ADB: Đầu tư công có thể mang đến cú huých tăng trưởng kinh tế rất quan trọng
Ngày 4/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, các chuyên gia ADB đã đưa ra một số phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam, nhận định về những “cơn gió ngược” mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt cũng như đưa ra nhiều dự báo về diễn biến kinh tế, chính sách tiền tệ năm nay.
Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, kinh tế năm 2022 được hỗ trợ bởi xuất khẩu mạnh mẽ, tuy nhiên năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức, tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị hạn chế bởi chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên khả năng chống chịu của Việt Nam tốt hơn và việc giải ngân gói đầu tư công, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi.
Cũng theo ông Jeffries, nhìn lại những tháng đầu năm nay, sản lượng nông nghiệp tăng 3,2% nhờ thị trường trong nước phục hồi. ADB dự báo tăng trưởng ngành du lịch 8% nhờ khách Trung Quốc vào Việt Nam trở lại từ 15/3. Chi tiêu công được kỳ vọng mang lại động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Đại dịch COVID-19 kéo dài bộc lộ những vấn đề về cấu trúc, các thị trường vốn trong nước chịu nhiều áp lực. Nguy cơ gây suy giảm tăng trưởng kinh tế đang ngày càng hiện hữu, chính vì vậy cần cải cách lĩnh vực tài chính để giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng, ông Jeffries khuyến nghị.
Còn theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Nguyễn Minh Cường, mặc dù thặng dư thương mại vẫn duy trì, có thể thấy rõ xu thế đi xuống của cả xuất và nhập khẩu. Dấu hiệu đi xuống của xuất nhập khẩu quý 1/2023 sẽ tác động rất mạnh lên tình hình công ăn việc làm trong nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dù vẫn tăng trưởng nhưng xu thế đi xuống.
Nhìn chung tình hình năm 2022 đã khả quan, nhưng sang năm 2023 môi trường kinh tế vĩ mô dù đương đầu với nhiều thách thức hơn, vẫn có điểm tích cực, chính sách tiền tệ linh hoạt thông qua kiểm soát lãi suất, trần tín dụng và tỷ giá. Chính sách tiền tệ linh hoạt cũng làm giảm sức ép lên tỷ giá.
Phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho hay những “cơn gió ngược” đã xuất hiện từ quý 4/2022, không phải từ đầu năm 2023, đây là tình hình chung của tất cả các nền kinh tế châu Á, không phải chỉ riêng Việt Nam.
Nhu cầu bên ngoài sụt giảm tác động đến toàn bộ các ngành công nghiệp. Mức độ sụt giảm rất rõ ràng từ quý 3 và quý 4/2022 và tiếp diễn sang năm 2023.
Chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn có xu thế diễn ra tại các nền kinh tế phát triển, giá dầu theo như ADB dự báo sẽ vẫn tiếp tục chịu sức ép tăng. Giá dầu năm 2023 và 2024 sẽ trong khoảng từ 88 đến 90USD/thùng với điều kiện không có yếu tố bất thường nào.
Tương tự, giá thực phẩm cũng có xu thế tăng. Xét trên biểu đồ giá thực phẩm, xu thế tăng của gạo, ngô, lúa mì đang hiển hiện rõ dù vậy có những yếu tố mang tính thời vụ. Vào tháng 3/2023, sức ép về nguồn cung giảm đi.
Sau 3 năm Việt Nam chống chọi với COVID-19, điểm yếu về cơ cấu bộc lộ, ví dụ như thị trường lao động, thị trường vốn. Thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp chịu sức ép rất mạnh. Sức ép của thị trường vốn sẽ rơi vào quý 2 và quý 3/2023, đó là khi đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, gây sức ép lên hệ thống. Vào tháng 9 và tháng 10/2022, thị trường tài chính từng chịu sức ép tương tự vậy, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.
Lạm phát là một thách thức. Trong khu vực, trong khu vực vẫn có những yếu tố đẩy tăng lạm phát. Tuy nhiên trong nước, dù lạm phát được kiểm soát, xu thế lạm phát vẫn tăng. Đến thời điểm này, sức ép lên chi phí giao thông trong cấu phần CPI giảm đi, chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng vẫn có thể sẽ tăng nhẹ.
Sức ép lên cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ tăng lên. Sức ép của dự trữ ngoại hối, với thặng dư thương mại tạo sức ép lên tỷ giá sẽ hạ nhiệt một chút.
Ba yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt kế hoạch
Về tăng trưởng GDP năm 2023, ADB dự báo ở mức 6,5%, thấp hơn đáng kể so với năm 2022. Lạm phát duy trì ở ngưỡng 4,5%, tuy nhiên rất cần chú ý đến những yếu tố đến ba yếu tố đột phá.
Đột phá thứ nhất chính là đầu tư công, năm nay khối lượng đầu tư công rất lớn, đến năm 2023, theo kế hoạch Việt Nam sẽ cần phải giải ngân gần 30 tỷ USD đầu tư công, nếu giải ngân hết được Việt Nam sẽ có đột phá rất mạnh và đóng góp khoảng 1% tăng trưởng GDP. Còn nếu Việt Nam không đạt được kế hoạch đề ra thì mức tăng trưởng 6,5% sẽ rất khó. ADB vẫn tin Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu này.
ADB nhận định, việc chuyển hướng chính sách của Việt Nam vô cùng quan trọng. Trong 1 tháng vừa qua, Ngân hàng nhà nước (SBV) hạ lãi suất điều hành 2 lần, Việt Nam là nền kinh tế đầu tiên tại châu Á chuyển hướng từ thắt chặt sang nới lỏng. Hỗ trợ tăng trưởng này sẽ là bước đột phá thứ 2 để Việt Nam đạt được tăng trưởng 6,5%. Xu thế hạ lãi suất của Việt Nam tuy nhiên vẫn nằm trong xu thế chung.
Cụ thể, số liệu của ADB cho thấy trong quý 1/2023, trong châu Á có 35% chính sách tiền tệ là liên quan đến tăng lãi suất. Năm 2022, trong khi đó xu thế này là 53%. Còn với các NHTW khu vực châu Á, xu thế giữ nguyên chính sách tiền tệ là 45% thì đến năm 2023, xu thế giữ nguyên tăng lên đến hơn 60%. Sự chuyển hướng của chính sách tiền tệ trong khu vực châu Á rất rõ ràng, mức độ tăng lãi suất giảm đi, việc SBV điều chỉnh chính sách tiền tệ thuộc về xu thế đó và thậm chí còn đi trước một bước.
Lạm phát gần đây dù trong xu thế tăng nhưng nhìn chung vẫn tương đối giảm nhiệt, với dư địa lạm phát như vậy thì việc điều hướng chính sách tiền tệ hoàn toàn đứng đắn. Thông tư 16 của SBV cũng sẽ hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng.
Sự mở cửa của Trung Quốc sẽ mang đến những hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tất cả các lĩnh vực chủ đạo của Trung Quốc, từ công nghiệp cho đến dịch vụ đều tăng trưởng rất mạnh và sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trên 2 khía cạnh. Dịch vụ du lịch của Việt Nam nhờ yếu tố Trung Quốc tăng trưởng tốt sẽ giúp kéo theo nhiều ngành dịch vụ khác. Xuất nhập khẩu giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc sẽ tăng trưởng tốt hơn. Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội này, đặc biệt ngành nông nghiệp, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2023.
Theo dự báo của ADB, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,5% GDP, trong năm nay nhờ đầu tư công, chuyển hướng chính sách tiền tệ và tận dụng tốt cơ hội khi Trung Quốc mở cửa.