Xuất siêu nông thủy sản giảm mạnh trong quý 1, vì đâu?
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%. Giá trị xuất siêu toàn ngành ghi nhận đạt 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,66 tỷ USD, tăng 27,0% so với tháng 2 nhưng giảm 6,5% so với tháng 3/2022.
Đáng chú ý, ngoài nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD, tăng 16,3% và chăn nuôi đạt 47,4 triệu USD, tăng 44,8% so tháng 3/2022 thì các nhóm khác đều có sự sụt giảm. Cụ thể, lâm sản đạt 1,29 tỷ USD, giảm 22,5%; thủy sản đạt 720 triệu USD, giảm 29%; đầu vào sản xuất đạt 182 triệu USD, giảm 3,9% và muối đạt 0,4 triệu USD giảm 29,2% so với cùng kỳ 2022.
Theo Bộ NN&PTNT. |
Trong giai đoạn, những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm trước gồm: Gạo đạt 952 triệu USD, tăng 30,2%; nhóm rau quả đạt 935 triệu USD, tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD, tăng 14,2%; sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD, tăng 22,2%; thịt, phụ phẩm 37 tỷ USD, tăng 80,1%...
Ở chiều ngược lại, những mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm ngoái gồm: Cà phê đạt 1,27 triệu USD, giảm 2,3%; cao su đạt 552 triệu USD, giảm 22,9%; chè đạt 35 triệu USD, giảm 22,9%; hạt tiêu đạt 239 triệu USD, giảm 3,8%; cá tra đạt 422 triệu USD, giảm 33,1%; tôm đạt 578 triệu USD, giảm 39,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; sản phẩm mây, tre, cói thảm đạt 172 triệu USD, giảm 34,9%...
Về thị trường xuất khẩu, 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 21,5% thị phần. Hoa Kỳ là thị trường đứng thứ 2 với 2,04 tỷ USD, chiếm 18,2%. Hai quốc gia giữ vị trí tiếp theo là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD, chiếm 8,4% và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD, chiếm 4,7%.
Cần tận dụng các FTAs
Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản giảm, thặng dư thương mại giảm so với cùng kỳ năm trước do hai nhóm nguyên nhân chính.
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine và tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.
Thêm vào đó, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023. Đây cũng là tình hình Bộ này đã dự báo được từ những tháng cuối năm 2022.
“Bộ NN&PTNT xác định năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn: Lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Do đó, phải coi đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường là nhiệm vụ ưu tiên”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ NN&PTNT ngày 31/3.
Về tháo gỡ khó khăn, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh vào việc tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Về mở rộng thị trường, Thứ trưởng Tiến lưu ý, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Gần nhất là chuẩn bị tổ chức Hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc (quý 2 và quý 3/2023); tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt nam tại Vương quốc Anh...