Áp lực thu hồi nợ thuế cuối năm
Ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trước tình hình nợ thuế có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, ngành thuế đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý nợ để giảm số nợ không quá 5% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Nhiều khoản không có khả năng thu hồi
Con số thống kê của Tổng cục Thuế đưa ra gần đây cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2017, tổng số tiền thuế nợ là 73.930 tỷ đồng. So với thời điểm 31/12/2016 giảm 293 tỷ đồng (-0,4%); so với thời điểm 31/8/2017 giảm 197 tỷ đồng (-0,3%).
Cục thuế Thái Nguyên nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN
Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu hồi chỉ có 27.648 tỷ đồng, bằng 37,4%, giảm 10% so với 31/12/2016. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, tiền chậm nộp 18.061 tỷ đồng, chiếm 24,4%, tăng 0,7% so với 31/12/2016.
Đáng lưu ý, tiền nợ thuế của người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, tự giải thể, phá sản, tự ngừng nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh là 28.221 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng số tiền nợ thuế, tăng 10,9% so với 31/12/2016.
Qua số liệu này cho thấy, cơ cấu tổng số nợ thuế chỉ có 37,4% là số thuế có khả năng thu hồi và đã giảm; số còn lại là 62,6% là khó và không có khả năng thu hồi, bao gồm cả tiền phạt, tiền chậm nộp chủ yếu là do kinh tế khó khăn nên người nộp thuế giải thể, phá sản, ngừng nghỉ kinh doanh.
Tính đến 31/10/2017, số người nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp không còn khả năng thu hồi, không còn đối tượng thu hồi là 718.383 đối tượng, trong đó: 209.436 doanh nghiệp và 508.947 hộ, cá nhân. “Đây là số đối tượng nộp thuế rất lớn, nhưng vẫn nằm trên sổ nợ thuế, vẫn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc” - Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Hiện có 13 địa phương có số nợ lớn hơn 5% tổng thu ngân sách do cục thuế quản lý. Cụ thể: Bình Dương; Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Khánh Hòa, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Quảng Ninh. Một số cục thuế có số nợ thuế lên đến trên 10% so với tổng thu nội địa do cục thuế quản lý, số nợ phát sinh mới (số liệu đến 30/9/2017 so với thời điểm 31/12/2016) có chiều hướng tăng lên.
Nguyên nhân nợ thuế tăng ở một số địa phương do tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản đã thế chấp ngân hàng, dẫn đến chưa nộp ngay và nộp kịp thời tiền thuế.
Kiểm tra chặt chẽ tiến độ thu nợ
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ đầu năm đến nay, mặc dù công tác kê khai, nộp thuế có nhiều chuyển biến tích cực nhưng số dư nợ thuế còn lớn.
"Chúng tôi đã giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế theo từng doanh nghiệp tới từng đồng chí lãnh đạo, từng phòng ban các cục, chi cục, thậm chí tới từng cá nhân cán bộ thuế. Thực hiện kiên quyết các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế, cưỡng chế thuế như thông báo, nhắn tin, đôn đốc trực tiếp, thành lập các đoàn liên ngành thực hiện thu hồi nợ đọng, cưỡng chế thuế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, thời gian qua, các biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ cũng gặp nhiều khó khăn. Đối tượng cưỡng chế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn tài sản, hay tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ quan thuế địa phương đối với công tác đôn đốc nợ chưa sát sao. Việc thực hiện cưỡng chế, công khai thông tin người nợ thuế; Việc thực hiên đôn đốc xử lý nợ và cưỡng chế nợ chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp, người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên. Một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh, còn nợ thuế; không làm thủ tục khai báo lại cho cơ quan thuế. Ngành thuế gửi thông báo nợ đến doanh nghiệp, người nộp thuế nhưng thường bị trả lại, gây khó khăn cho công tác quản lý, đôn đốc nộp thuế.
Nhiều khoản tiền thuế nợ không thể thu được nhưng cũng không thể xử lý xóa được do chưa có quy định xử lý nên cơ quan thuế các cấp vẫn phải tính tiền phạt chậm nộp, làm tăng số nợ đọng thuế lũy kế. Số tiền chậm nộp của nhóm nợ có khả năng thu cũng lớn (17.208 tỷ đồng) mà không thể thu được do doanh nghiệp, người nộp thuế chỉ thực hiện nộp khoản nợ gốc, chưa có ý thức để nộp khoản tiền chậm nộp.
Theo ông Phi Vân Tuấn, từ nay tới cuối năm, ngành thuế tiếp tục giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện thu nợ hàng ngày để đảm bảo việc thực hiện chỉ tiêu giảm nợ trong các tháng cuối năm 2017 và số tiền thuế nợ tối thiểu phải đạt được tại thời điểm 31/12/2017.
Trong đó, các cục thuế phải tổ chức theo dõi, đôn đốc thu sát với tình hình kê khai của người nộp thuế; thu theo sát số phát sinh, không để làm tăng nợ đến 90 ngày trong những tháng cuối năm 2017.
Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát, phân loại, đánh giá, để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xử lý khoản nợ đọng thuế không còn khả năng thu. “Nếu chúng ta xử lý được là một điều tốt, số nợ đọng trên sổ sách sẽ giảm đi”, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các cục thuế, tăng cường kiểm tra kiểm soát, đôn đốc thu nợ, tiếp tục rà soát phân loại nợ, theo dõi chặt chẽ các khoản nợ thuế, ban hành đầy đủ các thông báo. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Theo Báo Tin tức