Yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm 4 biện pháp chống dịch khi đưa lao động đi nước ngoài
Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm biện pháp chống dịch khi đưa lao động đi nước ngoài. (Ảnh minh họa) |
Công văn nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia trong khu vực châu Á gần và có biên giới với Việt Nam. Hiện nay, đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm bệnh tại một số tỉnh thành, phố của nước ta. Để tiếp tục chủ động, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện 4 nội dung nhằm đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, biện pháp đầu tiên doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, chính quyền sở tại và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công điện số 02/CĐ-LĐTBXH ngày 28/4/2021.
Thứ 2, trong quá trình tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao động phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế và chính quyền sở tại, bao gồm yêu cầu 5K, trong đó có việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; duy trì khoảng cách an toàn theo quy định; khuyến khích tổ chức tuyển chọn, đào tạo thông qua hình thức trực tuyến.
Nội dung thứ 3 là khi tổ chức xuất cảnh cho người lao động, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các các quy định, quy chế về phòng, chống dịch và quán triệt cho người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.
Trong trường hợp ghi nhận thông tin người lao động xuất cảnh bị nhiễm, nghi nhiễm COVID-19, doanh nghiệp phải chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động được khám, cách ly, chữa bệnh theo quy định sở tại. Ngoài ra, doanh nghiệp phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và nơi người lao động thường trú để phối hợp và có biện pháp xử lý y tế phù hợp.
Yêu cầu cuối cùng là doanh nghiệp cũng phải chủ động rà soát cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đơn vị và người lao động đang tham gia quá trình đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đặc biệt là những người từng tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 hoặc đến các địa điểm có khả năng lây nhiễm COVID-19 theo thông báo của Bộ Y tế để có biện pháp xử lý y tế phù hợp.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3/2021 là 3.423 lao động (trong đó có 1.155 lao động nữ), bằng 29,61% so với cùng kỳ năm ngoái
Trong quý I/2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 29.541 lao động (trong đó có 12.022 lao động nữ) đạt 32,82% kế hoạch năm 2021 và bằng 92,13% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong năm 2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những năm tiếp theo, khi tình hình ổn định kế hoạch dự kiến đưa khoảng từ 120.000-150.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.