200 ảnh, tư liệu, tài liệu lưu trữ trên nền tảng 3D được giới thiệu tại Triển lãm "Vì Hạnh phúc của mỗi người” năm 2021
Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khai mạc triển lãm số “Vì Hạnh phúc của mỗi người”. |
Điểm nhấn của triển lãm là tìm tòi để giới thiệu tới công chúng các tư liệu phản ảnh giá trị tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam được lựa chọn từ kho di sản mộc bản, châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009.
Thông qua công tác sưu tầm, chú thích song ngữ một cách có hệ thống các tư liệu, hình ảnh, Triển lãm giới thiệu tới khách tham quan các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, góp phần nâng cao nhận thức về quyền con người trong nhân dân, các cấp quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là đội ngũ thực thi pháp luật.
Từ nguồn tài liệu lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền và từ các nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên toàn quốc, Ban Tổ chức đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định và Ban Chỉ đạo để lựa chọn ra 200 ảnh, tài liệu đáp ứng cả 3 yếu tố: Tính khoa học, đại diện cho các quyền; Tính nghệ thuật thể hiện cảm xúc Hạnh Phúc của Mỗi người và Yếu tố kỹ thuật để đảm bảo độ phân giải, hiệu ứng.
Với mong muốn Triển lãm đến được với đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước một cách sinh động và hiệu quả, từ ngày 20/12/2021, Ban Tô chức Triển lãm đã đăng tải 200 ảnh, tư liệu, tài liệu lưu trữ trên nền tảng 3D cùng với các sản phẩm truyền thông đa phương tiện hiện đại trên 2 websites có tên miền: www.vihanhphucmoinguoivn và www.vihanhphucmoinguoi.com.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, Nhà nước Việt Nam đã và đang từng bước thực thi tổng thể những biện pháp về cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp về quyền con người. |
200 ảnh và tài liệu được chú thích song ngữ Việt - Anh theo bố cục gồm các phần chính sau:
Chủ đề 1, Tư tưởng quyền con người ở Việt Nam qua một số Châu bản, Mộc bản Triều Nguyễn khai thác từ mhóm tài liệu cổ phản ánh tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam, cho thấy Việt Nam tuy không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ quyền con người nhưng rất giàu truyền thống nhân văn và khái niệm tư tưởng nhân quyền đi liền với yêu thương con người, khoan dung, hòa ái. Nhóm gồm 24 tài liệu lưu trữ được lựa chọn từ hơn 34 nghìn tấm Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn - di sản tư liệu được UNESCO công nhận, hiện đang được lưu trữ tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.
Chủ đề 2, thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam từ 1945 đến nay gồm các tư liệu, hình ảnh phản ánh các nỗ lực và chính sách, văn kiện chỉ đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người phân theo các giai đoạn từ 1945-1986; thời kỳ Đổi mới đến nay, các nỗ lực hợp tác quốc tế về quyền con người.
Chủ đề 3, nỗ lực chống dịch COVID-19, tình người, nghĩa đồng bào trong gian khó, dịch bệnh gồm những hình ảnh, tư liệu, số liệu minh chứng cho nỗ lực của Nhà nước và xã hội, tình đoàn kết tương thân tương ái, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, an sinh, xã hội cho người nghèo, đối tượng yếu thế trong đại dịch; các giải pháp chuyển đổi số để bảo đảm thực thi các quyền con người phù hợp với điều kiện “bình thường mới”.
Chủ đề 4: Thành tựu quyền con người ở địa phương giới thiệu về các thành tựu kinh tế, xã hội của tỉnh Lào Cai trong phát triển bền vững với nhiều giá trị văn hóa, tinh thần có giá trị cao, được thế giới công nhận.
Các đại biểu tham quan triển lãm trưng bày tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Tâm, Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông cho biết quyền con người là các quyền tự nhiên được tạo hóa ban cho và cũng là thành quả đấu tranh, phát triển lâu dài của các dân tộc. Nhà nước Việt Nam không chỉ tôn trọng và bảo đảm quyền con người mà còn làm hết sức để thực hiện quyền con người. Việc này được thực hiện thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.
Hiến pháp 2013 chứa đựng những nội dung mới về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người. Nhà nước Việt Nam đã và đang từng bước thực thi tổng thể những biện pháp về cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp về quyền con người.
Nhờ tăng trưởng kinh tế ở tỉ lệ cao và bền vững, mức sống của người dân ngày càng tăng nhanh, tỷ lệ nghèo giảm mạnh đã góp phần bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Việt Nam không những bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TTTT, để thích ứng với điều kiện bình thường mới khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, triển lãm năm 2020 chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến trên website với mong muốn triển lãm đến được một cách sinh động nhất tới với đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, phát huy hơn nữa hiệu quả truyền thông đối ngoại của triển lãm”.
Bộ Thông tin và Truyền thông tặng UBND tỉnh Lào Cai bản cứng tư liệu để thực hiện triển lãm tại địa phương. |
Triển lãm cũng có giá trị như một nguồn tài liệu tham khảo, gợi mở các ý tưởng mới để từ đó khai thác các đề tài, làm rõ vấn đề quyền con người một cách đa diện và chân thực tới độc giả trong nước và nước ngoài. Bộ ảnh, tài liệu Triển lãm sẽ là nguyên liệu để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức trưng bày ở trong nước và nước ngoài trong các năm tới, phục vụ truyền thông đối ngoại.
Cùng Triển lãm online, Bộ TTTT trao tặng Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai 1 bộ bản cứng ảnh, tư liệu, tài liệu lưu trữ Triển lãm để tiếp tục trưng bày phục vụ khách tham quan trực tiếp tại Tỉnh.