7 món ăn tượng trưng cho may mắn ngày đầu năm ở Trung Quốc
Cá – sự thịnh vượng: Trong tiếng Trung, cá được phát âm là /yú/ gần giống với từ dư thừa, vì vậy đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm giao thừa của người dân nước này. Họ tin rằng nếu có một khoản dư thừa vào cuối năm thì sang năm mới có thể kiếm được nhiều hơn nữa.
Cá chép Crucian (cá chép vằn) phát âm là /jìyú/ nghe gần giống với từ chúc may mắn, còn cá da trơn /niányú/ lại nghe gần giống từ dư thừa. Chính vì thế, những loại cá này thường được lựa chọn với mong ước về một năm mới đủ đầy.
Sủi cảo – sự sung túc: Với lịch sử hơn 1.800 năm, sủi cảo là một trong những món ăn cổ điển nhất của Trung Quốc, không thể thiếu trong đêm giao thừa.Vào ngày này, sủi cảo thường được nặn hình giống như thỏi bạc bởi truyền thuyết kể rằng bạn ăn nhiều bao nhiêu thì năm mới sẽ kiếm được nhiều tiền bấy nhiêu.
Nem – sự giàu sang: Nem là món ăn thường góp mặt trong lễ hội mùa xuân, đặc biệt phổ biến ở miền Đông Trung Quốc: các vùng Giang Tây, Giang Tô, Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hong Kong…
Giống như món nem của Việt Nam, nem của người Trung Quốc cũng có hình trụ dài. Phần nhân bên trong là hỗn hợp đủ các loại thịt và rau củ hấp dẫn, gói bởi một lớp vỏ bánh mỏng rồi chiên đến khi vàng giòn.
Bánh tổ - sự thăng tiến: Đây là công thức bánh truyền thống vào ngày đầu năm mới của người dân quốc gia này. Trong tiếng Trung, bánh tổ có tên là 年糕, âm Hán là Niên Cao nên được nhiều người hiểu theo nghĩa là “tăng dần theo năm”. Điều này sẽ mang lại may mắn cho tất cả mọi người.
Thành phần chính của bánh là gạo nếp, đường, gừng… Gạo nếp sau khi xay mịn trộn với đường và nước gừng, gói kín trong lá sen rồi đem hấp đến khi bánh trong lại là được.
Sủi dìn – sự đoàn tụ: Món bánh này là thực phẩm chính cho lễ hội đèn lồng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ở miền Nam nước này, người ta ăn sủi dìn trong suốt lễ hội mùa xuân. Cách phát âm và hình tròn của mỗi viên bánh gắn với ý nghĩa về sự đoàn tụ bên nhau. Đó chính là lý do vì sao người Trung Quốc ưa chuộng món ăn này trong dịp năm mới.
Bánh được làm bằng bột gạo nếp, nhân đậu xanh hoặc vừng đen, ăn cùng với nước gừng nóng nên rất hợp với tiết trời hơi se lạnh.
Mì trường thọ – sống lâu trăm tuổi: Đúng như cái tên, mì trường thọ tượng trưng cho mong ước về sức khỏe dồi dào, được sống lâu trăm tuổi của người Trung Quốc.
Bột sau khi nhào được cán mỏng liên tiếp, sau đó cắt thành sợi dài, đan vào thanh gỗ và phơi trong nhiều giờ đồng hồ để trọng lực kéo dài sợi mì hơn nữa. Điều làm nên sự đặc biệt là mỗi bát thường chỉ có một sợi mì rất dài, không bị cắt, ăn kèm với vịt quay, xá xíu hoặc tôm…
Hoa quả – sự đủ đầy: Một số loại trái cây thường được lựa chọn trong dịp đầu năm mới ở Trung Quốc là cam, quýt và bưởi bởi hình dáng tròn đầy và màu vàng đẹp mắt.Quýt và cam được cho là sẽ mang lại may mắn, tài lộc. Bên cạnh đó, việc ăn bưởi vào ngày năm mới này lại có ý nghĩa đem đến sự thịnh vượng, giàu có.
Việt Hà