10 khoảnh khắc quan trọng của phim LGBT Việt (Phần 1)
Lâm Khánh Chi bỏ tiền túi để tổ chức cho 10 cặp LGBT làm đám cưới ở "Come out" Những hiểu lầm về LGBT Những nhân vật LGBT có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2019 |
Cảnh báo tiết lộ nội dung phim
1. Khoảnh khắc bước ra ánh sáng – phim “Ngôi nhà bươm bướm” (2019)
Dựa trên vở kịch Pháp “La Cage Aux Folles” (1973) và bộ phim “The Birdcage” (1996), đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng dàn diễn viên nổi bật NSƯT Thành Lộc, Quang Minh, Hồng Đào, Liên Bỉnh Phát, Hoàng Yến Chibi tạo ấn tượng với “Ngôi nhà bươm bướm” hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Tuy không bi lụy với hàng tấn bi kịch như đứa con tinh thần trước đó là “Lô tô” (2017), Huỳnh Tuấn Anh vẫn nhận ra những rào cản “rất đời” của cộng đồng LGBT, dù chuyển thể từ câu chuyện bên trời tây vẫn có thể dễ đồng cảm tại Việt Nam. Hoàng (Liên Bỉnh Phát) là con trai của cặp đôi đồng tính nam ông Cường (Quang Minh) – dì Hân (NSƯT Thành Lộc). Họ yêu nhau thắm thiết suốt quãng đời tuổi trẻ và nay đã sang tuổi trung niên. Một ngày nọ, Hoàng trở về và thông báo mình muốn lấy vợ. Tin đáng mừng nhanh chóng trở thành mối lo ngại với mọi người khi anh yêu Mai (Hoàng Yến Chibi) – cô gái Hà Nội gốc sinh ra trong một gia đình còn nhiều định kiến nghiêm khắc.
Sự khác biệt giữa lối sống của hai gia đình có ngăn cản họ trở thành thông gia? Những xung đột mới nảy sinh có thử thách tình cảm của cặp đôi ông Cường – dì Hân? Tình thân và tình yêu, bên nào sẽ chiến thắng? Liệu ai sẽ là người hy sinh lùi lại một bước để mọi chuyện diễn ra êm đẹp?
“Ngôi nhà bươm bướm” đẩy kịch tính lên cao trào khi Hoàng khẽ gật đầu ủng hộ dì Hân bỏ lớp tóc giả để lộ diện thân phận thật sự trong buổi gặp mặt giữa hai gia đình. Dù đã lên một kế hoạch khá chỉn chu “qua mặt” cha mẹ Mai, nhưng cuối cùng gia đình Hoàng vẫn lựa chọn sống thật. “Ba con và dì Hân yêu nhau như là con yêu Mai vậy” – lời nói nghẹn ngào cùng cái nắm tay vững chắc của Hoàng trước cả hai gia đình trong giây phút quyết định đã chứng tỏ anh là một người đàn ông bản lĩnh, cân bằng giữa cả tình thân và tình yêu một cách đầy tôn trọng.
Nhưng đây vẫn chưa phải là khoảnh khắc quan trọng nhất trong phim “Ngôi nhà bươm bướm”. Vì dù Hoàng có can đảm đến mấy thì đó vẫn chỉ là nội bộ câu chuyện giữa hai gia đình. Thời điểm đám cưới của Hoàng và Mai đánh dấu cái kết đẹp cho chuyện tình yêu đẹp, đồng thời cũng khẳng định lớp rào cản phân biệt giới tính đã được phá bỏ, gia đình Mai hoàn toàn chấp nhận gia đình Hoàng trở thành thông gia của họ như một lẽ tự nhiên thông thường. Đây là một bước tiến của “Ngôi nhà bươm bướm” so với bản “The Birdcage” (1996) vì đã coi trọng phần diễn thuyết của các nhân vật hơn việc chỉ lướt qua vài cú máy diễn tả tóm lược đám cưới.
Cảnh trong phim "Ngôi nhà bươm bướm" (Ảnh: BTC) |
Trước đông đủ mọi người đến tham dự trong một không gian lớn lao và hạnh phúc, ông Hoàng đã dành lời cảm ơn trân trọng nhất đến dì Hân với tư cách một người chồng gửi đến người vợ. “Đã hơn 20 năm mình sống trong bóng tối, bây giờ là lúc mình bước ra ngoài ánh sáng” – lời tuyên bố của ông Hoàng vượt qua vai trò đơn thuần của một câu thoại, trở thành lời khích lệ và truyền dũng khí cho những con người thuộc cộng đồng LGBT. “Cô lên đó đi, không có cô, gia đình này không còn là gia đình nữa” – cậu quản gia ( Trịnh Tú Trung) thay cho lời đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh gửi thông điệp tới khán giả. Một gia đình chấp nhận sự khác biệt của nhau, yêu thương nhau vô bờ bến, cùng nhau vượt qua sóng gió – họ là hình mẫu lý tưởng cho xã hội nhìn nhận về các gia đình LGBT.
