5 cách ứng xử với đồng nghiệp “bề trên”
Chia sẻ về điều này, Trưởng phòng Nhân sự Careerlink.vn đưa ra một vài gợi ý về cách ứng xử phù hợp khi gặp phải tình huống “oái ăm” như thế này, hãy cùng tham khảo nhé.
Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn
Giữ cái đầu lạnh
Thông thường, bạn sẽ có cảm giác phiền toái và khó chịu khi được bảo phải làm mà người đó lại là đồng nghiệp ngang hàng. Điều này khiến bạn dễ nảy sinh cảm xúc tiêu cực dẫn đến mất bình tĩnh, bộc phát những hành động và lời nói vượt ngoài tầm kiểm soát. Mọi lời lẽ “không hay thường xuất hiện khi bạn tức giận, không làm chủ được hành vi từ đó gây ra nhiều sự cố đáng tiếc, mâu thuẫn sẽ lên cao trào và khó hàn gắn. Vì thế, điều quan trọng là bạn phải kiểm soát tính khí của mình. Những đồng nghiệp “tỏ vẻ ta đây” khi nhận được sự phản ứng mạnh mẽ có thể nhanh chóng tự biến họ trở thành nạn nhân với người thứ ba chỉ qua vài câu nói, chẳng hạn: “Tôi chỉ muốn giúp đỡ nhưng cô ta/anh ta cư xử như thể tôi đang làm điều gì sai trái vậy”. Do đó, cần bình tĩnh hết sức có thể để tránh nhận thêm phiền phức và tiếng xấu về phía bạn.
Lắng nghe quan điểm nhưng tự quyết định
Đôi khi từ những lời đóng góp của đồng nghiệp “kiêu căng” bạn sẽ “bỗng dưng sáng suốt” và sáng tạo ra những điều giúp cải thiện năng suất công việc của mình. Vì vậy, khi đồng nghiệp “hướng dẫn” bạn làm điều gì đó theo cách của họ thì đừng phản ứng, hãy lắng nghe nghiêm túc và nghĩ xem nó có giúp ích cho bạn được gì không, sau đó tự đưa ra quyết định về mọi thứ. Đừng để đồng nghiệp biết nếu bạn chấp nhận đề xuất của họ, điều đó sẽ khiến họ càng thêm tự kiêu và sẽ “được nước làm tới”.
Đặt ra các ranh giới lành mạnh
Đặt ra các ranh giới cần thiết là điều quan trọng cho bạn và đồng nghiệp của bạn. Khi bạn để bất cứ ai “xen” vào công việc đang thực hiện, họ sẽ bắt đầu “điều khiển” bạn.
Đôi khi bạn cần để cho người khác biết rằng bạn ở đây ở làm việc và không ai có thể cho bạn biết nên thực hiện nhiệm vụ được giao thế nào ngoài cấp trên trực tiếp của bạn.
Nếu đồng nghiệp có những góp ý chân thành và thật tâm hỗ trợ thì bạn nên đón nhận và biết ơn. Ngược lại, đồng nghiệp mà có dấu hiệu “dạy đời”, chỉ trích người khác như “làm thế này mà cũng được tuyển vào”, “làm như thế là không ổn chút nào”… thì tốt hơn hết bạn nên bỏ ngoài tai, giữ vững lập trường để không bị tác động tiêu cực và cố gắng hoàn thành tốt phần việc của bản thân.
Sử dụng sự hài hước làm “áo giáp”
Khi nói đến những đồng nghiệp tự coi mình là sếp thì hài hước sẽ là cách hiệu quả để bạn giữ một khoảng cách an toàn với họ. Nếu đưa ra nhận xét về những điều đồng nghiệp góp ý một cách dí dỏm sẽ ít tạo ra sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai bên, đồng thời họ cũng sẽ biết rằng bạn thoải mái với nhiệm vụ được giao và sẽ xử lý tốt công việc của mình. “Cảnh báo” họ với nụ cười trên môi và những lời nói kiên quyết, mạnh mẽ, họ sẽ hiểu những gì bạn muốn mà không gây ra sự kịch tính hay làm mất lòng họ.
Tạo một cuộc trò chuyện riêng tư
Nếu đồng nghiệp không có dấu hiệu thay đổi, tránh xa công việc của bạn thì hãy nói chuyện trực tiếp với họ. Trao đổi nơi làm việc có thể thu hút sự chú ý không mong đợi từ các đồng nghiệp khác, điều này sẽ không tốt cho bạn. Hãy mời đồng nghiệp “tỏ vẻ là sếp” cùng ăn trưa bên ngoài và trò chuyện về thái độ của họ, đồng thời thể hiện rằng bạn có khả năng trong công việc của mình, đó là lí do bạn được chỉ định làm việc.
Góp ý mang tính xây dựng cho nhau để cùng chung tay phát triển công ty ngày càng vững mạnh, chứ đừng nên sân si, so đo với nhau chỉ vì những hiểu nhầm không đáng có.
Việc thiết lập ranh giới rõ ràng và giao tiếp hiệu quả sẽ giúp bạn ứng xử tốt với đồng nghiệp có thái độ quá mức. Ngay cả khi đồng nghiệp không thay đổi hành vi của họ, bạn cũng thể hiện được mình là người chuyên nghiệp và có tinh thần xây dựng, từ đó sẽ càng được tôn trọng hơn.
Yến Nhi