Ba nữ sinh Việt thắng giải Earth Prize 2022 của Thụy Sĩ
Nhóm Adorbsies gồm ba thành viên (từ trái qua), Lương Anh Khánh Huyền, Bùi Tú Uyên và Trần Quỳnh Anh (Ảnh: TG&VN) |
Thông tin từ Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết, ba nữ sinh gồm Trần Quỳnh Anh (15 tuổi, TP HCM), Bùi Tú Uyên (17 tuổi, Hà Nội) và Lương Anh Khánh Huyền (16 tuổi, Hà Nội) đã giành giải cao nhất của cuộc thi Earth Prize 2022.
Ba cô gái đã vượt qua 650 đội thi thuộc 516 trường học từ 114 quốc gia và vùng lãnh thổ để giành chiến thắng chung cuộc.
Được phát động bởi Quỹ Trái đất vào tháng 9/2021, Giải thưởng Trái đất là cuộc thi toàn cầu về môi trường bền vững với giải thưởng trị giá 200.000 USD dành cho học sinh từ 13-19 tuổi, nhằm tìm ra dự án giải quyết các vấn đề môi trường có tiềm năng nhất.
Năm nay, học sinh từ 516 trường học ở 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đăng ký tham gia cuộc thi.
Từ tất cả các bài dự thi, Ban giám khảo Giải thưởng Trái đất gồm các chuyên gia nổi tiếng do Giám đốc Bền vững của Fidelity Investments Rina Kupferschmid-Rojas chủ trì đã chọn ra 10 đội hàng đầu lọt vào vòng chung kết của cuộc thi.
Các đội lọt vào chung kết Giải thưởng Trái đất 2022 bao gồm các học sinh xuất sắc đến từ Armenia, Canada, Jamaica, Kenya, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Anh và Việt Nam.
Vượt qua nhiều dự án, sản phẩm băng vệ sinh có thể phân hủy sinh học làm từ vỏ thanh long mang tên “Adorbsy” của nhóm Adorbsies gồm ba nữ sinh là Lương Anh Khánh Huyền (16 tuổi, Hà Nội), Bùi Tú Uyên (17 tuổi, Hà Nội) và Trần Quỳnh Anh (15 tuổi, thành phố Hồ Chí Minh) đã đạt được giải đặc biệt cuộc thi "Giải thưởng Trái đất 2022".
Vỏ thanh long là một nguồn nguyên liệu mới ít được sử dụng, đặc biệt là cho mục đính làm băng vệ sinh.
Khác với những nguyên liệu thường sử dụng khác, vỏ thanh long là phần thừa từ những nguồn sản xuất sản phẩm từ loại quả này. Do vậy, việc sử dụng vỏ thanh long thay thế cho những nguyên liệu thường có trong băng vệ sinh có lợi cho môi trường rất nhiều. Mặt khác, vì là nguyên liệu thừa nên vỏ thanh long không yêu cầu nhiều nhân công, thời gian và tiền bạc để trồng trọt.
Chia sẻ với TG&VN, ba nữ sinh cho biết, kinh nguyệt và băng vệ sinh vẫn còn là một vấn đề tế nhị ít được nhắc đến ở những nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cũng vì vậy, thị trường các nước châu Á hiện nay đang thiếu những sản phẩm băng vệ sinh thay thế, gây ảnh hướng lớn đối với môi trường.
Qua dự án, nhóm không chỉ muốn tạo ra một sản phẩm có thể lấp đầy khoảng trống này, mà còn mong sẽ khiến việc nói về kinh nguyệt, một thứ rất bình thường đối với phụ nữ, được “bình thường hoá".
Bên cạnh đó, nhóm cũng muốn lan tỏa thông điệp về đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường trong thế hệ trẻ. Hiện nay sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường đang ngày càng tăng và chúng em sẽ tiếp thêm động lực cho các bạn bằng chính những gì chúng em đang làm. Nếu một sản phẩm khiêm tốn của chúng em có thể chiến thắng được giải thưởng về môi trường danh giá nhất, thì tất cả mọi người đều có thể tạo ra những sự thay đổi lớn nhờ vào những bước tiến tưởng chừng như bé nhỏ.
“Cùng là học sinh, những bạn nữ tuổi teen, nhưng họ lại có thể tạo ra một sản phẩm thực tế với khởi đầu chỉ là một ý tưởng”. Nhóm mong các bạn cùng trang lứa sẽ nghĩ như vậy khi nghe về thành tựu nhỏ bé này của chúng em.
Qua đó, nhóm hy vọng sẽ thắp lên một ngọn lửa sáng tạo, tinh thần đổi mới vì một thế giới tốt hơn, một cuộc sống bền vững hơn trong các bạn trẻ để Việt Nam chúng ta sẽ có thêm những nhà sáng lập tạo ra những thay đổi lớn lao.