, nghe kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và xem những tấm hình còn lưu lại”.
Làng Na Choọc là nơi Bác từng sống và hoạt động cách mạng thời kỳ 1928 – 1929 với bí danh Thầu Chín. Thời gian đó, Người nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống với kiều bào, thức tỉnh, đoàn kết bà con, đồng thời xây dựng tổ chức, cơ sở trong kiều bào, thắp sáng trong lòng bà con Việt kiều ngọn lửa yêu nước, một lòng một dạ quyết tâm giành lại độc lập tự do cho nước nhà. Cái tên Thầu Chín với hình ảnh thanh tao, tinh tế, giản dị, gần gũi đã đi vào tâm khảm và lưu truyền mãi trong các thế hệ kiều bào ta tại Thái Lan.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi khắp năm châu bốn biển. Ngay từ những năm đầu trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã thường xuyên liên lạc với người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài để tìm hiểu và nắm tình hình chung. Trong những năm 1918 - 1923, tại Pháp, Người đã hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
Ðể giáo dục tinh thần yêu nước cho đồng bào mình trên đất Pháp và để tuyên truyền, cổ động về trong nước, Người đã vận động Hội những người Việt Nam yêu nước ra báo Việt Nam hồn và viết một bài văn vần, in thành truyền đơn, cổ động việc ra báo và kêu gọi mọi người tham gia mua báo. Thông qua những hoạt động sôi nổi và tích cực của mình, Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ, cuốn hút kiều bào tham gia phong trào của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, từng bước đưa Hội những người Việt Nam yêu nước trở thành một đoàn thể của Hội Liên hiệp thuộc địa.
Lễ kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Montreau, Pháp. Ảnh: Báo Nhân dân |
Ông Hình Thại Thanh, hiện sống tại Paris, cho biết, mỗi dịp sinh nhật Bác, bà con kiều bào lại đến bảo tàng Montreuil, thuộc tỉnh Seine Saint Denis, phía Đông Paris, dâng hương dưới tượng đài Người. Nơi đây có một khu trưng bày mang tên Không gian Hồ Chí Minh, lưu giữ những kỷ vật của Bác trong thời gian sống và làm việc tại số 9, ngõ Compoint, thời kỳ 1921 - 1923. Theo ông Thanh, Hội Người Việt Nam tại đây có tổ chức dạy tiếng Việt cho con em, trong đó có dạy về Bác và lịch sử Việt Nam. Cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật, thanh thiếu niên người Việt lại đến học tiếng và tìm hiểu về các thời kỳ lịch sử, văn hóa của đất nước.
Còn đối với Tiến sĩ sử học Thu Trang, một kiều bào Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu nay đã là nguồn đề tài bất tận để bà viết sách giới thiệu với bạn đọc Việt, rồi cũng tự mình viết lại bằng tiếng Pháp để xuất bản tại Pháp. “Tôi cũng như bao kiều bào tại Pháp hướng về đất nước, hướng về Tổ quốc, tự hỏi mình đã cống hiến được gì cho đất nước. Tôi có hân hạnh được viết những cuốn sách về Bác. Đối với tôi, những cuốn sách này là một điều tôi tự nhủ mình đã có những công trình lưu lại để cho thế hệ mai sau biết về các vị tiền bối đã ra đi như thế nào tìm nền độc lập tự do cho Tổ quốc”, bà Thu Trang chia sẻ.
Sự quan tâm của Bác với kiều bào không chỉ thể hiện ở những định hướng lớn của Người về việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào những ngày đầu cách mạng mà cả trong những công việc cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Triển lãm ảnh về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ai Cập thu hút người tham gia. Ảnh: VOV |
Bác Hồ luôn dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe và cuộc sống của kiều bào. Bác đã sáng tạo nên tục lệ mới như năm nào cũng có thư và thơ chúc Tết đồng bào, bắt đầu từ năm 1946, Tết Bính Tuất - khi Bác là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong thư chúc Tết kiều bào, Bác đã đánh giá rất cao tấm lòng của kiều bào tuy ở nơi đất khách, quê người nhưng vẫn yêu mến cố hương, luôn hướng về Tổ quốc. Bác khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.
Ðặc biệt, trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên kiều bào. Cùng với những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận với đại diện Chính phủ Pháp về việc binh sĩ Việt Nam ở Pháp muốn trở về Tổ quốc, đã có gần 30 cuộc gặp, trao đổi công việc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu các giới kiều bào.
Trong các cuộc gặp ấy, Người cảm ơn và đánh giá cao việc kiều bào đã ủng hộ Chính phủ, quyên tiền và thuốc men gửi về giúp Tổ quốc, tạo sự quý mến và cảm tình của nhân dân Pháp đối với nước Việt Nam ta.
Kết thúc chuyến thăm nước Pháp, chia tay kiều bào về nước, trước khi tàu chuyển bánh, Người giơ tay vẫy chào, như muốn nói với kiều bào: "Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào". Cùng về với Người trong chuyến đi này có một số kiều bào toại nguyện ước mong được trở về Tổ quốc để trực tiếp góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, như: Giáo sư Viện sĩ Trần Ðại Nghĩa, Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước...
Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ dâng hoa kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác. Ảnh: ĐSQ |
Trong những năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn "nhớ đến kiều bào ở hải ngoại đã ra sức hy sinh phấn đấu, dù cực khổ bao nhiêu cũng một lòng trung thành với Tổ quốc". Người thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi và động viên kiều bào ở nước ngoài phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau, thi đua học hỏi và giúp nhau tiến bộ, luôn một lòng ủng hộ Tổ quốc, đồng thời mở rộng tình thân thiện giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới...
Tư tưởng của Bác, câu nói của Bác với bà con kiều bào khơi dậy trong lòng mọi người một niềm tin mãnh liệt về Tổ quốc ta sẽ tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Đối với kiều bào Việt Nam, dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, mọi người vẫn luôn hướng về Tổ quốc, mong được trở về góp phần tham gia xây dựng đất nước.
Không chỉ ở Thái Lan, ông Lê Cảnh Sắc, hiện sống tại Lào, hào hứng kể, người Việt ở làng Siêng Phan, tỉnh Khăm Muộn cũng tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác lớn không kém. Cứ đến ngày 19-5, bà con lại tụ họp, cùng nhau tham dự lễ dâng hương, tưởng nhớ Người. Sau đó, mọi người cùng hát những bài ca về Bác, về cách mạng Việt Nam, về một thời kỳ gian lao nhưng đầy hào hùng của dân tộc.
Bên cạnh đó, Hội Người Việt Nam tại Lào cũng tổ chức nhiều chương trình cho các em học sinh như học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào thi đua kỷ niệm sinh nhật Bác, kỷ niệm Quốc khánh 2-9...
Kỷ niệm 129 năm sinh nhật Bác Hồ tại Mông Cổ Sáng 17/5, Đại sứ Đoàn Thị Hương và toàn thể cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ (ĐSQ) đã đến dâng hoa ... |
Nhà văn Ai Cập xuất bản sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam Trong cuốn sách “55 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ai Cập”, nhà văn Ai Cập Refat Khaled dành một chương lớn viết ... |
Hội hữu nghị Pháp - Việt sẽ xuất bản tuyển tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh TĐO - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra bản yêu sách của người dân An Nam trước Hội ... |