An Giang: Khơi dậy tinh thần, giá trị văn hóa tốt đẹp các dân tộc thiểu số
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh An Giang: Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội lần này là sự kiện chính trị quan trọng, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS. Qua đó, khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS tỉnh trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Lê Sơn Hải - trao bằng khen của Bộ trưởng UBDT đến các tập thể và cá nhân. |
An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi và đường biên giới giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (thuộc Vương quốc Campuchia). Đây cũng là địa phương có 2 thành phố trực thuộc tỉnh, 1 thị xã và 8 huyện với 156 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 18/119 xã đặc biệt khó khăn; 38 xã thuộc khu vực vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt, An Giang có 18 xã biên giới. Ngoài dân tộc Kinh chiến đa số, An Giang còn có 28 DTTS; trong đó có 3 DTTS có dân số khá đông là Khmer, Chăm và Hoa. An Giang là tỉnh duy nhất tại khu vực Tây Nam bộ có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tập trung.
Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh, Trao Bằng khen của UBND tỉnh đến các cá nhân có thành tích xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, ở cơ sở và nông thôn giai đoạn 2014- 2019. |
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe đại diện các đơn vị, tổ chức, cá nhân là người DTTS tiêu biểu trình bày những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ghi nhận và biểu dương kết quả tỉnh đạt được trong 5 năm qua trong thực hiện chính sách dân tộc, ông Võ Anh Kiệt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh An Giang - cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và hạn chế như: Đời sống của đồng bào các DTTS tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguồn vốn còn hạn hẹp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế... Một số bộ phận người DTTS chưa nói được tiếng Việt, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp; phương thức sản xuất, tập quán canh tác của vùng đồng bào DTTS còn mang tính truyền thống, nhỏ lẻ…
ông Võ Anh Kiệt Phó Bí thư Thường trực ( bìa bên phải) trao bức Trướng do Tỉnh uỷ An Giang tặng đến Đại hội. |
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn, gương mẫu, sống có nghĩa tình, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bồi đắp đức tính cần cù, chịu khó; yêu cái tốt, ghét cái xấu; tự tin, hòa đồng giữa các dân tộc; chung sức, đồng lòng, cùng nhau phấn đấu vì sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Về thực hiện Quyết tâm thư của kỳ Đại hội tới, Thứ trưởng Lê Sơn Hải tin tưởng An Giang sẽ có những bước phát triển đột phát, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng vùng đồng bào DTTS giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Thứ trưởng Lê Sơn Hải cũng kỳ vọng An Giang tiếp tục làm tốt công tác dân tộc và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng quê hương, phum sóc ngày càng giàu đẹp, đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần III (2019 - 2024).
Tại Đại hội đã chọn cử 10 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020. 5 tập thể, 20 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 15 tập thể, 15 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, xây dựng Đảng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đời sống văn hóa mới ở cơ sở và nông thôn giai đoạn 2014- 2019.