70 năm văn kiện lịch sử về quyền con người
Ảnh minh họa
Ngày 10/12/1948, tại Paris (Pháp), đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt, đại diện Liên hợp quốc (LHQ) đọc bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Bản Tuyên ngôn với lời mở đầu và 30 điều, sử dụng bằng những từ ngữ pháp lý dễ hiểu, dễ được chấp nhận ở mọi nền văn hóa và mang tính triết lý, xác lập nguyên tắc bình đẳng về các quyền, không phân biệt đối xử, quy định các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghĩa vụ của cá nhân với cộng đồng…
Trên tinh thần của Tuyên ngôn, khoảng hơn 80 công ước, tuyên bố quốc tế về quyền con người được soạn thảo và ban hành, trong đó có những công ước quan trọng như Công ước về chống phân biệt chủng tộc, Công ước chống tra tấn, các công ước về quyền trẻ em, phụ nữ, người tàn tật và di cư, các dân tộc thiểu số... Văn kiện lịch sử này là nền tảng cho hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được LHQ thông qua năm 1966 là Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Cộng đồng quốc tế coi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người cùng hai công ước nêu trên là bộ luật quốc tế về quyền con người, mà theo đó LHQ tạo lập hệ thống nguyên tắc, quy phạm, chuẩn mực về quyền con người, là cơ sở hình thành các chuẩn mực quốc tế về con người trong từng lĩnh vực cụ thể.
Ngày 4/12/1950, trong phiên họp toàn thể lần thứ 317, LHQ ban hành Nghị quyết số 423 chính thức công nhận ngày 10/12 hằng năm là Ngày Nhân quyền thế giới.
Tại một Hội nghị chuyên đề kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền thế giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Tường Duy Kiên cho rằng, Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người được xây dựng dựa trên các nền tảng đạo đức, cùng các cam kết chính trị quốc tế mạnh mẽ và nền tảng pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong phạm vi mỗi quốc gia và toàn cầu. Do đó, trải qua 70 năm văn kiện vẫn còn nguyên giá trị.
Không có ràng buộc pháp lý, song Tuyên ngôn thế giới về quyền con người là nguồn chính thức và cơ sở tư tưởng để xây dựng các văn kiện, tổ chức và thủ tục giám sát quốc tế về quyền con người trên quy mô toàn thế giới và mỗi khu vực. Ở cấp độ quốc gia, nhiều điều khoản của Tuyên ngôn được đưa vào hệ thống hiến pháp, pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới với chế độ chính trị hay trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau.
Tại Việt Nam, các nguyên tắc và giá trị về quyền con người được quy định và thể hiện rõ nét trong Hiến pháp năm 1946, trước khi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được thông qua năm 1948. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng thế giới thừa nhận. Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Các văn bản pháp luật được ban hành nhất là từ sau Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa các nguyên tắc về tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm sự hài hòa với các nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Việt Nam nhất quán áp dụng nguyên tắc ưu tiên pháp luật quốc tế so với pháp luật quốc gia, trong trường hợp các quy định của bộ luật, luật của Việt Nam trái với các điều ước quốc tế nói chung, các điều ước quốc tế về quyền con người nói riêng thì áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn của quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đoàn Công Huynh khẳng định, hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt những thành quả tích cực được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nhất là thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trước đây và các Mục tiêu phát triển bền vững hiện nay.
Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện các khuyến nghị về nhân quyền mà Việt Nam chấp thuận, thông qua các cơ chế của LHQ như Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), xây dựng các chương trình hành động quốc gia về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, tích cực hỗ trợ người dân các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai...
Việt Nam tiếp tục là thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hoạt động của các cơ quan LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC) và hiện đang ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Dù còn nhiều thách thức, Việt Nam luôn nỗ lực để người dân ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người và thành quả của công cuộc phát triển đất nước.
Đ.T