Ẩm thực Việt Tết Nguyên đán: Thảo thơm đất trời – tình người
Các món mặn đặc trưng của ẩm thực Tết 3 miền
Ở miền Bắc, bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu được mỗi dịp Tết đến, xuân về. Quá trình chuẩn bị nguyên liệu và chế biến thành phẩm của loại đặc sản này hết sức công phu, tỉ mỉ. Lá dong, gạo nếp, đỗ xanh – thịt ba chỉ làm nhân... đều phải là loại hàng đầu, được lựa chọn kỹ càng, sau đó sơ chế, làm sạch, nấu cho chín thơm (đỗ và thịt) thì bánh mới ngon vị, dậy mùi, bắt mắt.
Bánh tét và bánh chưng là món ăn bày tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông cũng như đất trời xứ sở
Bánh chưng luộc đều lửa trong 6–10 tiếng đồng hồ liền mới chín. Trong quá trình này, người ta phải liên tục đổ nước vào nồi mỗi khi bị vơi. Cuối cùng, bánh vớt ra được ép cho thật ráo nước mới bảo quản được lâu.
Văn hóa Việt Nam quan niệm rằng, bánh chưng thể hiện tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hóa lúa nước, bày tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông cũng như đất trời xứ sở. Đồng thời, nồi bánh chưng trên bếp lửa đỏ hồng còn là biểu tượng của tình cảm gia đình ấm áp, đượm nồng.
Xôi gấc
Xôi gấc đỏ tươi với phần giữa là lớp đậu xanh óng vàng và rắc vừng rang chín, bên trên bày thêm hành lá, rau gia vị xanh mướt... tượng trưng cho sự may mắn, no đủ.
Cá kho riềng
Cá kho riềng làm từ cá chép hoặc trắm béo bùi, chắc nịch, đỏ au màu nước đường thắng và đậm đà vị mắm, riềng thơm nức mũi.
Nem rán
Thịt gà luộc
Giò xào
Thịt gà luộc rắc lá chanh, nem rán, thịt đông, giò lụa, giò xào (thịt lợn rang với mộc nhĩ, hạt tiêu rồi ép chặt trong khuôn), bóng bì, canh măng, miến nấu, nộm, dưa hành muối... cũng là những cái tên thường có trên mâm cỗ Tết. Khi thời tiết se se lạnh hoặc phơi phới mưa xuân, bên gia đình quây quần sum họp, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn sự hòa hợp và tài hoa trong cái thú ẩm thực mà cha ông dày công sáng tạo.
Mọc vân ám ngũ sắc
Thậm chí, cỗ Tết Hà Nội ngày xưa còn có mọc vân ám – một trong những đỉnh cao của nghệ thuật nấu nướng cầu kỳ, tinh tế. Mọc vân ám ngũ sắc dùng thịt heo băm nhuyễn, tạo 5 màu tượng trưng cho ngũ hành từ nấm hương, gấc, hạt dành dành, lá mảnh cộng và mộc nhĩ trắng. Nước ninh xương và bì lợn được chan lên 5 viên mọc, khi đông lại thì úp ngược và bày ra đĩa, trông như thể những đám mây ngũ sắc ẩn hiện giữa khối nước trong suốt thanh nhã, thơm dịu. Thời hiện đại, hầu như món này đã bị thất truyền.
Món tré
Người miền Trung, miền Nam gói bánh tét có hình trụ dài, với nguyên liệu giống bánh chưng. Khi ăn, bánh được cắt thành từng khoanh một. Có nhiều loại bánh tét như: mặn, ngọt, thập cẩm, chay không nhân... Dưa món, tré (giống giò thủ của miền Bắc nhưng nhiều vị củ riềng), thịt chua và tai heo là những cái tên mang đậm phong vị Tết cổ truyền Trung Bộ.
Nem lụi
Măng khô kho cuốn bánh, xà lách gân bò, nem bò lụi, chả tôm là món ăn tiêu biểu mà thực khách chỉ được nếm khi đón Tết ở Huế.
Thịt kho trứng vịt và nước cốt dừa
Mướp đắng nhồi thịt
Củ kiệu muối
Trong khi đó, người Nam Bộ hay dùng bánh tét kèm thịt kho (thịt heo kho trứng vịt, nước cốt dừa), củ kiệu muối, dưa giá, bánh tráng, thịt hầm (thịt bắp đùi hầm nhừ với thuốc bắc), mướp đắng nhồi thịt lợn băm, nem bì. Để chống ngấy, các mẹ, các chị thường nấu thêm nồi cháo cá ăn với rau ghém, chuối thái mỏng, rau gia vị.
Thức uống, món ngọt và đồ ăn vặt
Tết Nguyên đán là dịp người dân mỗi vùng miền thưởng thức các loại rượu truyền thống của dân tộc như rượu nếp thơm, nếp cái hoa vàng (người Kinh), nếp nương (người Thái), nếp cẩm (người Mường), rượu San Lùng, rượu ngô (người H'Mông, người Dao), rượu Mẫu Sơn (người Tày, người Nùng), rượu Bàu Đá (Trung Bộ), rượu đế (Nam Bộ)...
Mứt dừa vani, trà xanh và quế
Mứt dâu tây
Mứt cà chua
Đón Tết cổ truyền, trước để dâng cúng tổ tiên, sau là tiếp khách hay cho con trẻ, người Việt làm ra nhiều loại mứt: dừa, dứa, gừng, bí, cà chua, táo, quất, sầu riêng, mít, khoai, hạt sen, me, dâu tây... Trong đó, mứt dừa là loại phổ biến nhất, được pha màu, tạo vị từ những nguyên liệu tự nhiên như sữa, vani, cà-phê, lá nếp, trà xanh, quế, giấm bụt...
Thịt bò khô
Trà hoa cúc – bạc hà
Nét tinh tế, tài hoa của ẩm thực Việt sẽ làm cho vị Tết, hồn xuân còn mãi đọng lại trong mỗi người với thật nhiều an vui, may mắn...
Chè lam, chè kho, thịt bò khô, kẹo bột, kẹo dồi, kẹo vừng, hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ rang... cũng là món ăn vặt được ưa dùng kèm trà mạn, trà xanh hoặc trà thảo mộc khi thết bạn đến chơi nhà. Những câu chuyện tâm tình nhen lên ước vọng bên cành đào, nhành mai, tách trà bốc khói thơm hương hoa lá, cái ngọt ngào thấm đượm từ mứt kẹo... chắc chắn sẽ làm cho vị Tết, hồn xuân còn mãi đọng lại trong mỗi người với thật nhiều an vui, may mắn.
Yên Vũ – Nguyên Vũ