12 điều bố mẹ tốt luôn làm với con
Bạn là cha mẹ bình thường hay thông thái, nhìn 10 bức ảnh sau là biết |
Hại con vì thói quen cho trẻ quá 5 món đồ |
Buồn nẫu ruột vì con vào lớp 1 mà viết chữ quá xấu |
Brightside liệt kê 12 điều chứng tỏ các bố mẹ đang đi đúng hướng trên hành trình nuôi dạy con.
1. Cho con thời gian nghỉ ngơi
Bố mẹ tốt không ép con học quá nhiều. |
Nhiều bố mẹ kỳ vọng quá cao vào con, mong con thành công về mọi mặt, dẫn đến việc ép con học mọi thứ trên đời. Không những muốn con viết chữ đẹp, làm toán giỏi, bố mẹ còn đăng ký cho con tham gia những lớp học ngoại khóa như mỹ thuật, múa, hát, piano, cờ vua, bóng đá…Việc phải học quá nhiều môn học khiến trẻ chịu áp lực khủng khiếp mà thường thì bố mẹ không nhận ra điều đó. Trẻ không có thời gian để khám phá bản thân, biết mình thực sự muốn gì. Bố mẹ tốt hiểu rằng trẻ cũng là con người, không phải là cái máy. Vì thế trẻ cần thời gian để được chơi theo ý thích của trẻ hoặc giải trí theo cách trẻ muốn, không có sự can thiệp nào của bố mẹ.
2. Bố mẹ tốt không cố gắng trở thành bố mẹ hoàn hảo
Công việc nuôi dạy con là nhiệm vụ khó khăn và dĩ nhiên bố mẹ cần cố gắng hết sức để đem lại hạnh phúc cho con mình. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa hai kiểu bố mẹ “cố gắng hết sức” và “trở thành hoàn hảo”. Kiểu bố mẹ luôn hướng tới hình mẫu hoàn hảo mang những tư tưởng cực đoan, luôn đặt ra những giới hạn, những điều không được phép. Họ kém linh hoạt. Họ khắt khe với chính bản thân, từ đó khắt khe với con cái. Họ không cho phép bản thân được biểu lộ cảm xúc thật và cố gắng điều khiển mọi thứ. Họ dễ cảm thấy có lỗi khi không đáp ứng đúng kỳ vọng và thường gây xung đột với người bạn đời về những vấn đề liên quan đến con cái.
3. Bố mẹ tốt không phạt con
Con cái là tấm gương phản chiếu hành vi của bố mẹ và chúng học, bị ảnh hưởng từ cách ứng xử của bố mẹ trước mỗi vấn đề. Khi trẻ phạm lỗi, bố mẹ hãy áp dụng phương pháp làm cha mẹ tích cực và giải thích cho chúng vì sao làm như vậy là không được chấp nhận. Phạt trẻ không giúp trẻ hiểu hậu quả của hành vi và tại sao hành vi đó là sai. Tốt hơn hết nên trao trẻ cơ hội được nhận ra lỗi và sửa chữa sai lầm đó dưới sự trợ giúp của bố mẹ.
4. Nuôi dưỡng ký ức hạnh phúc cho con
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ có nhiều ký ức hạnh phúc thời thơ ấu sẽ trưởng thành theo cách lành mạnh hơn và hài lòng hơn với cuộc sống. Chúng cũng có cái nhìn tích cực hơn và dễ dàng hơn khi đối mặt với những khó khăn. Những trẻ này ít khi bị buồn bã kéo dài hay trầm cảm. Chúng cũng có xu hướng xây dựng mối quan hệ lành mạnh với mọi người xung quanh.
5. Không ngại thể hiện tình yêu với con
Đứa trẻ được bố mẹ yêu thương sẽ hạnh phúc hơn. (Ảnh: Freepik) |
Nhiều người vẫn lầm tin rằng, thể hiện tình yêu với trẻ sẽ khiến trẻ hư hỏng. Song, những hành động yêu thương như ôm hôn giúp xoa dịu trẻ ngay tức khắc. Về tác dụng lâu dài, trẻ thường xuyên nhận được tình yêu thương của bố mẹ sẽ giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến hành vi và tâm lý. Ngoài ra, việc này cũng làm tăng kết nối giữa bố mẹ và con, mang đến cho trẻ cảm giác an toàn. Trẻ được bố mẹ yêu thương cũng sẽ biết cách thể hiện tình cảm, quan tâm người khác và sẽ có nhiều mối quan hệ chân thành trong tương lai.
