Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3 tỷ USD trong tháng đầu năm
Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính tháng 1/2018 ước đạt 1,68 tỷ USD, tăng 34,1%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 560 triệu USD, tăng 15,6% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 745 triệu USD, tăng 18,5%.
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, gạo, cao su, cà phê, hạt điều là những mặt hàng tăng mạnh cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 524.000 tấn với giá trị đạt 249 triệu USD, tăng 56,5% về khối lượng và tăng 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2017, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 451,9 USD/tấn, tăng 0,7% so với năm 2016.
Gạo là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. (Ảnh minh họa)
Xuất khẩu cà phê ước đạt 173.000 tấn với giá trị đạt 338 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 7% về giá trị.
Mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất là cao su, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su đạt 181.000 tấn với giá trị đạt 204 triệu USD, tăng 94,5% về khối lượng và tăng 14% về giá trị.
Tiếp tục tăng mạnh cả về giá trị và sản lượng, hạt điều xuất khẩu đạt 25.000 tấn với giá trị 256 triệu USD, tăng 39,9% về khối lượng và tăng 56,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân năm 2017 đạt 9.955,1 USD/tấn, tăng 21,5% so với năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 34,7%, 15,4% và 13,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng hạt tiêu tăng về khối lượng nhưng lại giảm về giá trị. Cụ thể, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 13 nghìn tấn, với giá trị đạt 56 triệu USD, tăng 59,2% về khối lượng nhưng giảm 8,9% về giá trị so với năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2017 đạt 5.201,5 USD/tấn, giảm 35,3% so với năm 2016. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với thị phần lần lượt là 19,8%, 7,1%, và 5,4%.
Rau quả vẫn là mặt hàng có sự tăng trưởng khá tốt. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 1 ước đạt 321 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2017. Năm ngoái, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu thủy sản cũng tăng cao trong tháng đầu năm 2018. (Ảnh minh họa)
Cũng trong tháng 1/2018, uớc tính giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 709 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017 với thị phần lần lượt là 42,7%, 14% và 13,4%.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1/2018 ước đạt 560 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong năm 2017, chiếm 55% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, tại thị trường nội địa, trong tháng 1, giá lúa, gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ít biến động. Giá cà phê tăng do thông tin nguồn dự trữ cà phê toàn cầu có xu hướng giảm nhanh hơn dự báo trước đây, trong khi đó người trồng cà phê trong nước trữ hàng không bán ra để chờ giá tăng cao hơn.
Giá chè nguyên liệu trong nước tiếp tục tăng nhẹ do nhu cầu thu mua nguyên liệu của các nhà máy chế biến cho dịp Tết cổ truyền đang tới gần.
Giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục vững ở mức cao bởi nguồn cung vẫn ở mức hạn chế. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu trong tháng đầu năm 2018 nhìn chung có xu hướng tăng so với tháng cuối năm 2017 do nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu tôm nguyên liệu của các nhà máy tăng…
Minh Anh (t/h)