Xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 400 tỷ USD
Bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Sau 6 năm (năm 2007) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bốn năm sau (năm 2011) quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (năm 2015).
Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 02 năm tiếp theo (khoảng giữa tháng 12 năm 2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức 400 tỷ USD.
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 đạt 385,77 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô xuất nhập khẩu đã tăng thêm hơn 200 tỷ USD chỉ sau 6 năm (tính từ năm 2011). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng từ đầu năm đã tăng 67,93 tỷ USD về số tuyệt đối và là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay.
Đáng chú ý, mức thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng từ đầu năm 2017 thặng dư 23,85 tỷ USD, trong khi khối các doanh nghiệp có vốn trong nước thâm hụt tới 20,67 tỷ USD. Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường lớn nhất có thâm hụt thương mại với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại với thị trường Hoa Kỳ, EU và Hồng Kông.
Biểu đồ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các năm. (Ảnh nguồn internet)
Tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
Phó Thủ tướng khẳng định, thành tích 400 tỷ USD là của cả nước, tuy nhiên, Phó Thủ tướng vẫn đánh giá cao sự cố gắng của ngành hải quan, đặc biệt là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính.
Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2007 – 2015 hầu hết Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu (trừ năm 2012 – 2013) thì năm 2016 Việt Nam đã xuất siêu 1,78 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2017 xuất siêu 3 tỷ USD.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, điều này góp phần làm cán cân thanh toán cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Thành tích này cũng góp phần làm cho Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành và hoàn thành vượt định mức cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội.
Cùng với việc tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan hải quan tiếp tục cải cách hành chính, tham mưu cho Chính phủ, phấn đấu cắt giảm khoảng 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nuôi dưỡng nguồn thu. “Các Bộ, ngành phải vào cuộc và rà soát lại một cách căn bản các thủ tục. Thời gian tới, chủ trương của Chính phủ là sẽ tăng dần việc xã hội hóa các trung tâm kiểm định, đo lường, kiểm tra hàng hóa trực tiếp….”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Tổng cục Hải quan chủ động hơn nữa trong cải cách hành chính, chuyển mạnh tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao hiệu quả của hải quan điện tử, bảo đảm hơn nữa thời gian thông quan và giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới.
Việt Nam hiện có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2017.Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 5 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD.
Minh Anh