2. Khoảnh khắc xung đột của cặp đôi – phim “Thưa mẹ con đi” (2019)
“Thưa mẹ con đi” của Trịnh Đình Lê Minh kể câu chuyện về cặp đôi Văn (Lãnh Thanh) và Ian (Gia Huy) sau nhiều năm học và làm việc ở Mỹ, trở về thăm quê và mong muốn nói cho mẹ nghe về mối quan hệ của họ. “Thưa mẹ con đi” lựa chọn thời điểm khi chuyện tình yêu đã đơm hoa kết trái, không còn là những giây phút đầu ngại ngùng tìm hiểu, càng không có những phân vân giới tính đi tìm con người thật của chính mình. Phim đặt cặp đôi vào tình thế họ đối mặt với một không gian khác, là nguồn cội quê hương, gia đình mình, không còn thoải mái như bên trời Tây. Liệu Văn và Ian có đủ dũng khí công khai tình yêu của mình,vượt qua những nghi ngại, định kiến từ người thân, họ nên sống vì mình hay vì gia đình?
Cảnh trong phim "Thưa mẹ con đi" |
Văn – chàng trai trưởng thành, chín chắn khi quyết định đưa người yêu mình về nhà đã phải tự nhắc bản thân chú ý từng cử chỉ, lời nói để mọi người đỡ dị nghị. Khoảnh khắc đáng nhớ của cặp đôi đó là việc Văn lựa chọn phòng tắm tách biệt với khu nhà ở để thể hiện tình yêu với Ian qua cử chỉ hôn, âu yếm. Nhưng trong một lần, khi Văn ngỏ ý muốn hành động đó tiếp tục như mọi lần thì Ian ngay lập tức đã từ chối, nói rằng không muốn làm việc đó trong chỗ này. Văn đã buồn bực giải thích rằng: “Đây là Việt Nam, không phải Mỹ”. Một câu thoại chứng tỏ ranh giới giữa hai quốc gia không chỉ đơn thuần khác nhau về mặt địa lý mà còn ở cách sống tự do thể hiện tình cảm đồng giới. Chỉ mấy ngày về quê mà Văn luôn cảm thấy áp lực, một bên muốn được yêu Ian, một bên muốn cả hai không bị mang tiếng hay gia đình phải phiền lòng. Hai bên trở nên to tiếng, người này nói người kia không hiểu mình. Nhưng thực ra cả Văn và Ian đều hiểu, thông cảm cho nhau. Chỉ là rào cản văn hóa, bức tường quan niệm giới vẫn chưa thể dễ dàng xóa bỏ trong thời gian ngắn ngủi.
Nhà tắm một cách bất đắc dĩ trở thành nơi thăng hoa tình yêu, nơi họ cởi bỏ mọi lớp áo để trở về con người thật của mình. Không gian chật hẹp màu xanh lam với những tia nắng phản chiếu không tạo cảm giác ngột ngạt, bí bức mà trở thành địa điểm để minh chứng sự thật, để họ đối diện với mọi suy nghĩ khó nói với nhau. Để rồi, cũng chính nơi nhà tắm ấy, trong một phân đoạn khác, mẹ Văn vô tình biết được sự thật của hai người.
3. Khoảnh khắc dám ngỏ lời – phim “Người vợ ba” (2019)
Phim “Người vợ ba” của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh ngay khi vừa mới ra mắt đã tạo hiệu ứng xôn xao dư luận và ngưng chiếu sau vài ngày ngắn ngủi. Những luồng ý kiến trái chiều về việc sử dụng diễn viên chưa vị thành niên trong các cảnh nóng cùng vấn đề đạo đức được đặt ra cho nhà làm phim đã khiến “Người vợ ba” khó lòng được đại bộ phận công chúng đón nhận. Nhưng không thể phủ nhận “Người vợ ba” là một tác phẩm nghệ thuật có đầu tư kỹ lưỡng và sở hữu phân đoạn quan trọng đối với cộng đồng LGBT.