6. Bố mẹ tốt đánh giá cao nỗ lực hơn kết quả
Đôi khi có những chuyện không được như mong đợi, không đi đúng kế hoạch cho dù chúng ta đã cố gắng hết sức. Bố mẹ tốt chuẩn bị cho con tâm lý đối mặt với những điều không hoàn hảo, và cuộc sống không chỉ toàn màu hồng. Bố mẹ tốt dạy con cách đối diện với thất bại, coi đó là thử thách phải vượt qua. Trẻ nhờ vậy học được rằng thất bại không phải do trẻ ngu ngốc hay kém cỏi, mà thất bại là mẹ thành công.
7. Bố mẹ tốt nhờ con giúp đỡ việc nhà
Có nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ làm việc nhà sẽ hạnh phúc hơn khi lớn lên. Thông qua làm việc nhà, trẻ hiểu chúng là một phần của gia đình và có trách nhiệm đóng góp cho xã hội đó. Lâu dần, trẻ hình thành suy nghĩ ai cũng phải lao động. Cách này nuôi dưỡng sự chăm chỉ và tình yêu lao động trong trẻ.
8. Bố mẹ tốt dạy trẻ gọi tên cảm xúc
Bố mẹ thường có xu hướng khuyến khích cảm xúc tốt và trấn áp cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, việc lờ đi những cảm xúc như giận dữ, ghen tỵ, buồn bã, tự ti không khiến chúng mất đi. Tốt hơn hết nên giải thích cho trẻ đó là những cảm xúc bình thường, ai cũng phải trải qua, nhưng quan trọng là đừng để nó đi quá xa và nhấn chìm mình. Bố mẹ tốt cũng dạy con cách ứng phó khi gặp những cảm xúc tiêu cực đó.
9. Bố mẹ tốt để con được là chính con
Bố mẹ tốt không trấn áp những cá tính riêng biệt của trẻ, cũng không cố gắng thay đổi trẻ thành một người khác. Chúng ta thường so sánh con mình với con nhà người ta, với hy vọng con sẽ có những đặc điểm tốt như đứa trẻ đó, và con sẽ có động lực để thay đổi. Tuy nhiên, việc so sánh này ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ trở nên bực bội và thậm chí căm thù bố mẹ. Việc không được bố mẹ chấp nhận những đặc điểm vốn có, khiến trẻ cảm thấy không được yêu thương và luôn thấy mình kém cỏi khi so sánh với người khác.
10. Bố mẹ tốt có cuộc sống riêng
Bố mẹ thường cố gắng cống hiến thời gian và năng lượng cho con mình. Nhưng kiểu bố mẹ tập trung quá nhiều vào con và quên mất mình có cuộc sống riêng, khiến trẻ chịu áp lực quá mức. Nhiều bố mẹ thể hiện quyền sở hữu của mình với con, can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con và dường như không thể để con được sống cuộc đời của nó.
Bố mẹ tốt sẽ không như vậy. Ngoài nuôi dạy, chăm sóc con cái, họ cũng chú tâm đến phát triển bản thân, học hỏi các kỹ năng và mở rộng những mối quan hệ lành mạnh.
11. Bố mẹ tốt biết cách kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình
Trẻ cần có môi trường an toàn để có thể tin tưởng và từ đó khám phá mọi thứ xung quanh chúng. Môi trường lành mạnh, đầy tình yêu thương sẽ là nền tảng giúp chúng học hỏi được nhiều thứ hơn và tự tin hơn. Trẻ cũng học được những kỹ năng xã hội, giúp chúng gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai. Chúng không sợ bị từ chối, và mở lòng hơn với mọi người Những trẻ này đạt kết quả học tập tốt hơn cũng nhờ sự hỗ trợ và tin tưởng từ gia đình.
12. Bố mẹ tốt phân biệt hành vi của trẻ với bản chất của trẻ
Trẻ cần biết bố mẹ luôn yêu trẻ vô điều kiện dù trẻ có hành xử thế nào đi chăng nữa. Nhưng khi trẻ phạm lỗi, bố mẹ nên giải thích tại sao điều đó khiến bố mẹ buồn lòng, và hậu quả của sai lầm đó như nào. Mục đích hướng đến không phải là kiểm soát trẻ qua những lỗi lầm, mà nuôi dưỡng trẻ thành người có trách nhiệm. Có trách nhiệm không phải vì sợ bị phạt, sợ người khác trách mắng, mà vì tự bản thân trẻ thấy rằng đó là điều cần thiết để xã hội tốt đẹp hơn.