Ấn Độ tham gia bảo tồn, khôi phục Phật viện Đồng Dương
Trước đó, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho ý kiến về hoạt động trùng tu và khôi phục di tích này.
Theo ông Subhash P.Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ, dự án bảo tồn và khôi phục Phật viện Đồng Dương đã được nhất trí triển khai trong Tuyên bố chung do Thủ tướng Ấn Độ và Việt Nam thông qua vào tháng 12/2020. Sau cuộc họp, một nhóm chuyên gia của Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ đã tới Quảng Nam để chuẩn bị báo cáo chi tiết cho dự án trên từ ngày 10/12 - 19/1/2024.
Di tích Phật viện Đồng Dương hiện chỉ còn bức tường tháp Sáng. (Ảnh: Báo Quảng Nam) |
Sau khi khảo sát tại khu vực Phật viện Đồng Dương, nhóm chuyên gia nhận xét: hiện tại ở khu vực này chỉ còn một cấu trúc dễ nhận biết, có thể tiến hành công tác bảo tồn và phục dựng. Hoạt động khai quật khảo cổ tại Phật viện Đồng Dương đã được tiến hành trong quá khứ. Do đó, để có bất kỳ đánh giá thêm về khu vực này, việc dọn cây và dọn đất để xác định những cấu trúc khảo cổ cần được phục dựng là điều cần thiết. Ranh giới của Phật viện Đồng Dương cũng cần được xác định lại.
Nhóm chuyên gia Ấn Độ đề nghị phía Việt Nam chia sẻ các báo cáo, tài liệu có liên quan tới các đợt khai quật khảo cổ trước đây để nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo chi tiết về dự án.
Phật viện Đồng Dương là một trong những tu viện Phật giáo của Vương quốc Chămpa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. Khu Phật viện tọa lạc tại làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2019.
Theo tài liệu ghi lại, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II của Vương quốc Chămpa xây dựng năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara. Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã tổ chức nhiều cuộc khai quật tại Phật viện Đồng Dương và tìm thấy rất nhiều hiện vật có giá trị. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Bồ tát Tara bằng đồng cao hơn 1,1m đẹp vào loại bậc nhất của khu vực Đông Nam Á. Trong chiến tranh, di tích bị tàn phá nặng nề, hiện nay chỉ còn mảng tường tháp được người dân gọi là tháp Sáng cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số vật trang trí bị vùi lấp.