Phim lấy bối cảnh thế kỷ XIX, khi chế độ đa thê vẫn còn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mây (Trà My) trở thành người vợ thứ ba của người đàn ông lớn tuổi (Lê Vũ Long). Nhưng Mây lại nảy sinh tình cảm với Xuân (Maya) – người vợ thứ hai trong gia đình. Ngọn lửa tình nhen nhóm ngay từ khi Mây mới đặt chân về ngôi nhà mới. Ngay buổi tối trước khi động phòng, lễ cưới được tổ chức trong không gian truyền thống, mọi người chúc tụng nhau, dự tiệc mừng đám cưới. Chỉ riêng Mây ngồi ở chiếc bàn tách biệt, với vẻ đơn độc, ngỡ ngàng và chưa thể thích nghi với môi trường xung quanh. Nhưng khi giọng hát ngọt ngào, trữ tình của Xuân vang lên, Mây kết nối ngay tức khắc với không gian, hay nói đúng hơn, điểm nét đã thu về phía nàng Xuân. Lời hát đậm đà, dáng vẻ duyên dáng, đôi mắt lúng liếng biết nói của Xuân khiến Mây mê đắm từ ánh nhìn đầu tiên. “Kìa mắt ai lóng lánh tơ duyên mặn nồng” – câu hát dự đoán trước những chuyển biến tình cảm mà Mây dành cho Xuân. Với tư cách là một người chị, Xuân luôn giúp đỡ Mây thích nghi nhanh với những nếp sống của gia đình, chỉ cho Mây những bí kíp thầm kín của chuyện phòng the, an ủi khi Mây buồn… Ánh mắt của Mây khi ấy dừng lại quan sát, cười mỉm và khi biết bí mật ngoại tình của Xuân với con trai chồng, Mây cũng không hề tố giác.
Cảnh trong phim "Vợ ba" |
Đỉnh điểm chứng tỏ Mây có tình cảm với Xuân qua cuộc hội thoại vào một đêm Xuân giúp Mây xoa bụng để tránh những vết rạn cho người mang thai. Không gian chuyển sang gam màu nóng báo trước những mong muốn vượt quá giới hạn. Dung dịch xoa bụng là chất nước nhờn bóng, mềm mại đại diện cho ham muốn nữ tính. Bàn tay Mây mạnh dạn nắm lấy tay Xuân, nhoài người trao nụ hôn và ngỏ lời “Em yêu chị”.
Tuy lời tỏ tình này mang hơi hướng hiện đại so với bối cảnh thế kỷ thứ XIX nhưng vẫn mang dấu ấn đặc biệt, chứng tỏ người phụ nữ xưa đã dám bày tỏ tình cảm của mình với người phụ nữ khác mà họ yêu thương. Chỉ chấp nhận nụ hôn của Mây trong thoáng chốc, Xuân nhanh chóng trấn tĩnh và nói lời từ chối. Cô cho rằng cảm xúc của Mây là không thật, không tỉnh táo, “làm như thế là sai trái”, “trời sẽ trừng phạt ta” và Xuân cũng chỉ yêu Mây “như yêu con gái của mình”. Có thể sự cự tuyệt của Xuân xuất phát từ cảm xúc thật nhưng cũng có thể hiểu đây là những lời đại diện cho rào cản xã hội bấy giờ, không thể chấp nhận tình yêu cùng giới.
4. Khoảnh khắc tù túng bủa vây – phim “Hot boy nổi loạn 2” (2017)
Thay vì chỉ là mảnh ghép nhỏ trong bộ phim “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” (2011), nhân vật Lam (Lương Mạnh Hải) hành nghề mại dâm đồng tính nam trở lại thành nhân vật chính chi phối toàn bộ mạch phim “Hot boy nổi loạn 2” (2017). Những con đường với bao ngóc ngách trải đầy bóng tối, những cuộc trả thù thanh toán nhau giữa bảo kê và mại dâm, mối tình tay ba trắc trở giữa Lam (Lương Mạnh Hải) – Long (La Quốc Hùng) – Cuội (Trần Huy Anh) tạo không khí ngột ngạt, bí bức cho phim. Tông màu chỉ trở nên tươi sáng hơn với những cảnh đồng quê yên bình nơi tình yêu có thể hứa hẹn nhau lời nguyện ước đậm sâu.
Nhưng rồi tất cả cũng vụt qua trong thoáng chốc với một cái kết gây sốc khiến khán giả rời rạp phim với sự hụt hẫng. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng không chọn lối đi “tô hồng” hay “lãng mạn hóa” gây cười cho bộ phim chủ đề LGBT, anh chọn sự gai góc, tăm tối phản ánh sự thật phũ phàng “đời không như là mơ” cùng lời nhắn về thuyết nhân quả và lời khuyên “quay đầu về bờ” cho những người lầm lỡ bước sai đường.
Cảnh trong phim "Hot boy nổi loạn 2" |
Với lớp tư tưởng đậm chất hiện thực đó, khoảnh khắc đáng nhớ nhất, đại diện cho không khí tù túng của phim rơi vào cảnh cao trào tái hiện Lam vật lộn khốn khổ trong đường cống thoát nước sau khi bị bọn bảo kê ác ý tìm cách thủ tiêu. Dám dấn thân vào vai diễn, Lương Mạnh Hải đã lột tả toàn bộ tâm tạng phẫn nộ, bế tắc của nhân vật. Anh phải lội nước liên tục, diễn tả hành động ăn cá sống. Lựa chọn góc máy, bố trí ánh sáng phù hợp đã tạo nên khoảnh khắc đắt giá.
Tông màu xanh rêu ẩm thấp của đường cống, bóng đen tối mịt càng đi càng mất hút, những đốm sáng chỉ lấp ló gọi mời tia hy vọng nhỏ nhoi. Không gian đường cống còn mang nghĩa ẩn dụ cho cuộc sống với hàng loạt trở ngại bủa vây lấy những con người như Lam, như Long, như Cuội. Họ vùng vẫy tìm đủ mọi cách để thoát ra, đi tìm con người thật và sinh tồn trong xã hội. Dù cái kết của nhân vật Lam vô cùng khốc liệt nhưng trong phân đoạn này lại thể hiện thông điệp nhân văn.
Ở cuối đường cống, ánh mặt trời sáng rõ, cửa cống nối liền ra mặt sông thành phố. Sau công cuộc nỗ lực vượt thử thách, Lam đã tìm thấy đường sống. Không gian sông nước rộng lớn, khoáng đạt khiến nhịp phim trở nên thư thái hơn, thúc giục những con người đang vùng vẫy trong tù túng kia có quyền được hy vọng.
5. Khoảnh khắc của bisexual – phim “Lạc giới” (2014)
“Lạc giới” (2014) của đạo diễn Phi Tiến Sơn trở thành bộ phim song tính đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Câu chuyện kể về Trung (Trung Dũng) – gã phạm nhân trốn trại trú ẩn tại trang trại có cô y tá Kim cá tính (Mai Thu Huyền) đang trông nom cậu chủ Hải (Bình An) ốm yếu với quá khứ buồn bã. Phim xây dựng nhân vật Trung là một bisexual nên đương nhiên anh có cảm tình với cả Kim và Hải, tình cảm nghiêng về Hải nhiều hơn. Phim đầu tư hút thị giác khán giả bằng những góc quay đẹp, cảnh nóng tiết chế phù hợp mang tính nghệ thuật và những chi tiết ẩn dụ tuy nhỏ nhưng khá tinh tế. Tuy nhiên tính cách nhân vật chưa được nhất quán, thoại của diễn viên còn khiên cưỡng và đặc biệt rơi vào lối mòn khi xây dựng cậu chủ Hải với bi kịch nặng nề, đôi lúc còn khiến khán giả băn khoăn rằng cậu quá trẻ con để phân biệt tình yêu và tình thân với Trung.
Poster phim "Lạc giới" |
Chưa phải là một bộ phim dặc sắc nhưng “Lạc giới” vì mang vai trò là phim song tính đầu tiên nên vẫn đọng lại trong khán giả khoảnh khắc khó quên. Đó là giây phút khi Trung, Hải, Kim sau nhiều lần xung đột đã cùng nhau ngủ trên thảm cỏ gần trang trại vào buổi đêm lãng mạn. Tương đồng với các sắp xếp trong poster, Trung nằm giữa, bên cạnh là Kim và Hải. Dù Kim có chủ động nắm tay Trung thì anh vẫn nghiêng đầu ôm hôn tình cảm với Hải. Khoanh khắc này đánh dấu bước đi quan trọng của phim LGBT Việt khi có sự xuất hiện của bisexual trên màn ảnh. Từng cử chỉ của họ tuy diễn ra nhanh chóng nhưng vừa đủ để nổi bật mối quan hệ của ba người.
Brad Pitt phản ứng dữ dội khi bị sử dụng hình ảnh chống lại cộng đồng LGBT Chiến dịch 'Straight Pride' (tạm dịch: Tự hào vì là người dị tính) đã phải gỡ bỏ tất cả hình ảnh của ngôi sao điện ... |
Ngày Quốc tế chống kì thị LGBT 17/5 và những điều có thể bạn chưa biết Kể từ năm 2004, ngày 17/5 hằng năm được chọn là ngày Quốc tế chống kì thị người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHOT), nhằm ... |
Chân dung hiếm thấy về người vô tính và lưỡng tính: "mảnh ghép" LGBT bị lãng quên Một dự án nghệ thuật đặc biệt của nữ nhiếp ảnh gia Cloe Aftel đang góp phần mang lại góc nhìn rõ nét hơn về ... |
Phim Việt đua phim Việt Phim Việt đối đầu với các phim ngoại nhập, đặc biệt là phim bom tấn ở Hollywood đã là câu chuyện xưa cũ. Từ đầu ... |
LGBT+: “Ước mơ vĩ đại nhất là được là chính mình” Đó là lời chia sẻ của Đức (vũ công – thành viên cộng đồng LGBT+ Việt Nam). Tâm sự của Đức cũng là tâm tư ... |